Nông dân miền Tây “ra tay” làm du lịch

17:21' - 10/07/2016
BNEWS Vùng sông nước, miệt vườn trù phú, đó chính là lợi thế để người nông dân miền Tây cùng tham gia làm du lịch, thu hút đông đảo du khách.

Họ đã tận dụng được lợi thế vốn có của gia đình, liên kết với nhau để cùng phát triển du lịch theo hướng bền vững, có trách nhiệm.

Lão nông “mát tay” làm du lịch

Đến thăm homestay Mười Cương của nhà ông Lâm Thế Cương ở ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, Cân Thơ du khách không khỏi trầm trồ, thán phục lão nông U70 này. Nhà ông có 1,2 ha vườn với 2000 gốc ca cao và vô số cây ăn trái khác.

Căn nhà gia đình ông ở và 4 phòng nghỉ xinh xắn, đầy đủ tiện nghi dành cho khách du lịch nằm yên bình dưới những tán cây xanh mát trong không gian yên tĩnh, thoáng đãng của vùng quê sông nước.

Một mô hình homestay ở Cần Thơ. Ảnh: tripadvisor.com.vn

Ông Mười Cương cho biết: Nhà ông mỗi năm đón khoảng 600 khách đến thăm, chủ yếu là khách quốc tế, cao điểm là từ tháng 9 đến hết năm. Mỗi ngày nhà ông đón khoảng 4-5 người, còn thấp điểm cũng đón 1-2 người. Khách do các công ty lữ hành hợp tác với gia đình ông đưa tới, cũng có khách đi lẻ xong không nhiều.

Hiện homestay Mười Cương đã hợp tác với khoảng 50 chục hãng lữ hành lớn nhỏ để đưa khách tới tham quan, chứng tỏ mô hình du lịch của gia đình ông hoạt động rất hiệu quả, uy tín, dù mới bắt tay làm du lịch từ năm 2012.

Trước khi tham gia phát triển du lịch, cả nhà ông đơn thuần chỉ trồng, chế biến các sản phẩm từ ca cao – nghề truyền thống của gia đình. Gia đình ông cũng là hộ đầu tiên chế biến ca cao ở Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Phải đến năm 2012, xã Mỹ Khánh xây dựng nông thôn mới, trong đó có lồng ghép du lịch để phát triển kinh tế. Lúc đó, gia đình ông Mười Cương là một trong những hộ tiên phong thực hiện mô hình du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế địa phương.

Ông cùng bà con tham gia các lớp tập huấn của một số dự án, gần đây nhất là Dự án Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU- ESRT).

Nhờ có những lớp tập huấn miễn phí này, nhiều hộ làm du lịch như ông Mười Cương có kiến thức căn bản nhất để làm hài lòng du khách, nhất là khách quốc tế và quan trọng hơn cả là làm du lịch có trách nhiệm, hướng tới phát triển bền vững trên cơ sở những thứ sẵn có của gia đình, địa phương.

Thu nhập của gia đình hàng năm tăng lên khá nhiều nhờ làm du lịch. Sản phẩm ca cao của gia đình ông nhờ du lịch cũng được du khách quốc tế mang ra thế giới nhiều hơn.

Đến thăm homestay Mười Cương, du khách được thưởng thức ẩm thực miền Tây, tham quan vườn ca cao, đi chợ nổi, đi xe đạp quanh vùng để thưởng ngoạn. Đặc biệt, nếu muốn khách có thể trực tiếp tham gia quá trình làm ca cao bằng phương pháp thủ công để cho ra các sản phẩm như bột ca cao, socola, rượu vang ca cao, bơ ca cao...

Cách không xa homestay Mười Cương là vườn trái cây Vàm Xáng của lão nông Trần Văn Liền (Năm Liền) ở ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền. Đây cũng là điểm đến thu hút nhiều du khách trong nước, quốc tế ghé thăm khi đến Cần Thơ. Ông Năm Liền vốn cũng là nông dân thuần chất, chăm chỉ với ruộng vườn nuôi con ăn học.

Ông cũng mới bắt tay vào làm du lịch từ 3 năm nay, nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn của Dự án EU- ESRT về kỹ năng du lịch căn bản mà vườn trái cây nhà ông ngày càng thu hút đông khách.

Ông Năm Liền hồ hởi khoe: Nhờ làm du lịch mà khu vườn nhà ông được nhiều người biết, kể cả khách nước ngoài tự tìm đến. Nhiều công ty lữ hành cũng thường xuyên đưa khách đến tham quan…

Vườn nhà ông Năm Liền rộng hơn 4 ha, trồng 30-40 loại cây trái, cây cảnh. Đây là mô hình vườn du lịch sinh thái theo phong cách hiện đại nhưng vẫn giữ được không gian xanh tươi đặc trưng của khu vườn miền Tây. Ông chủ Năm Liền rất chịu khó đầu tư, chăm chút từng lối đi nhỏ, từng nhịp cầu, bờ mương… để tạo nên một không gian đẹp cho khu vườn.

Khách tới, ông chủ Năm Liền thoăn thoắt đưa khách đi thăm vườn cây đa dạng các loại cây trái cho quả quanh năm. Vừa đi ông vừa giới thiệu các loài cây, hái quả cho khách thưởng thức rất thành thục, tự tin và chuyên nghiệp không kém gì các hướng dẫn viên du lịch.

Thăm vườn, thưởng thức trái cây, du khách còn có thể trải nghiệm các hoạt động như: kéo vó, tát mương bắt cá, câu cá…, hòa mình vào đời sống thôn dã miền sông nước…

Ông Mười Cương, ông Năm Liền và nhiều hộ dân tự quảng bá hiệu quả cho sản phẩm của gia đình trên mạng xã hội Facebook… Ảnh: BNEWS

Tuy chỉ là nông dân, quanh năm bám ruộng vườn, mới bắt tay làm du lịch xong ông Mười Cương, ông Năm Liền và nhiều hộ dân làm du lịch cũng khá nhạy bén, tự quảng bá hiệu quả cho sản phẩm của gia đình trên mạng xã hội Facebook…

Hỗ trợ người dân làm du lịch

Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch huyện Phong Điền cho biết: Toàn huyện có 42 điểm tham quan, du lịch, trong đó có 6 điểm làm du lịch cộng đồng, chủ yếu tập trung ở xã Mỹ Khánh.

Mới bắt đầu làm du lịch từ năm 2013, bắt đầu khởi sắc từ năm 2015, du lịch cộng đồng đã góp phần tạo công ăn việc làm, giúp người dân có thêm thu nhập trên cơ sở các vườn cây, nhà vườn sẵn có. Đặc biệt, các hộ dân đã biết liên kết với nhau để cùng phát triển du lịch, chia sẻ kinh nghiệm đón, phục vụ khách du lịch một cách tốt nhất có thể.

Du lịch cộng đồng ở đây dần dần đi vào nền nếp, khai thác và phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội, không còn mang tính tự phát như trước, một phần là nhờ sự hỗ trợ của Dự án EU-ESRT.

Dự án này đã hỗ trợ địa phương tổ chức 2 lớp tập huấn cho 60 người tham gia; thu nhập của các hộ làm du lịch tăng đáng kể so với trước đó chỉ dựa vào nông nghiệp, trồng trọt… Sau tập huấn, quy trình phục vụ khách của các hộ làm du lịch ở đây ngày một tốt hơn.

Dự án EU- ESRT là chương trình hỗ trợ kỹ thuật du lịch lớn nhất tại Việt Nam do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm đưa các nguyên tắc về du lịch có trách nhiệm vào thực tiễn hoạt động du lịch tại Việt Nam, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển kinh tế-xã hội. 

Chợ nổi Cái Răng - Cần Thơ. Ảnh: Thanh Vũ-Mạnh Linh-TTXVN

Trong giai đoạn 2013 - 2015, Dự án đã tích cực hỗ trợ An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang ở 5 lĩnh vực chính gồm: Hình thành và đưa tổ chức quản lý điểm đến đa thành phần vào hoạt động; phát triển đối thoại công-tư và tăng cường vai trò của các Hiệp hội Du lịch tỉnh; phát triển sản phẩm du lịch có trách nhiệm; quảng bá điểm đến vùng; đào tạo và tập huấn tăng cường năng lực.

Ông Hoàng Nhân Chính, cán bộ dự án EU-ESRT cho biết: Từ năm 2013, Dự án đã có những tác động đến hoạt động du lịch ở các địa phương hưởng lợi. Người dân – những người trực tiếp thực hiện mô hình du lịch sinh thái, cộng đồng nhà vườn được tập huấn các kỹ năng làm du lịch căn bản nhất.

Dự án đã hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa với đầy đủ trang thiết bị giảng dạy, từ bàn ghế tới máy tính, ti vi, máy chiếu… để hỗ trợ kiến thức cho người dân.

Ông cũng cho rằng: Dự án góp phần cung cấp kiến thức cơ bản cho người dân, không hướng đến những kiến thức phức tạp, chuyên ngành như các công ty du lịch chuyên nghiệp. Dự án hướng dẫn họ làm những việc rất đơn giản như: Giao tiếp với khách, trang trí nhà cửa, nấu ăn, trình bày thông tin trên danh thiếp để gửi khách, cách tính tiền để khách hài lòng nhất…

Dự án cũng giúp người dân biết đến điều rất đơn giản khi làm du lịch cộng đồng là đặt một tủ thuốc trong nhà để khách có thể sử dụng ngay khi gặp bất cứ sự cố nào dù nhỏ nhất về sức khỏe. Điều này là hết sức quan trọng đối với các hộ dân làm du lịch cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận với dịch vụ y tế…/.

Xem thêm:

Bật mí điểm hấp dẫn của du lịch Hòn Đất – Kiên Giang

Kinh nghiệm du lịch – phượt Cát Bà 2016

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục