Nước Anh chống chọi với cơn lốc xoáy biến chủng SARS-CoV-2

11:16' - 06/01/2021
BNEWS Nước Anh bước vào phong tỏa toàn quốc lần thứ ba trong vòng chưa đầy 10 tháng, một thực tế mà rất nhiều người Anh đến giờ vẫn còn thấylà điều khó tin.

Như lời một bài hát vui, rằng nếu như có cỗ máy thời gian, thì mọi người sẽ bỏ qua năm 2020, để thể hiện cảm xúc trầm cảm, lo âu, cáu giận mà người Anh đang phải trải qua.

Người đứng đầu Cơ quan Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm Thụy Sĩ ngày 5/1 đã cảnh báo biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh có thể trở thành "đại dịch hình thành trong lòng một đại dịch".

Suốt mấy ngày qua, số ca nhiễm mới tại Anh luôn nối tiếp nhau lập đỉnh mới. Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, số ca nhiễm mới ở Anh trong một ngày đã vượt qua con số 60.000.

Tại cuộc họp báo ngày 5/1, cố vấn trưởng y tế của Chính phủ Anh, Giáo sư Chris Whitty cho biết theo số liệu điều tra, hiện cứ 1 trong 50 người sống tại vùng England bị mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ 27/12/2020 đến 2/1/2021.

Trong 2 tuần cuối tháng 12/2020, số ca nhiễm mới tại Anh tăng 70%. Đây là mức gia tăng lây nhiễm vô cùng lớn nếu so với đỉnh dịch hồi mùa Xuân 2020, khi số ca nhiễm mới trong một ngày ghi nhận chính thức không quá 7.000 ca.

Mức lây nhiễm mới trong một ngày hiện nay cao gần gấp 9 lần so với hồi mùa Xuân 2020. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hồi đỉnh dịch mùa Xuân 2020, số người mắc có thể lên tới 100.000 người/ngày nhưng do không được kiểm tra xét nghiệm nên không thống kê chính xác được.

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện vào cuối tháng 9/2020 tại hạt Kent và đã nhanh chóng lây lan từ giữa tháng 12/2020, bắt đầu tại Đông Nam và Đông vùng England và thủ đô London, hiện giờ đã lan rộng khắp toàn nước Anh.

Bên cạnh đó, ngày 24/12, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock công bố chủng đột biến thứ hai của virus SARS-CoV-2 mang tên 501Y.V2 được tìm thấy ở London và Tây Bắc nước Anh do hành khách từ Nam Phi mang đến.

Trước tình hình đó, Chính phủ Anh đã tuyên bố thắt chặt các quy định giãn cách xã hội, phong tỏa những vùng có số ca nhiễm tăng mạnh tại England, trong đó có thủ đô London, 3 ngày trước Giáng sinh, tất cả các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu tại London đều phải đóng cửa, không có màn trình diễn pháo hoa bên bờ sông Thames và cũng không có các cuộc thăm viếng nhau trong ngày Giáng sinh.

Những tưởng đây là biện pháp mạnh nhất, thì ngày 4/1, Thủ tướng Boris Johnson bất ngờ công bố phong tỏa lần ba và nước Anh thực sự đang ở trong cơn lốc xoáy do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 Hệ thống y tế Anh trong tình trạng báo động với nguy cơ quá tải.

Vùng England và Scotland đều công bố lệnh phong tỏa mới, nâng báo động lên cấp độ 5, mức cao nhất. Các vùng Wales và Bắc Ireland đã công bố lệnh phong tỏa từ cuối tháng 12/2020.

Hiện các bệnh viện ở Anh đang phải vật lộn chống chọi với số ca nhập viện do COVID-19 nhiều hơn giai đoạn làn sóng đỉnh dịch hồi mùa Xuân 2020.

Một số bệnh viện thông báo quá tải vì số người nhập viện do COVID-19 quá nhiều. Thậm chí những ca mổ cho các bệnh nhân ung thư tại một số bệnh viện ở London hiện giờ phải tạm hoãn để nhường giường cấp cứu cho người mắc COVID-19.

Việc áp dụng lệnh phong tỏa nhiều lần đã khiến bệnh trầm cảm tăng mạnh, không chỉ là người đi làm mà còn lan sang cả những người trẻ trong độ tuổi đi học.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Boris Johnson đã lên tiếng xin lỗi người dân vì đại dịch đã khiến sức khỏe tinh thần của nhiều người bị ảnh hưởng nặng nề. Chính phủ đã quyết định chi thêm 12 tỷ bảng Anh (tương đương khoảng 15 tỷ USD Mỹ) cho điều trị các bệnh sức khỏe tinh thần.

Do nước Anh buộc phải đóng cửa các trường học trong thời gian dài, chuyển sang học trực tuyến, các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và thi hệ dự bị đại học quốc gia dự kiến vào mùa Hè 2021 sẽ không thể diễn ra, mà thay vào đó sẽ dựa trên điểm đánh giá của giáo viên.

Các trường đại học cũng chuyển sang học online, đây được đánh giá là điều rất thiệt thòi cho học sinh so với phương pháp học trên lớp.

Brexit và COVID-19 khiến các doanh nghiệp ở Anh đang trải qua thời kỳ khủng hoảng kép. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ Anh vẫn đặt sức khỏe và tính mạng của người dân lên trên nên những ngày này, người dân Anh sống trong nỗi lo lắng về dịch bệnh hơn là nghĩ đến công ăn việc làm.

Hồi giữa năm 2020, Thủ tướng Boris Johnson từng rất lạc quan tuyên bố cuộc sống nước Anh sẽ trở lại bình thường vào cuối năm, mọi người sẽ có một mùa lễ Giáng sinh và Năm mới vui vẻ, tưng bừng như mọi năm.

Khi tình hình dịch có dấu hiệu phức tạp, ngày 31/10, Thủ tướng Johnson thông báo Anh sẽ có 4 tuần phong tỏa để giúp giảm tải cho hệ thống y tế NHS và cũng để sau đó sẽ nới lỏng quy định giãn cách xã hội, mọi người có thể gặp gỡ, tiệc tùng cùng nhau dịp Giáng sinh trong khoảng 5 ngày.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây, đợt phong tỏa lần hai diễn ra hồi tháng 11 không đạt được mục tiêu đề ra là do chính phủ đã để lộ thông tin về lệnh phong tỏa này trước đó và Thủ tướng Johnson công bố lệnh phong tỏa ngày 31/10 nhưng mãi đến tận ngày 5/11, vùng England mới nâng cấp độ thành phong tỏa.

Theo nghiên cứu, lệnh phong tỏa đã không phát huy tác dụng tại những vùng đang ở diện giãn cách xã hội cấp độ thấp vì trong 5 ngày để ngỏ đó, rất nhiều hoạt động hội hè, tiệc tùng đã tranh thủ được tổ chức trước khi chính quyền siết chặt hạn chế.

Nghiên cứu cũng chỉ ra sự xuất hiện của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn 70%, nên thực sự phong tỏa đợt hai đã không có mấy tác dụng.

Sau khi ban bố lệnh phong tỏa lần ba trong 6 tuần trên toàn quốc, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson một mặt kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hướng dẫn, theo phương châm "ai ở đâu ở nguyên đó", tránh tối đa di chuyển, bắt buộc ở trong nhà, chỉ được ra ngoài khi đi mua đồ thiết yếu, tập thể dục 1 ngày 1 lần; kêu gọi mọi người làm việc ở nhà, chỉ trừ những ngành cung cấp dịch vụ thiết yếu vẫn duy trì đi lại làm việc.

Người dân được khuyến cáo tránh tối đa sử dụng phương tiện giao thông công cộng, không đi ra khỏi Anh trừ những việc công việc thật cần thiết.

Mặt khác, chính phủ cũng đẩy nhanh tiến độ chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19. Bên cạnh việc tiếp tục nhập vaccine Pfizer/BioNTech, Chính phủ Anh đã cấp phép đưa vào sử dụng vaccine AstraZeneca do Đại học Oxford nghiên cứu. Như vậy, hiện ở Anh  có 2 loại vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho người dân.

Chính phủ cũng quyết định sẽ tiến hành họp báo cập nhật tiến độ tiêm chủng hằng ngày. Theo Thủ tướng Johnson, chính phủ sẽ tận dụng hiệu quả từng giây một trong thời gian phong tỏa để thiết lập tấm khiên chắn vô hình an toàn cho người cao tuổi và những người bị bệnh nền bằng cách nhanh chóng triển khai chương trình tiêm chủng, từ đó có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay.

Tới thời điểm này, Anh đã tiêm được cho 1,3 triệu người, trong đó có 23% là người trên 80 tuổi. Thủ tướng Johnson cam kết đến ngày 15/2, hệ thống y tế công NHS sẽ tiêm được hết 4/9 nhóm ưu tiên hàng đầu.

Để đạt được mục tiêu này, Anh đã bố trí 595 điểm tiêm tại các phòng khám bác sĩ gia đình, sắp tới sẽ triển khai thêm 180 phòng khám nữa, đồng thời thiết lập 7 trung tâm vaccine lớn đặt tại các sân vận động, các trung tâm triển lãm và tại 107 bệnh viện, cuối tuần sẽ triển khai thêm ở 100 bệnh viện nữa.

Anh chia tiêm chủng vaccine thành 2 giai đoạn:  Giai đoạn một gồm 9 nhóm người được xếp ưu tiên tiêm trước như những người từ 50 tuổi trở lên, những người có bệnh nền, những nhân viên y tế, chăm sóc người cao tuổi... Giai đoạn một hy vọng kết thúc vào đầu tháng 4/2021.

Giai đoạn hai là tiêm cho những người khỏe mạnh dưới 50 tuổi. Hệ thống y tế NHS hiện đang tuyển dụng thêm khoảng 30.000 tình nguyện viên để tham gia thực hiện chương trình tiêm chủng tại hơn 700 địa điểm tiêm trên cả nước và có thể mở rộng đến 1.000 địa điểm sau này. Từ nay đến hết tháng 1/2021, tất cả những người sống trong nhà dưỡng lão sẽ được tiêm mũi đầu.

Với những biện pháp triển khai quyết liệt, chính phủ của Thủ tướng Johnson hy vọng nếu tiến độ tiêm chủng được thực hiện đúng theo lộ trình thì sau 6 tuần phong tỏa, đến giữa tháng 2, có thể nới lỏng dần cấp độ hạn chế so với hiện nay.

Thủ tướng Johnson cho rằng nếu mọi người tuân thủ các quy định hiện nay và công việc tiêm chủng diễn ra thuận lợi thì chắc chắn đến mùa Xuân tới, mọi sự sẽ khác so với hiện nay.

Tuy nhiên, Giáo sư Whitty cảnh báo virus SARS-VoV-2 có thể sẽ quay trở lại, đặc biệt là vào thời tiết mùa lạnh, giống như trường hợp một số virus cúm khác.

Sư xuất hiện các biến thể mới có thể coi là lời cảnh tỉnh rằng mọi người không nên chủ quan nghĩ rằng khi mùa Xuân đến thì virus SARS-CoV-2 sẽ tự động biến mất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục