Nỗ lực phục hồi du lịch trong tình hình mới

18:51' - 11/07/2021
BNEWS Ngành du lịch đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nhằm phục hồi ngành du lịch đang chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19.

Năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp ngành du lịch chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19. Nó như "cơn sóng thần" càn quét khiến ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề, khách du lịch quốc tế không có, du lịch nội địa liên tục chịu tác động hoãn, hủy sau 4 lần dịch bùng phát tại nhiều địa phương. Trước tình hình này, ngành du lịch đã và đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nhằm phục hồi ngành du lịch đang chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, lượng khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm đạt 30,5 triệu lượt; trong đó, có 15,8 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch, Nguyễn Trùng Khánh, các đợt dịch bùng phát từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động du lịch, hầu hết các doanh nghiệp du lịch đã phải đóng cửa, xin rút giấy phép kinh doanh, cạn kiệt nguồn lực về tài chính. Một lực lượng không nhỏ lao động du lịch phải dịch chuyển sang các ngành nghề khác.

Trước tình hình đó, Tổng cục Du lịch đã nhiều lần đề xuất tới các cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động du lịch khắc phục khó khăn. Ngành cũng phát động chương trình kích cầu du lịch với chủ đề "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn".

Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy du lịch trong nước, ngay từ trong năm 2020, Tổng cục Du lịch đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, chuẩn bị trước các phương án đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép, đồng thời thường xuyên điều chỉnh, cập nhật theo tình hình thực tế.

Đặc biệt, ngày 11/6/2021, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 07 đồng ý cho nghiên cứu thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc xin đối với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng phương án, kế hoạch, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, báo cáo Thủ tướng trong tháng 7/2021.

Theo Phó Tổng cục Trưởng - Hà Văn Siêu, trước những khó khăn của ngành, Tổng Cục Du lịch cũng có tham mưu đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 như: giảm phí thẩm định cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch; hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch...

Đồng thời, Tổng Cục cũng xây dựng và báo cáo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang). Triển khai đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm.

Để khắc phục khó khăn của ngành du lịch trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19,  Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch, Nguyễn Trùng Khánh ngành cho biết, ngành du lịch tập trung vào một số giải pháp như: hoàn thiện chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025; xây dựng kế hoạch, phương án, quy trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc để chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngành cũng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Xây dựng quy chế phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; thúc đẩy các hoạt động xây dựng Thương hiệu du lịch Việt Nam; trong đó tập trung vào giá trị ẩm thực và di sản gắn với chuyển đổi số.

Đồng thời ngành đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh và chuyển đổi số du lịch; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý về quản lý cơ sở lưu trú du lịch; hoàn thiện đề án phát triển kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ; kích cầu du lịch nội địa và chuẩn bị kế hoạch đón khách quốc tế hậu COVID-19

Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch sẽ tăng cường phối hợp, liên kết với các địa phương để triển khai các hoạt động phục hồi và phát triển du lịch; đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực du lịch và đề xuất chính sách hỗ trợ đào tạo lại, nâng cao tay nghề; hướng dẫn, đôn đốc triển khai chính sách hỗ trợ đối với hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng của dịch theo Nghị quyết 68 của Chính phủ…

Tổng cục Du lịch cũng đang tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về kế hoạch làm việc với một số địa phương trọng điểm, Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch để bàn giải pháp phục hồi trong tình hình mới. /.

>>>Ra mắt bộ sưu tập sản phẩm có chủ đề “100 kỳ quan thiên nhiên Việt Nam”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục