Nước Anh làm gì để tái định hình quan hệ với EU và thế giới hậu Brexit? (Phần 2)

06:30' - 31/12/2020
BNEWS Giới quan sát đều nhất trí cho rằng thỏa thuận hậu Brexit mà London và Brussels đạt được vào giờ chót không thể giải quyết và lường trước được hết các tình huống quan hệ giữa hai bên.

Trăn trở của nước Anh

Các cuộc thương lượng gai góc liên quan đến vấn đề mang tính biểu tượng về chủ quyền lãnh thổ của Anh. Đó là việc Anh muốn giảm tới 60% hạn ngạch đánh bắt hải sản của các tàu cá châu Âu trong vùng biển của Anh trong khi 80% sản lượng hải sản của các ngư dân Anh được xuất khẩu sang châu Âu. Cuối cùng, hai bên đã dàn xếp được với nhau về con số cắt giảm mức đánh bắt hải sản của các tàu châu Âu từ nay đến năm 2026 là 25%. Đánh bắt cá đóng góp 0,12% GDP của Vương quốc Anh

Với thỏa thuận hậu Brexit, Thủ tướng Boris Johnson khẳng định, Anh “đã kiểm soát trở lại đồng tiền của chúng ta, biên giới, luật pháp, thương mại và vùng biển đánh bắt cá của chúng ta”. London bảo đảm thỏa thuận này đã đáp ứng được các đòi hỏi của cuộc trưng cầu dân ý 2016 về việc Anh ra khỏi EU.

Barrie Deas, người đứng đầu Liên đoàn Quốc gia của các Tổ chức Ngư dân, cho biết “những nhượng bộ đáng kể” có nghĩa là sẽ có “rất nhiều ngư dân thất vọng và bực bội”.

Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon nói đánh bắt cá đã có một “thỏa thuận tồi”, đồng thời nói thêm: “Brexit đang diễn ra trái với ý muốn của Scotland... Đã đến lúc phải vạch ra tương lai của chính chúng ta như một quốc gia châu Âu độc lập.”

Người giữ đồng cương vị ở Xứ Wales, Mark Drakeford, nói rằng một thỏa thuận tốt hơn là không có thỏa thuận nhưng nói rằng nó “mong manh” và không phải những gì mà Wales đã được hứa hẹn.

Thỏa thuận cũng có nghĩa là, trừ Bắc Ireland, Vương quốc Anh sẽ không còn tham gia vào kế hoạch trao đổi sinh viên Erasmus. Ông Johnson cho biết nội dung này đang được thay thế bằng Đề án Alan Turing, sẽ bao gồm các trường đại học bên ngoài EU.

Trong một diễn biến khác sau thông báo về thỏa thuận, Phái đoàn Vương quốc Anh tại EU cho biết những người có giấy phép lái xe được cấp ở Vương quốc Anh sẽ không cần sử dụng Giấy phép Lái xe Quốc tế tại EU.

Ed Davey, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, cho biết đảng của ông cần xem toàn văn, nhưng sẽ không ủng hộ một “thỏa thuận tồi”.

Giới quan sát đều nhất trí cho rằng thỏa thuận hậu Brexit mà London và Brussels đạt được vào giờ chót không thể giải quyết và lường trước được hết các tình huống quan hệ giữa hai bên, vẫn chỉ được áp dụng tạm thời từ đầu năm tới.

Giai đoạn tiếp theo, Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua trước khi toàn thể 27 nước thành viên phê chuẩn. Tương tự tại Anh, Quốc hội sẽ nhóm họp vào ngày 30/12 để bỏ phiếu về thỏa thuận thương mại hậu Brexit  trước khi được Nữ hoàng ký phê chuẩn. Trong khi đó, văn kiện rất dài này còn chứa đựng nhiều nội dung mà các nhà lập pháp, công luận và các giới chính trị tranh cãi.

Chiến lược "Nước Anh toàn cầu" trước nhiều thách thức

Liệu xu thế chi phối nước Anh thời hậu Brexit là “Nước Anh toàn cầu” hay “Nước Anh thu nhỏ” sẽ giúp định hình các hoạt động chính trị của quốc gia này trong năm 2021 và cả sau đó?

Những người từng bỏ phiếu để Anh rời khỏi EU hiện đang đưa ra những quan điểm khác nhau và đôi khi còn đối lập nhau. Một số người có chủ trương biệt lập hơn thường tập trung vào những thiệt thòi cũng như những hạn chế của việc làm thành viên trong EU, trong đó gồm vấn đề về những đóng góp tài chính của Anh cho ngân sách của Brussels mà hiện nay được quay trở lại phục vụ các mục tiêu trong nước.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Brexit khác lại hướng tới một phiên bản khá khác biệt của một nước Anh siêu toàn cầu có thể sẽ tích cực hơn với các nước bên ngoài EU. Nếu Thủ tướng Johnson làm theo cách của ông, thì đó sẽ là một chủ trương “Nước Anh toàn cầu” trong năm 2021 bằng cách thể hiện rằng đất nước ông vẫn tiếp tục nắm vị thế lãnh đạo quốc tế.

Như một bước đi để tiến tới tham vọng này, ông Johnson hồi tháng trước còn cam kết tăng 16,5 tỷ bảng (tương đương 22 tỷ USD) chi tiêu quốc phòng trong vài năm tới. Tuy nhiên, những kế hoạch cho “Nước Anh toàn cầu” này còn đi trải rộng từ lĩnh vực quân sự sang cả ngoại giao khi mà trong năm 2021 London sẽ giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) từ tháng 2/2021, Chủ tịch luân phiên của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) từ tháng 1/2021 và chủ trì hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, bất chấp những tham vọng “Nước Anh toàn cầu” của Johnson, vẫn còn có những sức ép chính trị khác buộc phải hạn chế sự hiện diện quốc tế của Anh, đặc biệt trong bối cảnh những eo hẹp về tài chính của đất nước sau đại dịch. Một tín hiệu sớm cho thấy điều này là quyết định tháng trước của Chính phủ Anh về việc giảm bớt cam kết hỗ trợ quốc tế từ 0,7% GDP xuống còn 0,5% GDP. 

Một diễn biến khác cũng sẽ giúp xác định liệu Anh có trở nên thu mình hơn sau Brexit hay không là những mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Thời hậu Brexit, những mối đe dọa đó còn ở mức độ cao nhất trong các giai đoạn chính trị hiện đại.

Nổi bật nhất là Scotland, nơi các cuộc thăm dò gần đây cho thấy mức độ ủng hộ cao kỷ lục dành cho sự độc lập, trong đó có một cuộc khảo sát của Ipsos Mori thực hiện vào tháng 10/2020 với 58%. Sự ủng hộ cho một sự độc lập được phản ánh trong số lượng người có ý định đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tại Holyrood vào tháng Năm tới. Một cuộc khảo sát mà hãng Scotsman/Savanta ComRes tiến hành mới đây cũng chỉ ra rằng đảng Dân tộc Scotland (SNP) có khả năng giành được thế đa số áp đảo.  

Đây có thể là một nhân tố thay đổi cuộc chơi chính trị, trong đó bà Sturgeon, Thủ hiến Scotland và là lãnh đạo SNP, gây sức ép với Chính phủ Anh để thông qua một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập sau khi cuộc trưng cầu gần nhất đã thất bại vào năm 2014. London về mặt kỹ thuật có thể ngăn chặn một cuộc trưng cầu thứ hai, nhưng điều này sẽ không được ủng hộ về mặt chính trị nếu SNP thắng lớn vào tháng Năm tới.

Bà Sturgeon tuyên bố rằng điều này sẽ tạo điều kiện cho Scotland trở thành một quốc gia độc lập, và tìm kiếm một sự xác nhận rõ ràng về quyền mà Scotland có thể tự lựa chọn cho tương lai của mình”. Đáng tiếc là, ngày càng có nhiều khả năng thập niên 2020 có thể sẽ chứng kiến sự tan rã đầy bi kịch của một trong những liên minh chính trị thành công và lâu đời nhất trên thế giới.

Brexit là bối cảnh ngay trước mắt để thảm kịch chính trị này manh nha, với thực tế rằng một thế đa số áp đảo (62%) cử tri Scotland hồi năm 2016 đã bỏ phiếu ủng hộ ở lại EU. Bà Sturgeon đã nhấn mạnh cái bà gọi là sự “tự hủy hoại mình” của Brexit, nói rằng điều này đang “củng cố khả năng Scotland trở thành một đất nước độc lập”.

Đây là một thảm kịch đang hình thành, bất chấp sự thất vọng của Sturgeon và nhiều cử tri Scotland trong cuộc bỏ phiếu Brexit năm 2016, bà có nguy cơ sẽ đẩy Scotland, Anh, Bắc Ireland và Xứ Wales vào một con đường có thể sẽ làm suy yếu tất cả các đảng phái bởi thực tế là tương lai của họ sẽ tươi sáng hơn nên vẫn gắn kết với nhau.

Trên bình diện đối ngoại, một nước Anh toàn cầu hơn có thể bị tổn hại bởi sự độc lập của Scotland. Chẳng hạn, một ủy ban của quốc hội Anh đã cảnh báo rằng việc để mất đi nguồn thuế của Scotland có thể kéo theo thêm nhiều sự cắt giảm ngân sách cho các hoạt động quốc tế.

Mạng lưới ngoại giao và các phái đoàn thương mại mở rộng của Anh cũng sẽ bị ảnh hưởng, làm suy yếu tiếng nói của đất nước thời hậu Brexit trong các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, G7... Cùng với những cắt giảm về quân sự, điều này còn làm suy yếu cả quyền lực cứng và mềm của đất nước, vốn đã tạo điều kiện cho Anh phát triển thành công suốt bấy lâu nay.

Đó là lý do tại sao, với những nguy cơ chính trị đang ngày càng lớn đối với tính toàn vẹn của liên minh, cần nhận thức được rằng tương lai của Scotland và Anh sẽ tươi sáng hơn nếu không chia tách. Vào một thời điểm mà Thủ tướng Johnson đang tìm cách thúc đẩy một “Nước Anh toàn cầu”, sự ra đi của Scotland khỏi liên minh đe dọa sẽ làm suy yếu sức mạnh chính trị, quân sự và kinh tế to lớn mà Anh đang gìn giữ và cũng đang giúp củng cố an ninh và sự thịnh vượng thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục