Nỗi lo thắt chặt nguồn cung gây sức ép lên giá dầu thế giới phiên 13/4

07:48' - 14/04/2022
BNEWS Trong phiên giao dịch 13/4, giá dầu thế giới đi lên, giữa những lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung, khi các nhà giao dịch dầu dự kiến sẽ “xa lánh” nguồn dầu từ Nga.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 4,14 USD (4%) lên 108,78 USD/thùng; giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 3,65 USD (3,7%) lên 104,25 USD/thùng. Trong phiên trước đó, giá cả hai mặt hàng này đều tăng hơn 6%.

Thị trường dầu mỏ đã biến động mạnh khi các nhà giao dịch lẫn người tiêu dùng cố gắng định lượng tình trạng gián đoạn trong hoạt động xuất khẩu dầu khí hàng ngày của Nga, với các ước tính giảm từ 1-3 triệu thùng/ngày.

Theo một số nguồn tin, các nhà kinh doanh lớn trên toàn cầu đều kế hoạch giảm mua dầu thô và nhiên liệu từ các công ty dầu khí quốc doanh của Nga sớm nhất là vào 15/3, để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga, nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/4 khẳng định nước này có thể dễ dàng chuyển hướng xuất khẩu các nguồn năng lượng khổng lồ của mình từ phương Tây sang các nước khác, trong khi tiếp tục gia tăng tiêu thụ dầu mỏ, khí đốt và than đá tại thị trường nội địa. Một số quốc gia, trong đó có Ấn Độ, đã tiếp tục mua dầu của Nga với mức chiết khấu cao.

Cùng ngày 13/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay sẽ thấp hơn so với dự báo đưa ra trước đó do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để phòng chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới.

IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm 2022 trung bình ở mức 99,4 triệu thùng/ngày, thấp hơn 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, song vẫn cao hơn 1,9 triệu thùng/ngày so với năm ngoái.

Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục tăng từ 11,8 triệu thùng/ngày hiện nay lên khoảng 12 triệu thùng/ngày vào năm 2022, khi xuất khẩu các sản phẩm tinh chế đạt mức kỷ lục, do nhu cầu lớn từ nước ngoài khiến kho dự trữ dầu của Mỹ giảm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục