Nợ toàn cầu: Vấn đề nan giải của các chính phủ trong năm 2024

06:30' - 17/01/2024
BNEWS Nợ toàn cầu đã tăng lên con số khổng lồ là 307.000 tỷ USD vào mùa Thu năm ngoái.

Năm 2023, thế giới đã trải qua một loạt các biến động lớn. Đó là cuộc cách mạng công nghệ, khủng hoảng khí hậu, lạm phát cao kéo dài, xung đột địa chính trị, chủ nghĩa dân túy và nợ nần. Trong những yếu tố này, vấn đề nợ đang dần nổi lên trở thành mối đe dọa cho nền kinh tế thế giới vào năm 2024.

Nợ toàn cầu đã tăng lên con số khổng lồ là 307.000 tỷ USD vào mùa Thu năm ngoái. Nhiều nước phát triển lần đầu tiên chứng kiến mức nợ quốc gia vượt đỉnh và CH Czech cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Tổng nợ của nước này đã lên đến hàng nghìn tỷ koruna, trong đó 1/3 là nợ công.

Nợ quốc gia của Czech tăng nhanh kể từ đại dịch COVID-19 do chính phủ tăng chi ngân sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian nền kinh tế đóng cửa. Khắp nơi trên thế giới, chính phủ thuộc các nền kinh tế phát triển khác cũng hành động tương tự, 

Không chỉ dừng lại ở đó, nợ công còn tiếp tục phình to hơn do cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra sau khi xung đột bùng nổ ở Ukraine khiến các chính phủ một lần phải mở “hầu bao”, cố gắng giảm thiểu tác động đến đời sống của người dân bằng cách nào đó.

Tất cả những điều này, cùng với “nút thắt” về chuỗi cung ứng và xung đột địa chính trị gia tăng đã làm gián đoạn thương mại quốc tế, đẩy nhanh lạm phát. 

Kết quả là các nước chìm trong nợ nần. Ngay cả các nước phát triển lớn như Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng thừa nhận đang có tỷ lệ nợ cao nhất trong lịch sử. Tại châu Âu, các nước thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone) có mức nợ trung bình hơn 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi tính chung toàn khối EU thì con số này vào khoảng 80% GDP.

Trong bối cảnh đó, một cuộc tranh luận khác đang bùng lên tại CH Czech, về vấn đề nên hay không nên đưa đồng euro trở thành đồng tiền phổ biến trong lưu thông, thay thế đồng nội tệ koruna. 

Cuộc tranh luận bắt nguồn từ bài phát biểu đầu Năm Mới 2024 của Tổng thống Petr Pavel. Trong bài phát biểu ông Pavel đã đề cập đến việc phổ biến thông tin Eurozone trong nền kinh tế quốc gia, một lần nữa “thổi bùng” những tranh luận về vấn đề này. 

Hiệp ước Maastricht đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên Eurozone không được có khoản nợ cao hơn 60% GDP. Một điều kiện mà ở thời điểm hiện tại, hầu như không thành viên nào thực hiện được. 

So với các nước châu Âu khác, CH Czech hiện là một trong những quốc gia mắc nợ ít nhất và có thể đáp ứng các quy định của Hiệp ước Maastricht trong vài năm nữa. Điều này có được là nhờ Chính phủ CH Czech lo ngại sự tăng trưởng nhanh chóng của nợ quốc gia nên đã dùng đến các biện pháp thắt lưng buộc bụng, thông qua chính sách “gói hợp nhất kinh tế”.

Về lý thuyết, nợ càng cao thì khả năng phá sản càng lớn. Điều này thể hiện ở mức lãi suất cao mà quốc gia phải trả. Nếu nợ quá nhiều, trong bối cảnh lãi suất cao, có nghĩa là người đi vay sẽ phải chi trả lớn hơn.

Hệ lụy là ngân sách sẽ càng bị thu hẹp do phần lớn phải dành cho việc trả nợ. Các nước mắc nợ nhiều thường cố gắng phá giá đồng tiền nội tệ, nhằm giảm giá trị khoản nợ. Do đó rủi ro tiền tệ và lạm phát tăng lên - đây là cách mà Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng, và trước đó cũng từng xảy ra ở một số nước Nam Âu.

Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Nợ chính phủ không hoàn toàn là một điều tiêu cực. Các nền kinh tế giàu có như Mỹ, Nhật hay Anh là những minh chứng cho thấy, bất chấp tỷ lệ nợ lớn, trái phiếu chính phủ của các nước này vẫn luôn hấp dẫn nhà đầu tư. 

Trong một thập kỷ qua, nợ toàn cầu đã tăng hơn 1/3, nhưng giá trị tài sản của nền kinh tế thế giới cũng đã tăng lên hơn thế và nhân loại đang trải qua những tiến bộ công nghệ vượt bậc.

Các thời kỳ đổi mới vĩ đại trong lịch sử, bao gồm cả Cách mạng Công nghiệp, hầu hết đều gắn liền với yếu tố nợ cao, vốn là động lực của tăng trưởng kinh tế. Hành động cắt giảm chi tiêu lớn sẽ ngăn cản đầu tư và tăng trưởng. Điều này đã từng xảy ra ở CH Czech sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nhưng làm thế nào các chính phủ có thể tự thoát khỏi núi nợ? Điều này chắc chắn là không hề dễ dàng. Năm 2024 là một năm bầu cử, khi gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ có các cuộc bầu cử toàn quốc với nhiều sự cạnh tranh quyết liệt và sự thay đổi chính sách thiên về dân túy, nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri. 

Trước thềm bầu cử, rõ ràng không có bất kỳ một đảng nào muốn đưa ra những giải pháp không được cử tri ủng hộ, như chính sách thắt lưng buộc bụng về ngân sách, đặc biệt là trong thời đại chủ nghĩa dân túy chính trị hiện nay.

Vẫn còn hy vọng rằng nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 sẽ phục hồi đủ để thị trường có thể tự giải quyết các khoản nợ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, không loại trừ khả năng các chính phủ có thể chọn một giải pháp tiêu cực hơn. Đó là đẩy trách nhiệm cho các chính phủ tiếp theo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục