Những vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư ở Hưng Yên

15:54' - 25/09/2021
BNEWS Dù đã khơi thông nguồn vốn xây dựng cơ bản nhưng tại Hưng Yên vẫn còn một số công trình dự án chậm tiến độ.

Nguyên nhân chính bắt nguồn từ những vướng mắc bởi các quy định hiện hành.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên, tỉnh có 18 chương trình dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư nhưng vẫn chưa được phân bổ chi tiết do phải chờ Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chính thức giao kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Do vậy, thời gian tới sẽ tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công và giải ngân vốn.

Ngoài ra, một số công trình kè, cống phải tạm dừng thi công do vào mùa mưa lũ. Hơn nữa, giá vật tư xây dựng tăng đột biến, nhất là sắt, thép đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình và giải ngân vốn đầu tư công của một số đơn vị.

Cùng đó, một số dự án có kế hoạch vốn lớn ở các huyện Yên Mỹ, Ân Thi, Khoái Châu... cũng đang bị ngưng trệ. Theo ông Đặng Xuân Lương, Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ, do một số dự án nằm trong địa bàn phong tỏa, giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phải tạm dừng hoặc chậm thi công, việc vận chuyển vật tư vật liệu phục vụ công trình gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, tại các đoạn khu dân cư, giá cả đền bù có sự điều chỉnh, thủ tục nhiều làm ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên Trịnh Văn Diễn cũng đã đưa ra các khó khăn, vướng mắc trong các quy định hiện hành, trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ông Trịnh Văn Diễn nêu rõ, đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị, hoặc dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị thuộc thẩm quyền chấp thuận thủ trương của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên trên thực tế, có những dự án xây dựng nhà ở, xã hội có quy mô nhỏ nhưng dân số lớn sẽ thuộc trường hợp bác cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, như vậy sẽ dẫn đến kéo dài thời gian đưa dự án vào hoạt động của doanh nghiệp.

"Tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ xem xét sửa đổi các quy định về thẩm quyền Quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhà ở, đô thị theo hướng chỉ sử dụng yếu tố, quy mô sử dụng đất làm căn cứ xác định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư", ông Trịnh Văn Diễn nói.

Về việc thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trước đây theo quy định của Luật đầu tư 2014 có quy định việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư đối với trường hợp sau 12 tháng nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp giãn tiến độ thực hiện dự án.

 

Nhưng hiện nay, Luật đầu tư 2020 đã bỏ nội dung này, gây khó khăn cho địa phương trong việc xử lý đối với các dự án không triển khai hoặc chậm triển khai do nhà đầu tư không thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng… Do vậy, không thể áp dụng Luật Đầu tư để chấp dứt hoạt động của dự án.

Tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, hướng dẫn hoặc bổ sung các chế tài xử lý đối với các trường hợp thu hồi Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án được nhà nước giao đất cho thuê đất nhưng nhà đầu tư chậm được bàn giao đất, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước vè đầu tư trong việc chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm triển khai do chưa thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cũng nêu vấn đề, theo quy định của Quốc hội, doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải thực hiện đúng phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp.

Việc chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện sắp xếp, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp cổ phần hóa phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục theo quy định. Tuy nhiên trong phương án cổ phần hóa của một số doanh nghiệp trước đây, không quy định cụ thể về phương án sử dụng đất, gây khó khăn cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tỉnh Hưng Yên đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm có văn bản tháo gỡ đối với các trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, khi chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án sử dụng đất đã được phê duyệt trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp hoặc tại Phương án cổ phần hóa doanh nghiệp chưa quy định rõ về phương án sử dụng đất, được điều chỉnh mục đích sử dụng đất khi dự án phù hợp với quy hoạch.

Năm 2021, tổng vốn đầu tư nguồn ngân sách giao cho tỉnh Hưng Yên là 4.380 tỷ đồng. Đến hết tháng 8, toàn tỉnh đã giải ngân được hơn 2.470 tỷ đồng, đạt 77,4% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 56,4% kế hoạch địa phương giao.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, ngay từ đầu năm, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, khơi thông các nguồn vốn, nhất là không để nợ đọng vốn xây dựng cơ bản. Tỉnh đã thành lập tổ chuyên môn, thường xuyên kiểm điểm, đôn đốc các chủ đầu tư, cơ quan đơn vị tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn.

Tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương và chủ đầu tư đảm bảo mức vốn giải ngân năm 2021 đạt từ 95-100% kế hoạch; trong đó, đến hết quý III đạt tối thiểu 60%. Nếu không đạt tiến độ sẽ điều chuyển cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

Đồng thời, các ngành, địa phương phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân; bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.

Trong những tháng còn lại của năm, tỉnh Hưng Yên tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh. 

Tỉnh cùng theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của các dự án, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn, không để dồn điều chỉnh kế hoạch đầu tư vào cuối năm, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh. Cùng với đó là nâng cao vai trò người đứng đầu trong việc thực hiện giải ngân kế hoạch vốn.

Tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư dự án đã được giao vốn ngân sách Trung ương từ đầu năm 2021 tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện ngay hồ sơ thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu hoàn thành.

Tỉnh giao lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm cá nhân cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục