Những trở ngại trong chiến lược tự do năng lượng của châu Âu

06:30' - 01/10/2022
BNEWS Trang Quỹ nghiên cứu nhà quan sát (ORF) đăng bài phân tích của nghiên cứu viên cao cấp Ankita Dutta với tựa đề "Đánh giá cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu".

Theo bài viết, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu là một vấn đề được quan tâm thời gian gần đây. Mặc dù đã nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là vào Nga, nhưng châu Âu vẫn chưa đạt được nhiều thành công.

Lý do chính dẫn đến điều này là nhu cầu năng lượng tăng lên trong khi đầu tư vào tài nguyên tái tạo và các dạng năng lượng thay thế khác không theo kịp.

Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine hồi năm 2014 đã khiến Liên minh châu Âu (EU) thấy rõ cần phải có một giải pháp thay thế cho các nguồn năng lượng của Nga. EU đã thực hiện các bước nhằm làm giảm dần sự phụ thuộc vào Nga trong việc nhập khẩu năng lượng.

Năm 2021, châu Âu nhập khẩu 39,2% khí đốt, 24,8% dầu thô và 46% than đá từ Nga. Các nguồn năng lượng chiếm "62% nhập khẩu của EU từ Nga năm 2021 (99 tỷ euro). Đây được đánh giá là mức giảm đáng kể gần 15% so với hồi năm 2011, khi năng lượng chiếm gần 77% nhập khẩu của EU từ Nga (148 tỷ euro)".

Tuy nhiên, trong khi vừa giảm nhập khẩu, EU vẫn tiếp tục phụ thuộc năng lượng của Nga. Đến năm 2022, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine một lần nữa làm trầm trọng thêm nhu cầu hạn chế sự phụ thuộc này. Trong khi những lo ngại ban đầu liên quan đến việc Điện Kremlin sử dụng vị thế thống trị trên thị trường năng lượng châu Âu để hạn chế xuất khẩu năng lượng khi đối mặt với lệnh trừng phạt tiềm tàng thì các cuộc tranh luận ở châu Âu đã thay đổi khi cuộc xung đột bùng nổ.

Các thành viên EU không chỉ áp dụng trừng phạt đối với các nguồn năng lượng Nga mà còn đang tìm kiếm các nguồn thay thế đảm bảo cung cấp các nguồn năng lượng thiết yếu, đồng thời thực hiện nhiều chính sách và sáng kiến khác nhau giảm bớt tác động của việc giá năng lượng tăng cao.

Về phần mình, Gazprom, tập đoàn năng lượng lớn nhất của Nga, cũng đang dần hạn chế xuất khẩu năng lượng sang châu Âu kể từ năm 2021. Sau khi EU thực hiện lệnh trừng phạt, nguồn cung càng giảm với việc Nga yêu cầu các công ty châu Âu thanh toán bằng đồng ruble.

Điều này dẫn đến sự gián đoạn các dòng năng lượng, một phần hoặc hoàn toàn, đến một số quốc gia EU. Cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc với việc Nga đóng cửa hoàn toàn đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) vào đầu tháng 9/2022 khi Nga tuyên bố không thể khắc phục sự cố rò rỉ dầu trong đường ống do các lệnh trừng phạt.

Điều này khiến giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tiếp tục tăng. Tính cấp thiết của tình hình được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Ủy ban châu Âu, tháng 9/2022 rằng: "Chúng ta phải loại bỏ sự phụ thuộc này trên toàn châu Âu".

* Những gì đã được thực hiện?

EU hành động dứt khoát việc đa dạng hóa giỏ năng lượng khỏi Nga. EU, trong vòng trừng phạt thứ năm và thứ sáu, đã cấm nhập khẩu đối với tất cả các loại than của Nga và cấm nhập khẩu đối với tất cả các sản phẩm dầu thô và dầu mỏ của Nga.

Ngoài việc trừng phạt nguồn năng lượng của Nga, EU thực hiện hai biện pháp nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng khỏi Nga. Thứ nhất là thông qua việc đảm bảo các nguồn cung cấp tài nguyên thay thế. Liên minh đã liên hệ với các quốc gia như Qatar, Mỹ, Na Uy, Azerbaijan, Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Ai Cập và Hàn Quốc đảm bảo xuất khẩu khí đốt thay thế cho Nga.

Thứ hai, EU đưa ra nhiều chính sách và sáng kiến khác nhau giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng. EU đưa ra Kế hoạch RePowerEU vào tháng 3/2022, trong đó các quốc gia thành viên tuyên bố ý định giảm 2/3 nguồn cung năng lượng từ Nga vào cuối năm 2022.

Kế hoạch RePowerEU toàn diện được công bố vào tháng 5/2022, trong đó đưa ra lộ trình giảm nhanh chóng sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Kế hoạch nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch bằng cách tăng tốc và mở rộng quy mô năng lượng tái tạo trong sản xuất điện, công nghiệp, cơ sở hạ tầng và giao thông.

Ủy ban châu Âu đề xuất tăng mức mục tiêu yêu cầu trong sử dụng năng lượng tái tạo lên 45% trong năm 2030 từ mức 40% của năm 2021. Điều này sẽ giúp nâng tổng công suất phát năng lượng tái tạo lên 1.236 gigawatt (GW) vào năm 2030, so với mục tiêu 1.067 GW năm 2030 theo khung "Fit for 55".

Ba biện pháp chính cũng được Chủ tịch Ủy ban EU đưa ra trong bài phát biểu nói trên. Thứ nhất, một kế hoạch trên toàn EU nhằm tiết kiệm điện bắt buộc trong giờ cao điểm. Trong vấn đề này, EU đưa ra một sáng kiến tự nguyện là Kế hoạch Giảm thiểu Khí đốt, nhằm bảo tồn các nguồn năng lượng cho mùa Đông sắp tới.

Ý tưởng là giảm 15% nhu cầu khí đốt trong giai đoạn từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023 và sử dụng lợi nhuận thặng dư của các công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đặt giới hạn doanh thu từ năng lượng tái tạo và các nhà máy hạt nhân.

Các biện pháp dự kiến huy động được khoảng 140 tỷ euro giúp các chính phủ kiểm soát giá năng lượng và hóa đơn hộ gia đình.

Ngoài ra, một số quốc gia châu Âu đang thực hiện các biện pháp ở cấp quốc gia nhằm giải quyết tình trạng tăng giá năng lượng, chẳng hạn như Đức đã thông qua gói cứu trợ 65 tỷ euro để giảm bớt áp lực cho các hộ gia đình; Italy thông qua gói viện trợ trị giá 14 tỷ euro ngày 16/9 để bảo vệ các công ty và gia đình khỏi chi phí năng lượng tăng cao và Anh giới hạn hóa đơn điện và khí đốt gia đình ở mức 2.500 bảng/năm trong hai năm tới.

* Một chặng đường dài

Việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine năm 2022 đã khiến các cuộc tranh luận về đa dạng hóa năng lượng được đặt lên hàng đầu, với câu hỏi sự phụ thuộc vào năng lượng đang trở nên cấp thiết do quan điểm cho rằng doanh thu từ xuất khẩu các nguồn năng lượng có thể được tài trợ cho các hành động của Nga ở Ukraine.

Thông qua các chính sách và sáng kiến khác nhau, EU đang nỗ lực tìm cách giảm bớt tác động của giá năng lượng cao và rủi ro suy giảm kinh tế đối với các hộ gia đình chung. Tuy nhiên, nói thì dễ hơn làm.

Trong đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 7/2022, trong trường hợp nguồn năng lượng từ Nga bị cắt đứt hoàn toàn, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước Trung và Đông Âu như Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech có thể giảm đến 6% và dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ còn 2,6% (thay vì 2,8%) trong năm 2022.

Một trong những thách thức chính đối với EU là quản lý cung và cầu. Liên minh đang cố gắng giải quyết vấn đề nguồn cung bằng cách đa dạng hóa nguồn lực ra khỏi Nga, xem xét các quốc gia như Mỹ, Qatar… để hoàn tất các thỏa thuận khí đốt tự nhiên và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là việc tăng dòng chảy năng lượng từ các quốc gia này đòi hỏi cơ sở hạ tầng đường ống mới và đối với LNG cần các thiết bị đầu cuối chuyên dụng hơn. Các quy trình này tốn nhiều thời gian và có thể mất từ 2-5 năm để đi vào hoạt động. Để quản lý nhu cầu và để phù hợp với kế hoạch dự trữ khí đốt tự nguyện của EU, một số quốc gia châu Âu như Đức, Tây Ban Nha đã phê duyệt các biện pháp bảo tồn năng lượng tăng trữ lượng khí đốt tương ứng lên trên ngưỡng 80%. Tuy nhiên, sự ổn định của các nguồn dự trữ này phụ thuộc vào mùa Đông sắp tới vì giai đoạn này thường có nhu cầu tăng cao, nhiều hơn những gì trữ lượng có thể xử lý.

Thứ hai là việc thực hiện sáng kiến RePowerEU. Để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch bằng cách tăng cường đóng góp của năng lượng tái tạo trong ma trận năng lượng lớn hơn của Liên minh, sáng kiến này cũng đòi hỏi đầu tư tăng cường vào các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn Liên minh.

Sáng kiến bao gồm việc lắp đặt nhanh hơn các dự án gió và năng lượng Mặt Trời vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Vì thời gian của các kế hoạch đều bị rút ngắn, việc bàn giao các dự án kịp thời vẫn là một câu hỏi quan trọng. Ngoài ra, việc thay thế hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch cần có thời gian và ý chí chính trị từ các quốc gia thành viên nhằm tăng cường việc sử dụng năng lượng tái tạo lên một mức đủ cao để điều chỉnh giảm việc tiêu thụ năng lượng.

Thứ ba, thách thức quan trọng là sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên sẽ tiếp tục đến đâu. Các lệnh trừng phạt đối với việc nhập khẩu dầu thô từ Nga đã gây ra rạn nứt trong Liên minh, với một số quốc gia thành viên bày tỏ sự không sẵn sàng tuân theo các mốc thời gian mà Liên minh đưa ra.

Bốn quốc gia thành viên - Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech và Bulgaria – đã phản đối mốc thời gian ban đầu do Ủy ban châu Âu đưa ra đối với việc loại bỏ hoàn toàn dầu thô của Nga trong sáu tháng và tất cả các sản phẩm dầu tinh chế đến cuối năm 2022.

Do phụ thuộc nhiều hơn vào dầu của Nga, họ không thể chuyển sang các nhà cung cấp khác trong thời gian ngắn mà không gây nguy hiểm cho nền kinh tế quốc gia. Kết quả là các lệnh trừng phạt chỉ được áp dụng đối với hàng nhập khẩu bằng đường biển trong khi loại trừ tất cả các nguồn cung cấp đường ống.

Tiếp theo là việc Hungary ký một thỏa thuận mới với Gazprom nhận tới 5,8 triệu mét khối khí đốt/ngày. Thỏa thuận này theo sau thỏa thuận kéo dài 15 năm mà nước này ký với Gazprom năm 2021 nhằm cung cấp 4,5 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Tương tự, tháng 8/2022, Na Uy bị các nước Bắc Âu chỉ trích vì quyết định hạn chế xuất khẩu năng lượng để bảo vệ người tiêu dùng Na Uy.

Tóm lại, điều có thể kết luận là mặc dù EU đưa ra các cơ chế và sáng kiến đối phó với tình hình, nhưng những sáng kiến này sẽ mất thời gian để mang lại kết quả và phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Do đó, có rất ít dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng sớm cải thiện bất cứ lúc nào và con đường để EU đạt được an ninh năng lượng vẫn còn tốn kém và đầy thách thức./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục