Nước Anh sẽ có một Brexit rất khác?
Tờ Project Syndicate đăng bài viết của tác giả Philippe Legrain, cựu cố vấn kinh tế của Chủ tịch Ủy ban châu Âu và đang là Nghiên cứu viên cấp cao tại Viện châu Âu của Trường Kinh tế London (LSE), đánh giá về thỏa thuận nhằm giải quyết tranh chấp liên quan tới các quy định thương mại áp dụng cho Bắc Ireland giữa Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.
Theo đó, dù không thể xóa đi tất cả những tranh chấp chính trị đang hiện hữu xung quanh vấn đề Bắc Ireland, nhưng nếu được thông qua, thỏa thuận được ký kết ngày 27/2 sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng và mang đến sự cải thiện cần thiết trong quan hệ giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU).
Cựu Thủ tướng Anh ông Boris Johnson đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12/2019 với lời hứa đưa ra một thỏa thuận để hoàn thành Brexit (chỉ việc Anh rời EU). Tuy nhiên, thỏa thuận của ông Johnson lại mang đến một giao thức gây tranh cãi sâu sắc về quy chế thương mại đặc biệt của Bắc Ireland.
Do đó, việc Thủ tướng Anh Rishi Sunak đàm phán thành công một thỏa thuận sửa đổi với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen là diễn biến đáng hoan nghênh, có thể đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ Anh-EU.
* Bước ngoặt trong quan hệ Anh-EU
Tác giả Philippe Legrain cho rằng Brexit đã không chỉ phá hoại quan hệ kinh tế và chính trị của Vương quốc Anh với EU, mà còn đe dọa nền hòa bình mong manh ở Bắc Ireland.
Thương mại giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland là dễ dàng trước Brexit - cả hai đều thuộc EU và chia sẻ các quy tắc thương mại giống nhau. Tuy nhiên, khi Bắc Ireland rời EU, một thỏa thuận kiểm soát đã được đưa ra. Đó là bởi EU có các quy định nghiêm ngặt về thực phẩm và yêu cầu kiểm tra biên giới khi một số hàng hóa - chẳng hạn như sữa và trứng - đến từ các quốc gia ngoài EU như Vương quốc Anh. Thủ tục giấy tờ này cũng được yêu cầu đối với các hàng hóa khác.
Biên giới đất liền là một vấn đề nhạy cảm vì lịch sử chính trị phức tạp của Bắc Ireland. Người ta lo ngại rằng việc sử dụng camera hoặc chốt biên phòng như một phần của việc kiểm tra hàng hóa có thể dẫn đến sự bất ổn.
Cựu Thủ tướng Boris Johnson đã đồng ý Nghị định thư Bắc Ireland với EU. Nghị định này đã trở thành một phần của luật pháp quốc tế và có hiệu lực vào ngày 1/1/2021. Theo Nghị định thư Bắc Ireland, việc kiểm soát mới đã được đưa ra. Thay vì diễn ra tại biên giới Ireland, việc kiểm soát và kiểm tra giấy tờ sẽ được thực hiện tại các cảng của Bắc Ireland. Điều này áp dụng cho hàng hóa đi từ Vương quốc Anh (Xứ England, Scotland và xứ Wales) đến Bắc Ireland. Việc kiểm tra được áp dụng ngay cả khi hàng hóa vẫn còn ở Bắc Ireland.
Tuy nhiên, các đảng liên hiệp - ủng hộ Bắc Ireland là một phần của Vương quốc Anh - nói rằng việc kiểm tra này trên thực tế tạo ra một biên giới giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Vương quốc Anh. Các doanh nghiệp cũng phàn nàn rằng việc kiểm tra có nghĩa là tạo ra thêm chi phí và sự chậm trễ.
Hậu quả là những gián đoạn kinh tế đáng kể và những hậu quả chính trị tương ứng. Những người ủng hộ Brexit đã tức giận vì Bắc Ireland không chỉ bị tách khỏi phần còn lại của Vương quốc Anh mà vẫn phải tuân theo luật pháp EU. Thêm vào đó, phản ứng của cựu Thủ tướng Johnson cũng không phù hợp như kế hoạch ban đầu của ông. Ngay trước khi buộc phải từ chức vào năm ngoái, ông đã đe dọa sẽ đơn phương từ bỏ Nghị định thư Bắc Ireland mà chính ông đã đàm phán, đe dọa một cuộc chiến thương mại với EU.
Trong bối cảnh đó, thỏa thuận sửa đổi của ông Sunak – còn được gọi là “Khuôn khổ Windsor” – mặc dù không thể loại bỏ tất cả những căng thẳng này, song được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt tâm lý đối đầu song phương.
Khuôn khổ Windsor cắt giảm các thủ tục trong trao đổi thương mại giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland, giảm vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) và luật pháp EU ở Bắc Ireland, đồng thời cho phép cơ quan lập pháp Bắc Ireland có tiếng nói đối với các quy định mới của EU.
Khuôn khổ Windsor thiết lập làn xanh tại các cảng biển Ireland dành cho hàng hóa đến từ Vương quốc Anh lưu hành ở Bắc Ireland mà không chịu bất kỳ hạn chế thương mại nào, trong khi làn đỏ sẽ dành cho hàng hóa tiếp tục vào Ireland và thị trường EU. Hàng hóa như thuốc men, thực vật, xúc xích, bưu kiện và thú cưng cũng được vận chuyển dễ dàng giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland, xóa bỏ “biên giới ở Biển Ireland”.
Theo thỏa thuận mới, mặc dù ECJ vẫn giữ quyền quyết định cuối cùng về các vấn đề thị trường chung ở Bắc Ireland, vai trò của tòa án này bị giới hạn, và Anh chứ không phải EU, sẽ nắm quyền kiểm soát thuế giá trị gia tăng và trợ cấp nhà nước trong khu vực.Đây là một thành công ngoài dự đoán dành cho Thủ tướng Sunak. Với khả năng ngoại giao kiên nhẫn và sự cẩn trọng đến từng chi tiết, ông đã đạt được một thỏa thuận tốt hơn nhiều so với những gì ông Johnson đã làm, giúp khôi phục lòng tin giữa Vương quốc Anh và EU.
Hiện tại, EU đã mời Vương quốc Anh tham gia chương trình Horizon Europe, một quỹ tài trợ cho nghiên cứu và đổi mới trị giá 95 tỷ euro (101 tỷ USD). Nước Pháp cũng hứa hẹn sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Vương quốc Anh để ngăn chặn dòng người di cư trên những chiếc thuyền mỏng manh băng qua Eo biển Manche.
* Thách thức đến từ nội bộ nước Anh
Tuy nhiên, trong phạm vi Vương quốc Anh, xung đột chính trị có thể sẽ tiếp diễn. Những người cực đoan trong đảng Liên minh Dân chủ của Bắc Ireland có thể từ chối thỏa thuận và tiếp tục tẩy chay khiến thỏa thuận bị đình chỉ.
Một số người ủng hộ Brexit cứng rắn trong đảng Bảo thủ của ông Sunak cũng có thể phản đối vì thỏa thuận này khiến Bắc Ireland nằm dưới quyền tài phán một phần của EU. Ngoài ra, ông Johnson, người nuôi tham vọng một ngày trở lại làm Thủ tướng Anh, cũng sẽ khó chấp nhận thỏa thuận này.
Tuy nhiên, nếu ông Sunak thành công trong việc loại bỏ sự phản đối trong nội bộ nước Anh, thì vị thế chính trị của ông có thể được nâng cao đáng kể, với việc công chúng coi ông là một nhà lãnh đạo dũng cảm sẵn sàng đối mặt với những ý kiến trái chiều để thúc đẩy lợi ích quốc gia. Và con đường chính trị lâu dài của Thủ tướng Anh dù chông gai nhưng cũng sẽ tươi sáng hơn rất nhiều so với trước đây.
Đối với EU, thỏa thuận mới về Bắc Ireland cũng mang những ý nghĩa nhất định. Sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, EU lo ngại rằng làn sóng dân túy sẽ dẫn đến nhiều kịch bản tương tự và thậm chí có thể dẫn đến sự sụp đổ của Liên minh. Tuy nhiên, hầu hết người châu Âu đã coi Brexit là một thảm họa. Ngay cả những người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu như Marine Le Pen của Pháp cũng không ủng hộ việc đi theo bước chân của Vương quốc Anh ngày nay.
Mối đe dọa về việc một Vương quốc Anh thời hậu Brexit có thể làm suy yếu thị trường chung của EU bằng cách cắt giảm thuế và cắt giảm quy định cũng đã giảm bớt. Khi người tiền nhiệm của ông Sunak là bà Liz Truss tuyên bố cắt giảm thuế khổng lồ vào mùa Thu năm ngoái, lãi suất tăng vọt và đồng bảng lao dốc, bà đã phải từ chức. Với điều này, EU có đủ khả năng để thực hiện một cách tiếp cận linh hoạt và phù hợp hơn đối với Vương quốc Anh.
Trong khi châu Âu có nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết hơn là những chi tiết nổi bật của Brexit, đặc biệt là cuộc xung đột Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng đi kèm, EU và Vương quốc Anh cần hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết những thách thức này nếu có thể.
Điều này khiến thỏa thuận vừa được ký kết trở nên có giá trị. Sau 7 năm dài chìm đắm trong tranh chấp, cuối cùng EU và Vương quốc Anh đã có thể bắt đầu công việc lâu dài để xây dựng lại mối quan hệ song phương.
Dù vậy, giới phân tích nhận định vẫn còn hai thử thách lớn chờ đợi thỏa thuận của ông Sunak.
Thứ nhất là việc 12 quan chức của đảng Hợp nhất dân chủ (DUP) sẽ nghiên cứu thỏa thuận trước khi quyết định liệu đảng này có chấm dứt việc tẩy chay tham gia cơ quan lập pháp Bắc Ireland hay không.Chủ tịch DUP Jeffrey Donaldson thừa nhận thỏa thuận đạt những tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực, song nhấn mạnh vẫn còn những vấn đề lớn cần quan tâm, như việc luật EU vẫn được áp dụng trong một số lĩnh vực của nền kinh tế Bắc Ireland. Ông Donaldson cho biết, DUP sẽ đánh giá các nội dung của thỏa thuận nhằm xác định thỏa thuận có tôn trọng và khôi phục vị trí của Bắc Ireland tại Vương quốc Anh hay không.
Thứ hai là thách thức từ Nhóm nghiên cứu châu Âu (ERG) gồm các nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ Brexit, trong đó có nhiều luật sư. Rắc rối vẫn có thể xảy ra, song các đảng viên Bảo thủ thân châu Âu cho rằng ERG không còn mạnh như trước, khi chưa tới 30 nghị sỹ Bảo thủ tham gia cuộc họp của nhóm vào tuần trước để thảo luận về thỏa thuận này.Mặc dù chưa rõ Khuôn khổ Windsor có được DUP chấp nhận hay không, nhưng các nhà phân tích cho rằng ông Sunak đã đúng khi đánh giá rằng việc thúc đẩy thỏa thuận sẽ mang lại những lợi ích lớn cho Vương quốc Anh.Trong chuyến công du Belfast ngày 28/2 nhằm giới thiệu thỏa thuận mới tới các doanh nghiệp Bắc Ireland, Thủ tướng Sunak cho biết, thỏa thuận sẽ khơi thông đầu tư ở khu vực, đưa ra tín hiệu chính phủ sẽ thúc đẩy Khuôn khổ Windsor ngay cả khi bị DUP từ chối, nhấn mạnh thỏa thuận không phục vụ một chính đảng, mà vì lợi ích tốt nhất cho người dân, cộng đồng và doanh nghiệp ở khu vực./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Chương mới cho quan hệ Anh-EU trong thời kỳ hậu Brexit
15:54' - 04/03/2023
Giới quan sát đang kỳ vọng rằng thỏa thuận nhằm giải quyết tranh chấp liên quan tới các quy định thương mại áp dụng cho Bắc Ireland sẽ mở ra một “chương mới” trong quan hệ giữa Vương quốc Anh và EU.
-
Kinh tế Việt Nam
Phối hợp để sớm kết thúc đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh
16:28' - 24/02/2023
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các nước CPTPP để sớm kết thúc việc đàm phán gia nhập Hiệp định của Vương quốc Anh trên tinh thần bảo đảm các tiêu chuẩn cao.
-
Kinh tế Việt Nam
Các nước thành viên CPTPP thảo luận về gia nhập Hiệp định của Vương quốc Anh
12:12' - 22/02/2023
Các nước thành viên thành viên Hiệp định CPTPP tổ chức cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng với Vương quốc Anh để thảo luận về tiến trình đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP của nước này.
-
Kinh tế Thế giới
Brexit và sự hối tiếc “Bregret” của người Anh
06:30' - 11/02/2023
Người Anh quả thực có biệt tài trong việc nghĩ ra các thuật ngữ mới: sau “Brexit”, họ bắt đầu nghĩ đến “Bregret”, được diễn giải là sự hối tiếc về việc đã đoạn tuyệt với EU.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích - Dự báo
Các nền kinh tế châu Á sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu
10:17'
Ấn Độ được dự báo sẽ thay thế Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2025 với GDP vượt mốc 5.000 tỷ USD và sẽ vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2029.
-
Phân tích - Dự báo
Đức vẫn cần tiếp tục giảm lượng khí thải carbon
06:30'
Các quốc gia trên khắp thế giới đang nỗ lực giảm lượng khí thải CO2 khiến Trái đất nóng lên. Đức chỉ phát thải chưa đến 2% lượng khí CO2 toàn cầu, nhưng như vậy cũng vẫn còn quá nhiều. Tại sao?
-
Phân tích - Dự báo
2025 là năm của vàng hay bitcoin?
05:30'
Năm 2024 là một năm tuyệt vời đối với vàng. Giá vàng đã tăng thêm khoảng 30%, trong khi nhu cầu về kim loại quý này cũng phát triển ở hầu hết các khía cạnh.
-
Phân tích - Dự báo
Cuộc đua giữ chân lao động nước ngoài ở Nhật Bản
06:30' - 12/01/2025
Nhật Bản có kế hoạch tiếp nhận 820.000 công dân nước ngoài theo thị thực kỹ năng đặc định trong 5 năm tài chính tiếp theo bắt đầu từ tháng 4/2024, tăng gấp đôi so với dự kiến ban đầu.
-
Phân tích - Dự báo
Kinh tế Đông Nam Á sẽ phải “vượt khó” trong năm 2025
05:30' - 12/01/2025
Sau một thời kỳ suy giảm, xuất khẩu hàng hóa của Đông Nam Á đã gia tăng trong năm 2024 nhờ nhu cầu phục hồi từ các nền kinh tế lớn đối với hàng điện tử và những loại hàng hóa đầu vào cho sản xuất.
-
Phân tích - Dự báo
Ngành du lịch Việt Nam được dự báo phát triển "đột biến"
08:31' - 11/01/2025
Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn thông tin từ báo chí địa phương dự báo Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam sẽ phát triển “đột biến” trong lĩnh vực du lịch khi tầng lớp trung lưu tăng lên.
-
Phân tích - Dự báo
Lời cảnh báo cho thị trường nhà Australia
06:30' - 11/01/2025
Tình hình ít thuận lợi trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc là tin đặc biệt xấu đối với Australia, gây ảnh hưởng tới hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực mà Australia là nhà cung cấp chính.
-
Phân tích - Dự báo
Thế giới vẫn đang ở trong tình trạng thiếu hụt máy bay
05:30' - 11/01/2025
Airbus và Boeing ước tính chỉ giao được khoảng 1.250 máy bay mới trong năm 2024, thấp hơn 30% so với mục tiêu ban đầu, theo số liệu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế.
-
Phân tích - Dự báo
Cạnh tranh Mỹ-Trung về chip bán dẫn: Sai lầm đắt giá
06:30' - 10/01/2025
Hai nền kinh tế hàng đầu liên tục tung ra các biện pháp trừng phạt mới. Giới chuyên gia lo ngại tranh chấp về chip sẽ càng trở nên “nóng” hơn dưới thời Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.