Nước Anh làm gì để tái định hình quan hệ với EU và thế giới hậu Brexit? (Phần 1)
Một tuần trước hạn cuối cùng, ngày 24/12, Anh và Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã đạt được thỏa thuận định hình cho mối quan hệ thương mại hậu Brexit, kể từ ngày 1/1/2021, thời điểm Anh phải ra khỏi thị trường châu Âu. Sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, London cũng như Brussels đã trút được nỗi lo nếu xảy ra Brexit không thỏa thuận.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, cũng như Thủ tướng Anh Boris Johnson, ngay chiều tối 24/12, đều tuyên bố "thỏa thuận là một thắng lợi". Đi vào thực chất của vấn đề thì ai là người thắng, kẻ thua sau các vòng thương lượng đầy gay cấn kéo dài khoảng 10 tháng giữa Anh và EU?
Sự thay đổi được kỳ vọng
Bà Ursula von der Leyen đã thở phào nhẹ nhõm khi đã có thể xếp sang một bên hồ sơ Brexit đầy phiền toái kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016, khi người Anh lựa chọn chia tay EU. Chủ tịch EC tuyên bố.“Đã đến lúc để lại Brexit phía sau chúng ta. Tương lai giờ ở châu Âu”. Bà nói thêm Vương quốc Anh “vẫn là một đối tác đáng tin cậy”.
Trong khi đó, bên kia eo biển Manche, thỏa thuận hậu Brexit đã mang lại lợi thế chính trị cho Thủ tướng Johnson và ông cũng ngay lập tức tuyên bố đây là thắng lợi, coi thỏa thuận như là một món quà Giáng sinh cho người dân Anh. Ông nói": "Một thỏa thuận mang lại sự chắc chắn cho các doanh nghiệp, du khách và tất cả các nhà đầu tư ở đất nước chúng ta từ ngày 1/1/2021. Thỏa thuận với những người bạn và đối tác của chúng ta ở EU”.
Đúng một năm sau khi được bầu làm Thủ tướng Anh, ông Johnson cuối cùng đã hoàn thành lời hứa khi tranh cử: Hoàn tất thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU.
Toàn bộ thỏa thuận được cho là dày tới 2.000 trang, trong đó có khoảng 800 trang phụ lục và chú thích. Dù Chính phủ Anh hay châu Âu đã phải nhượng bộ một số điểm then chốt trên bàn thương lượng, nhưng rõ ràng là nhờ có thỏa thuận mà cả hai bên đã tránh được một cuộc chia tay trong hỗn loạn và đẩy các tác nhân kinh tế cũng như các công dân có liên hệ với Anh vào trong bất định hoàn toàn.
Trước mắt thỏa thuận tạo ra một khuôn khổ cho các quan hệ hợp tác giữa hai bên trong tương lai, không chỉ đơn giản trong thương mại, kinh tế mà sẽ còn có những tác động đến các mối quan hệ khác giữa Anh và các nước trong EU.
Thực tế bản thân Brexit đã là một cú sốc kinh tế cho cả hai bên. Nhưng dù có thỏa thuận hay không thỏa thuận thì từ đầu năm tới, giữa Anh và các nước EU sẽ kết thúc tự do lưu thông con người, hàng hóa, dữ liệu, tiền vốn và các dịch vụ tài chính... Nói cách khác các mối quan hệ giữa hai bên sẽ được điều chỉnh bằng các kiểm soát thuế quan, chuẩn mực an toàn sản phẩm, rồi các thủ tục hành chính, giấy phép.
Nhưng trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thương mại, hai bên sẽ còn phải bổ sung thuế nhập khẩu về sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Trong trường hợp này, London sẽ là bên thua thiệt nhất khi mà 50% hàng xuất nhập khẩu của Anh gắn với thị trường châu Âu, trong khi tỷ trọng xuất khẩu của EU sang Anh chỉ chiếm 8%.
Bế tắc 4 năm rưỡi sau khi Anh bỏ phiếu rời EU, thỏa thuận này sẽ xác định mối quan hệ tương lai trong nhiều thập niên.
Theo nội dung của thỏa thuận, những người được cấp Thẻ Bảo hiểm Y tế châu Âu (EHIC) trước cuối năm 2020 có thể sử dụng trước khi hết hạn, sau đó, Vương quốc Anh sẽ phát hành một loại thẻ mới - gọi là Thẻ Bảo hiểm Y tế Toàn cầu của Vương quốc Anh.
Tương tự như EHIC - cho phép mọi người được điều trị y tế do nhà nước cung cấp nếu họ bị ốm hoặc gặp tai nạn ở bất kỳ quốc gia EU nào hoặc ở Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein - thẻ mới sẽ bao gồm các bệnh mãn tính hoặc hiện có và chăm sóc thai sản thông thường cũng như các trường hợp khẩn cấp.
Thỏa thuận cho biết bất kỳ phương pháp điều trị chuyên khoa nào, chẳng hạn như lọc máu hoặc điều trị ung thư, “phải tuân theo thỏa thuận trước giữa người được bảo hiểm và đơn vị cung cấp dịch vụ điều trị” để đảm bảo việc điều trị có sẵn.
Trong khi đó, hàng hóa sẽ tiếp tục được giao dịch miễn thuế, cùng với hạn ngạch và sẽ có trọng tài độc lập để giải quyết các tranh chấp trong tương lai.
Điều đó có nghĩa là sẽ có những thay đổi lớn đối với hoạt động kinh doanh, với việc Anh và EU hình thành hai thị trường riêng biệt và chấm dứt sự tự do di chuyển.
Nhưng thỏa thuận sẽ là một sự giải cứu lớn cho nhiều doanh nghiệp Anh, vốn đã quay cuồng bởi tác động của đại dịch COVID-19, những người đã lo ngại xảy ra gián đoạn ở biên giới và việc áp đặt thuế quan, hoặc thuế nhập khẩu.
Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer - người vận động chống Brexit - nói thỏa thuận không cung cấp các biện pháp bảo vệ đầy đủ cho việc làm, sản xuất, dịch vụ tài chính hoặc quyền tại nơi làm việc và “không phải là thỏa thuận mà chính phủ đã hứa”. Ông nói thêm nhưng không còn thời gian để đàm phán lại, sự lựa chọn duy nhất là giữa “thỏa thuận này hoặc không có thỏa thuận”..
Tại cuộc họp báo hôm 24/12 Thủ tướng ông Johnson nói rằng thỏa thuận sẽ “bảo vệ việc làm trên khắp đất nước này”. Ông cho biết Vương quốc Anh không có được tất cả những gì họ muốn về các dịch vụ tài chính, một phần quan trọng của nền kinh tế Vương quốc Anh, nhưng khẳng định thỏa thuận này “dù sao cũng sẽ giúp khu tài chính London năng động của chúng ta tiếp tục bước tới và thịnh vượng hơn bao giờ hết”.
Trăn trở của nước Anh
Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson cũng thừa nhận rằng ông đã bị buộc phải nhượng bộ về yêu cầu đánh bắt cá của mình.
Các cuộc thương lượng gai góc liên quan đến vấn đề mang tính biểu tượng về chủ quyền lãnh thổ của Anh. Đó là việc Anh muốn giảm tới 60% hạn ngạch đánh bắt hải sản của các tàu cá châu Âu trong vùng biển của Anh trong khi 80% sản lượng hải sản của các ngư dân Anh được xuất khẩu sang châu Âu.
Cuối cùng, hai bên đã dàn xếp được với nhau về con số cắt giảm mức đánh bắt hải sản của các tàu châu Âu từ nay đến năm 2026 là 25%. Đánh bắt cá đóng góp 0,12% GDP của Vương quốc Anh
Với thỏa thuận hậu Brexit, ông Johnson khẳng định, Anh “đã kiểm soát trở lại đồng tiền của chúng ta, biên giới, luật pháp, thương mại và vùng biển đánh bắt cá của chúng ta”. London bảo đảm thỏa thuận này đã đáp ứng được các đòi hỏi của cuộc trưng cầu dân ý 2016 về việc Anh ra khỏi EU.
Barrie Deas, người đứng đầu Liên đoàn Quốc gia của các Tổ chức Ngư dân, cho biết “những nhượng bộ đáng kể” có nghĩa là sẽ có “rất nhiều ngư dân thất vọng và bực bội”.
Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon nói đánh bắt cá đã có một “thỏa thuận tồi”, đồng thời nói thêm: “Brexit đang diễn ra trái với ý muốn của Scotland... Đã đến lúc phải vạch ra tương lai của chính chúng ta như một quốc gia châu Âu độc lập.”
Người giữ đồng cương vị ở Xứ Wales, Mark Drakeford, nói rằng một thỏa thuận tốt hơn là không có thỏa thuận nhưng nói rằng nó “mong manh” và không phải những gì mà Wales đã được hứa hẹn.
Thỏa thuận cũng có nghĩa là, trừ Bắc Ireland, Vương quốc Anh sẽ không còn tham gia vào kế hoạch trao đổi sinh viên Erasmus. Ông Johnson cho biết nội dung này đang được thay thế bằng Đề án Alan Turing, sẽ bao gồm các trường đại học bên ngoài EU.
Trong một diễn biến khác sau thông báo về thỏa thuận, Phái đoàn Vương quốc Anh tại EU cho biết những người có giấy phép lái xe được cấp ở Vương quốc Anh sẽ không cần sử dụng Giấy phép Lái xe Quốc tế tại EU.
Ed Davey, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, cho biết đảng của ông cần xem toàn văn, nhưng sẽ không ủng hộ một “thỏa thuận tồi”.
Giới quan sát đều nhất trí cho rằng thỏa thuận hậu Brexit mà London và Brussels đạt được vào giờ chót không thể giải quyết và lường trước được hết các tình huống quan hệ giữa hai bên, vẫn chỉ được áp dụng tạm thời từ đầu năm tới. Giai đoạn tiếp theo, Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua trước khi toàn thể 27 nước thành viên phê chuẩn.
Tương tự tại Anh, Quốc hội sẽ nhóm họp vào ngày 30/12 để bỏ phiếu về thỏa thuận thương mại hậu Brexit trước khi được Nữ hoàng ký phê chuẩn.
Trong khi đó, văn kiện rất dài này còn chứa đựng nhiều nội dung mà các nhà lập pháp, công luận và các giới chính trị tranh cãi.
- Từ khóa :
- brexit
- thỏa thuận brexit
- anh
- liên minh châu âu
- eu
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Pháp thận trọng trong thực thi thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa Anh và EU
13:20' - 29/12/2020
Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 28/12 cho biết nước này ủng hộ thỏa thuận thương mại hậu Brexit song sẽ thận trọng ngay từ ngày áp dụng đầu tiên.
-
Kinh tế Thế giới
Các quốc gia thành viên EU "bật đèn xanh" cho triển khai thỏa thuận hậu Brexit
20:35' - 28/12/2020
Đại sứ của các quốc gia thành viên EU đã đồng loạt nhất trí áp dụng tạm thời Thỏa thuận Thương mại và Hợp tác EU-Anh.
-
Kinh tế Thế giới
Australia: Thỏa thuận Brexit mở đường cho các đột phá thương mại
12:18' - 26/12/2020
Việc ký kết thỏa thuận Brexit sẽ tạo động lực mới cho những nỗ lực của Australia trong việc thúc đẩy các FTA với cả Anh và EU, đồng thời tăng cường sự chắc chắn trên toàn cầu.
-
Ý kiến và Bình luận
BBC: Thỏa thuận thương mại hậu Brexit "vượt xa" thỏa thuận EU-Canada
11:58' - 26/12/2020
Theo hãng tin BBC, thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa Anh và EU vừa đạt được vượt xa thỏa thuận của EU với Cânda.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Thế giới
Hàng không Tây Ban Nha tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đình công
17:33' - 18/08/2022
Trong bối cảnh nhu cầu du lịch bùng nổ mùa Hè này, nhiều hãng hàng không đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên sau đại dịch COVID-19.
-
Kinh tế Thế giới
Thủ tướng Trung Quốc: Kinh tế đang trong thời điểm khó khăn
15:10' - 18/08/2022
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi các tỉnh giàu có nhất nước đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, ngay sau khi số liệu công bố nước này đang gặp khó khăn.
-
Kinh tế Thế giới
Xu hướng đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới tại Hàn Quốc
13:27' - 18/08/2022
Ngày 18/8, Hội thảo quốc tế “Xu hướng đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới” đã diễn ra tại Khách sạn Oakwood ở trung tâm thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
-
Kinh tế Thế giới
Iran chờ Mỹ ra “quyết định chính trị” về thỏa thuận hạt nhân
11:10' - 18/08/2022
Ngày 17/8, một nghị sĩ cấp cao Iran cho biết nước này đã đưa ra "quyết định chính trị" đối với việc khôi phục thoả thuận hạt nhân ký năm 2015 và đang chờ Mỹ có động thái tương tự.
-
Kinh tế Thế giới
Lạm phát tại Nga hạ nhiệt
10:23' - 18/08/2022
Trong tuần từ ngày 9-15/8, lạm phát hằng năm ở Nga đã giảm xuống 14,87%, từ mức 15,01% của 1 tuần trước đó.
-
Kinh tế Thế giới
Lạm phát tại Anh lập kỷ lục mới trong 40 năm
14:43' - 17/08/2022
Lạm phát của Anh tháng 7/2022 đã tăng lên mức kỷ lục mới trong 40 năm qua do giá lương thực tăng, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nước này.
-
Kinh tế Thế giới
Triều Tiên phóng 2 tên lửa hành trình
14:41' - 17/08/2022
Một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo, ngày 17/8, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa hành trình ra phía Biển Hoàng Hải.
-
Kinh tế Thế giới
Singapore: Lạm phát có thể đạt đỉnh trong quý IV/2022
11:31' - 17/08/2022
Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong, lạm phát tại Singapore dự kiến đạt đỉnh trong vòng hai đến bốn tháng tới và sau đó sẽ bắt đầu giảm dần.
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thống Mỹ ký ban hành Đạo luật giảm lạm phát
10:55' - 17/08/2022
Tổng thống Mỹ đã ký ban hành Đạo luật giảm lạm phát, một cột mốc quan trọng đối với chương trình nghị sự về kinh tế trong nước khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ.