Những thảm kịch phơi bày thực trạng các khu nhà ở xã hội cho người nghèo ở Mỹ

18:19' - 11/01/2022
BNEWS Hai vụ hỏa hoạn khiến hàng chục người thiệt mạng xảy ra những ngày gần đây tại Mỹ một lần nữa chỉ rõ hơn tình trạng xuống cấp và thiếu an toàn tại các tòa nhà dành cho người nghèo.

Hai vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng khiến hàng chục người thiệt mạng xảy ra những ngày gần đây tại Mỹ một lần nữa chỉ rõ hơn tình trạng xuống cấp và thiếu an toàn tại các tòa nhà dành cho người nghèo, những người phải phụ thuộc vào trợ cấp chính phủ để có nhà ở.

Gần đây nhất, ngày 9/1, một vụ hỏa hoạn do chập hệ thống sưởi tại một tòa nhà ở khu lao động Bronx, New York, đã khiến 17 người thiệt mạng, trong đó có 8 trẻ em.

Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau vụ hỏa hoạn ở một khu nhà ở xã hội tại bang Phildenphia khiến 12 người thiệt mạng.

Hai thảm kịch với hàng chục mạng người đều là những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng nhất mà các địa phương từng ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây.

Các luật sư về nhà ở đều có chung nhận định rằng việc cả hai thảm kịch đều xảy ra ở những khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp không phải là điều tình cờ.

Luật sư nhà ở Jenna Collins tại bang Philadelphia cho rằng những tai nạn chập cháy hệ thống sưởi là chuyện thường xảy ra tại các khu nhà ở của chính phủ hoặc do chính phủ chi trả.

Bất động sản trở thành hàng hóa cực kỳ có giá trong thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành, liên tục đẩy giá nhà ở tại Mỹ lên các mức cao kỷ lục. Tình trạng này càng khiến giấc mơ sở hữu một căn hộ trở nên xa vời hơn với những người nghèo.

Trong khi đó, những khu nhà ở dành cho nhóm này, thuộc sở hữu hoặc được chính phủ trợ cấp, tại một số thành phố thì hầu như không được bảo trì, quan tâm đầy đủ, dẫn đến nguy cơ cao xảy ra các thảm kịch.

Năm 2021, Hiệp hội Nhà ở cho người thu nhập thấp công bố báo cáo cho thấy hầu như tất cả các bang hay thành phố lớn tại Mỹ đều không có đủ nhà ở cho nhóm thu nhập cực thấp phải đi thuê nhà ở.

Tính trung bình toàn nước Mỹ, cứ 100 người nghèo đi thuê nhà thì chỉ có 37 người tìm được một chỗ ở "hợp túi tiền". Tỷ lệ này còn thấp hơn tại các vùng đô thị lớn ở cả Philadelphia và New York.

Chính điều này đã dẫn tới tình cảnh hàng chục người cùng phải chia sẻ không gian chật hẹp trong khu nhà ở bị hỏa hoạn tại Philadelphia.

Theo cảnh sát, khu nhà bị thiêu rụi là nơi ở của 26 người, với 8 người ở tầng 1 và 18 người ở các tầng 2 và 3.

Trong báo cáo từ chính quyền thành phố, thời gian gần nhất mà hệ thống báo cháy của tòa nhà còn hoạt động là từ tháng 4 và tháng 5/2021, không phải lúc hỏa hoạn xảy ra.

Trước thảm kịch, rất nhiều người trong số các nạn nhân đã từng cảm thấy may mắn vì có được một chỗ ở trong khi nhiều người khác vẫn chờ đợi được phân một chỗ trong các khu nhà ở xã hội trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập kỷ.

Tương tự, tại New York, tòa nhà 19 tầng bị cháy có rất nhiều cư dân là người thuê nhà phụ thuộc vào trợ cấp chính phủ. Một trong những nguyên nhân dẫn tới thảm kịch được cho là do công tác bảo trì không được thực hiện đầy đủ.

Trước đó, người dân từng không ít lần nhận các tín hiệu báo cháy giả nên dần dần họ đã không còn chú ý tới còi báo cháy.

Từ Washington, Tổng thống Joe Biden đã cam kết trích hàng tỷ USD cho các dự án hỗ trợ nhà ở từ kế hoạch "Build Back Better".

Tuy nhiên, bản kế hoạch vẫn mắc kẹt trên bàn thảo luận của các nghị sĩ Quốc hội Mỹ. Các chuyên gia nhà ở đều cho rằng xây các tòa nhà mới chỉ là một phần của giải pháp đồng thời kêu gọi tập trung nỗ lực đảm bảo các tòa nhà xã hội hiện nay có đủ các điều kiện an toàn cần thiết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục