Những thách thức xuyên quốc gia trên lưu vực sông Mekong

05:30' - 11/06/2020
BNEWS Mùa màng thất bát, tình trạng thiếu lương thực và thiếu nước chỉ là một số tác động. Tình hình trở nên trầm trọng hơn do việc xây dựng các con đập ở thượng nguồn sông Mekong dẫn đến xung đột.
Khu vực sông Mekong là nơi đang gánh chịu một đợt hạn hán thế kỷ. Ảnh: TTXVN

Châu Á nằm trong số những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Trong số 10 khu vực đang khốn khổ vì hiện tượng thời tiết khắc nghiệt từ năm 1999 đến 2018 có đến 7 khu vực thuộc châu Á. Trong đó, khu vực sông Mekong, nơi đang gánh chịu một đợt hạn hán thế kỷ, hiện đang rất khó khăn. 

Mùa màng thất bát, tình trạng thiếu lương thực và thiếu nước chỉ là một số tác động. Tình hình đã trở nên trầm trọng hơn do việc xây dựng các con đập ở thượng nguồn sông Mekong, dẫn đến xung đột địa phương và quốc tế. Những yếu tố này nhấn mạnh sự cần thiết của việc thiết lập quản lý nước xuyên quốc gia bền vững cho sông Mekong. 

Nghiên cứu về vấn đề này, Tiến sỹ Felix Heiduk và tác giả Andrea Frenzel thuộc nhóm nghiên cứu châu Á của viện SWP Đức có bài nghiên cứu đăng trên trang của viện này mới đây, trong đó nhận định hiện tượng thời tiết cực đoan hơn và "thiên tai" thường xuyên ở Đông Nam Á gây ra thiệt hại đáng kể về sinh thái, con người và kinh tế.

Sông Mekong chảy qua sáu quốc gia, cung cấp nguồn lương thực cho hơn 65 triệu người ở vùng hạ lưu thông qua trồng trọt và đánh cá. Lượng mưa giảm đáng kể trong giai đoạn từ tháng 5-10/2019, đặc biệt là ở vùng hạ lưu sông, đã gây ra một đợt hạn hán dai dẳng mà các chuyên gia dự báo sẽ dẫn đến thiệt hại mùa màng đáng kể trong năm 2020, thậm chí thiệt hại lớn hơn so với năm 2016.

Trước đó, một đợt hạn hán kéo dài do thiếu mưa đã ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn ha hoa màu và gây thiệt hại mùa màng trên 380 triệu USD.

Tác động tiêu cực của những hiện tượng cực đoan này gia tăng với lượng mưa biến động mạnh, các cơn mưa kéo dài dẫn đến các trận lũ lớn. Những ảnh hưởng của đợt hạn hán lịch sử hiện nay trở nên trầm trọng hơn bởi mực nước sông Mekong liên tục giảm.

Năm 2019 và 2020, đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, mực nước đã giảm xuống mức thấp nhất trong 100 năm trở lại đây. Dòng nước chảy vào đồng bằng ít hơn, cùng với mực nước biển dâng cao, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn, do đó diện tích dành cho sản xuất nông nghiệp đang bị thu hẹp.

Mực nước giảm không chỉ là hệ quả của biến đổi khí hậu. Một mặt, sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế ở khu vực sông Mekong đã khiến mức tiêu thụ nước trên các nhánh thứ cấp của sông tăng nhanh.

Mặt khác, mực nước giảm là do một số lượng lớn các đập ở thượng nguồn. Trung Quốc, Lào và Campuchia đã xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông Mekong và các nhánh của nó trong 20 năm qua để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Họ cho rằng đó là cung cấp năng lượng "sạch".

Tuy nhiên, việc xây dựng các con đập ở thượng nguồn sông đã hạ thấp mực nước và làm thay đổi hệ sinh thái nhạy cảm.

Trong khi Campuchia hồi tháng 3/2020 công bố lệnh cấm xây dựng đập ở sông Mekong trong 10 năm, thì các dự án đập ở Trung Quốc và Lào vẫn hoặc đang được xây dựng hoặc đang được lên kế hoạch. Trong tương lai gần, hơn 100 nhà máy thủy điện mới trên sông Mê Kông và các nhánh phụ của nó sẽ được xây dựng tại Lào.

Lào muốn phát triển thành “Pin thủy điện” và kiếm lợi nhuận bằng việc bán năng lượng sạch cho các nước láng giềng như Thái Lan. Các dự án thủy điện chủ yếu được các nhà đầu tư Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan cấp vốn. Đối với Lào, các dự án như vậy mang lại nguồn ngoại hối và tạo việc làm.

Mực nước thấp chủ yếu là vấn đề đối với các quốc gia Việt Nam và Campuchia nằm ở hạ lưu sông. Mực nước thấp tác động đến các khu vực nông nghiệp, đặc biệt là vùng trồng lúa. Hậu quả là năng suất sản xuất lúa gạo tại đồng bằng sông Cửu Long giảm sút.

Khoảng 17,3 triệu dân của vùng đồng bằng sông Cửu Long sản xuất hơn một nửa tổng số gạo của Việt Nam; gần 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đến từ vùng này. Ngoài ra, mực nước thấp ảnh hưởng hoạt động đánh bắt cá, dẫn đến sự sụt giảm nguồn cá. 

Giới chuyên gia đánh giá rằng các ưu đãi chính sách kinh tế và năng lượng ngắn hạn liên quan đến xây dựng đập sẽ có những hậu quả tiêu cực sâu rộng trong các lĩnh vực chính sách khác, bởi khu vực có hơn 65 triệu người phụ thuộc trực tiếp vào sông Mekong về an ninh lương thực và sinh kế.

Ví dụ, hoạt động đánh bắt cá nước ngọt trên sông Mekong ở Campuchia chiếm khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Người ta ước tính rằng hơn 2 triệu trong số 16 triệu người Campuchia kiếm được ít nhất một phần sinh kế của họ từ nghề cá. Đánh bắt cá nước ngọt không chỉ là một yếu tố kinh tế quan trọng, mà còn là trung tâm của an ninh lương thực của Campuchia, bởi cá là nguồn protein thiết yếu cho phần lớn người dân.

Trong khi đó, phần lớn nền nông nghiệp của Campuchia cũng dựa vào sông Mekong để phục vụ tưới tiêu cho nhiều vùng đất.

Những thách thức xuyên biên giới nêu trên đòi hỏi sự hợp tác giữa các nước lưu vực sông Mekong. Các dự án đập ở Lào và Trung Quốc đang ảnh hưởng đến nông nghiệp và ngư nghiệp ở các nước hạ lưu. Điều này đã nhiều lần dẫn đến xung đột.

Đặc biệt, Trung Quốc bị chỉ trích vì điều hành quản lý nước ở thượng nguồn sông chỉ dựa trên lợi ích quốc gia của chính họ. Các nhà phê bình chỉ trích sự thiếu hụt dòng chảy của sông thông qua các đập và hồ chứa của Trung Quốc được xây dựng trên thượng nguồn.

Điều này gây ra mực nước thấp ở vùng hạ lưu, ảnh hưởng nghiệp trọng đến nông nghiệp và đánh bắt cá. Các nhà quan sát cũng chỉ trích việc tài trợ cho các dự án đập khổng lồ ở Lào sử dụng các khoản vay của Trung Quốc.

Do đó, việc quản lý nước xuyên quốc gia phải tính đến các quan điểm phát triển kinh tế, cũng như các hậu quả xã hội và sinh thái của sự phát triển này, đồng thời thỏa mãn các lợi ích xung đột của các chủ thể khu vực khác nhau. 

Từ những năm 1990, các cơ chế hợp tác khác nhau đã được giới thiệu ở khu vực sông Mekong. Một trong những sáng kiến đầu tiên là Ủy ban sông Mê Kông (MRC) - ra mắt vào năm 1995 và là cơ chế hợp tác duy nhất chỉ dành riêng cho việc quản lý nước sông.

Nhiệm vụ của MRC bao gồm xây dựng kế hoạch phát triển chung cho Lưu vực sông Mekong, nhưng đồng thời nhấn mạnh quyền của mỗi quốc gia thành viên. Mặc dù MRC có trình độ kỹ thuật cao, sự phong phú về dữ liệu và chuyên môn, nhưng họ không có quyền điều phối đối với các thành viên của mình.

MRC nhận được sự hỗ trợ quốc tế, nhưng ít có mặt trong các diễn ngôn quốc gia của các quốc gia thành viên và đối tác. Các nhà tài trợ, bao gồm cả Đức và Liên minh châu Âu (EU), đã cắt giảm triệt để ngân sách của MRC vào năm 2016 vì họ nhận thấy sự thiếu hiệu quả.

Trong khi đó, đối với cơ chế hợp tác đa phương mới mang tên Mekong - Lan Thương (LMC) đang định hình tương lai kinh tế và môi trường khu vực Đông Nam Á, có thể thấy rằng LMC chưa phải là cuối cùng, nhưng là một dự án vành đai và con đường dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc. Vì vậy, quản lý nước bền vững nên khó có sự ưu tiên.

Thay vào đó, cơ chế này phục vụ lợi ích kinh tế và địa chiến lược của Trung Quốc. Bắc Kinh đã thành lập một thể chế đa phương có vẻ bề ngoài tương đồng với LMC trên cơ sở các hiệp định song phương.

Cơ chế này không chỉ giúp Trung Quốc cải thiện mối quan hệ hạ nguồn với các nước láng giềng, mà còn đóng vai trò là công cụ chống lại ảnh hưởng địa chiến lược của Nhật Bản và Mỹ - những nhà tài trợ cho MRC. Cho đến nay, LMC đã cho thấy không sẵn sàng hợp tác với MRC.

Những thay đổi lớn trong hệ sinh thái sông Mekong đã làm trầm trọng thêm tính dễ bị tổn thương của tiểu vùng. Các cơ chế hợp tác khu vực hiện chỉ có thể quản lý xung đột cục bộ trong thời gian ngắn. Cho đến nay, Trung Quốc đã trốn tránh việc trở thành thành viên đầy đủ của MRC và phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Môi trường dưới nước.

Thay vào đó, Bắc Kinh đã đưa ra sáng kiến của riêng mình với LMC và hợp tác khu vực có chọn lọc, chủ yếu mở rộng song phương. Trung Quốc chủ yếu sử dụng nguồn nước thượng nguồn của sông Mekong cho mục đích riêng của mình, bất kể nhu cầu của các nước láng giềng Đông Nam Á.

Sự hỗ trợ có mục tiêu đối với MRC vẫn là một cách để Đức và EU tiếp tục giúp định hình chính sách khí hậu toàn cầu trên sông Mekong.

Bất chấp những lời chỉ trích về tham nhũng và kém hiệu quả, sức mạnh của tổ chức này nằm ở việc thu thập và hệ thống hóa dữ liệu khoa học trên sông Mekong, trên cơ sở các phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng để quản lý lưu vực sông qua biên giới. 

Hiệp hội Hợp tác Quốc tế (GIZ) là nhà tài trợ chính cho dự án thí điểm hai năm để giám sát môi trường chung của đập Don Sahong và Xayaburi tại Lào, khởi đầu được công bố vào tháng 2/2020. Những dự án như vậy nên được tiếp tục với mục đích hỗ trợ quản lý dòng chảy bền vững và hợp tác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục