Nước Đức và cuộc bầu cử khó đoán định

11:08' - 13/09/2021
BNEWS Chỉ còn hai tuần nữa, nước Đức sẽ bước vào cuộc bầu cử quốc hội khóa 20 và càng tới sát ngày bỏ phiếu, bầu không khí chính trị lại càng sôi động.

Chỉ còn hai tuần nữa, nước Đức sẽ bước vào cuộc bầu cử quốc hội khóa 20 và càng tới sát ngày bỏ phiếu, bầu không khí chính trị lại càng sôi động, bởi sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2002 thì đây là lần thứ hai trong lịch sử, nước Đức có 3 ứng cử viên chạy đua để kế nhiệm Thủ tướng Angela Merkel, người đã 16 năm cầm quyền liên tiếp.

Đây cũng là cuộc đua kịch tính bởi cho tới lúc này, mọi khả năng thành lập một liên minh cầm quyền ở Đức đều bỏ ngỏ dựa trên tuyên bố của các ứng cử viên thủ tướng hay tỷ lệ ủng hộ các đảng theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận.

Tối 12/9, các ứng cử viên thủ tướng Đức gồm ông Armin Laschet của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU), ông Olaf Scholz của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và bà Annalena Baerbock của đảng Xanh đã hoàn thành cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ hai trên kênh truyền hình ARD và ZDF.

Cũng giống như cuộc tranh luận lần thứ nhất cách đây hai tuần, 3 ứng cử viên hết sức coi trọng và chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho các màn đối đáp, vì sự kiện này diễn ra vào thời điểm tranh cử nước rút khi cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 26/9 tới.

Đây chính là thời điểm để các đảng tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri, đặc biệt là số cử tri còn do dự, do vậy việc tránh mọi sai lầm không đáng có là điều các ứng cử viên hết sức chú trọng.

Các ứng cử viên đều biết rằng 9 chiếc camera tại trường quay sẽ ghi lại nhất cử nhất động của mình, từ cách trả lời, phản ứng, nét mặt và cử chỉ của từng người.

Tất nhiên, cử tri Đức không bầu thủ tướng trực tiếp mà đó là nhiệm vụ của Quốc hội liên bang, tuy nhiên ứng cử viên thủ tướng (tranh cử cho các đảng có triển vọng nhất) sẽ có cơ hội trở thành người đứng đầu chính phủ nếu đảng đó giành được số phiếu cao nhất nhì và có thể đứng ra thành lập một liên minh cầm quyền.

Thông thường, các đảng có tỷ lệ ủng hộ không cao sẽ chỉ giới thiệu ứng cử viên hàng đầu cho chiến dịch tranh cử, trong khi các đảng có triển vọng sẽ đưa ra ứng cử viên thủ tướng.

Tại cuộc bầu cử quốc hội năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, đảng Xanh đưa ra một ứng cử viên thủ tướng, thay vì chỉ giới thiệu các ứng cử viên hàng đầu như các cuộc bầu cử trước đây.

Sau CDU/CSU, SPD (vốn luôn đề cử ứng cử viên cho chức thủ tướng kể từ năm 1949) và FDP (đảng giới thiệu ứng cử viên thủ tướng vào năm 2002), thì đảng Xanh là đảng thứ tư ở Đức đề cử một ứng cử viên cho chức thủ tướng.

Ngoài ra, sau bà Angela Merkel thì đồng Chủ tịch đảng Xanh Baerbock là người phụ nữ thứ hai trong lịch sử nước Đức ứng cử chức thủ tướng.

Càng sát tới ngày bầu cử, nội dung tranh luận giữa 3 ứng cử viên càng thu hẹp về phạm vi, cụ thể là chỉ xoay quanh những vấn đề sát sườn với đời sống của người dân Đức, thay vì những chính sách đối ngoại xa xôi như Afghanistan, quan hệ với các nước lớn hay các vấn đề trong Liên minh châu Âu (EU).

Mở đầu cuộc tranh luận, ông Laschet được hỏi về khả năng tham gia liên minh cầm quyền cùng SPD với tư cách là đối tác "chiếu dưới".

Tuy nhiên, vị Chủ tịch CDU hiện là Thủ hiến bang Nordrhein-Westfalen đã không trả lời trực tiếp câu hỏi này mà khẳng định ông "đang chiến đấu để giành vị trí đảng mạnh nhất".

Câu trả lời tương tự cũng được ứng cử viên đảng Xanh Baerbock đưa ra, tuy nhiên bà tránh đề cập tới đối tác thứ ba (đảng Dân chủ tự do - FDP, hay đảng Cánh tả) trong một chính phủ có thể do SPD đứng đầu.

Bà bóng gió cho rằng các đảng dân chủ phải thảo luận với nhau về khả năng liên minh, ám chỉ bao gồm cả đảng Cánh tả.

Trong khi đó, ứng cử viên SPD Scholz cũng không loại trừ khả năng hợp tác với đảng Cánh tả trong chính phủ tới, điều vốn bị ông Laschet nhiều lần chỉ trích do đảng Cánh tả muốn "giải tán" Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và không có cam kết rõ ràng với quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương hay các sứ mệnh ở nước ngoài với EU, NATO hay Liên hợp quốc. Theo ông Scholz, mọi kịch bản sẽ do cử tri quyết định trong cuộc bầu cử tới.

Việc Bộ Tài chính liên bang (do ông Scholz làm Bộ trưởng) vừa bị khám xét liên quan vụ điều tra Cơ quan Tình báo tài chính (FIU) - đơn vị đặc nhiệm chống rửa tiền nằm dưới sự giám sát của Bộ Tài chính - đôi lúc đã đẩy cuộc tranh luận lên mức căng thẳng khi ông Laschet chỉ trích những phát biểu của đối thủ Scholz (về việc bị điều tra) là "chẳng khác nào những người theo chủ nghĩa dân túy" ở các nước khác.

Ông Laschet còn cho rằng nước Đức sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng nếu chính phủ tương lai của ông có bộ trưởng tài chính làm việc như ông Scholz. Ngoài ra, 3 ứng cử viên cũng bày tỏ quan điểm về nhiều vấn đề khác như bảo vệ khí hậu, chính sách tiêm chủng, bảo hiểm-y tế, thuê nhà, lương hưu, số hoá,...

Theo giới quan sát, tại cuộc tranh luận lần thứ hai này, ứng cử viên đảng Xanh Baerbock có vẻ kiềm chế hơn, ít nói hơn, trong khi ứng cử viên SPD Scholz vẫn giữ được trạng thái điềm tĩnh trong các câu trả lời. Người đang chịu nhiều áp lực nhất là ứng cử viên CDU/CSU Laschet và điều này được thể hiện rõ khi chính trị gia 60 tuổi công kích nhiều hơn nhằm vào hai đối thủ chính trị.

Xét về kinh nghiệm thực tế, ứng cử viên Scholz có ưu thế hơn khi từng làm Bộ trưởng Lao động và xã hội liên bang (2007-2009) và hiện là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính, trong khi cả ông Laschet và bà Baerbock chưa từng kinh qua quản lý ở cấp chính phủ liên bang. Có lẽ những kinh nghiệm tích lũy được đã giúp ông Scholz ghi điểm tốt hơn hai đối thủ còn lại.

Thực tế cho tới nay, ông Scholz chưa mắc sai lầm lớn nào trong chiến dịch tranh cử kể từ khi được SPD công bố là ứng cử viên thủ tướng một năm trước.

Điều này trái ngược với ứng cử viên Laschet khi vị Chủ tịch CDU mắc lỗi lớn với hình ảnh cười đùa ở hình nền khi Tổng thống Frank-Walter Steinmeier phát biểu chia sẻ những mất mát với các nạn nhân lũ lụt, trong khi bà Baerbock bị điều tiếng vì nhiều lần phải sửa lý lịch hay những cáo buộc cho rằng bà "đạo văn".

Tuy nhiên, về màn tranh luận nêu trên, các chính trị gia đối lập đã bày tỏ thất vọng. Chủ tịch FDP Christian Lindner viết trên Twitter rằng 3 ứng cử viên "thiếu ý tưởng về cách có thể củng cố nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng".

Trong khi đó, ứng cử viên hàng đầu của đảng Cánh tả Dietmar Bartsch nhận thấy màn tranh luận về tổng thể là "đáng thất vọng", bởi những vấn đề cốt lõi như việc làm, nghèo đói ở trẻ em, lạm phát tăng, chênh lệch điều kiện sống ở Đông và Tây Đức,... không được đề cập.

Tuy vậy, nhìn chung, màn đối đầu trực tiếp thứ hai của 3 ứng cử viên được coi là sôi động hơn so với lần đầu tiên, với nhiều màn tranh luận kịch tính hơn.

Theo kết quả thăm dò nhanh của kênh ARD/ZDF ngay sau cuộc tranh luận, ứng cử viên Scholz đã giành lợi thế trước bà Baerbock và ông Laschet với một khoảng cách khá lớn.

Trả lời câu hỏi về ứng cử viên nào giành chiến thắng sau cuộc tranh luận thứ hai, 41% số ý kiến dành cho ông Scholz, so với 27% cho ông Laschet và 25% cho bà Baerbock.

Ứng cử viên được những người tham gia khảo sát đánh giá có thiện cảm nhất là bà Baerbock (39%), tiếp đến là ông Scholz (34%) và ông Laschet 18%. Ứng cử viên được cho có khả năng nhất là ông Scholz (49%), ông Laschet (26%) và bà Baerbock (18%).

Về ứng cử viên tin cậy nhất, 39% số người được hỏi nhận định ông Scholz, 36% tin vào bà Baerbock và 26% ủng hộ ông Laschet. Những con số này không phải là tất cả và chưa chắc đã giống với kết quả trong ngày bầu cử.

Còn nhớ, ngay sau màn tranh luận giữa hai ứng cử viên thủ tướng Đức trên truyền hình năm 2005, ông Gerhard Schröder (SPD) khi đó đã rời trường quay Berlin-Adlershof với tư cách là người chiến thắng trước bà Merkel, tuy nhiên sau đó CDU/CSU lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với kết quả rất sít sao trước SPD.

Dù chỉ có tỷ lệ ủng hộ nhiều hơn SPD 1%, song liên đảng bảo thủ khi đó đã giành được quyền thành lập chính phủ (cùng SPD) và nắm chức thủ tướng.

Theo kế hoạch, 3 ứng cử viên vẫn còn một cuộc tranh luận trực tiếp vào ngày 19/9 tới, một tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử.

Nhiệm vụ của họ ở giai đoạn tranh cử nước rút này là chiếm cảm tình của các cử tri, nhất là những người còn dao động. Một cuộc thăm dò do Viện thăm dò INSA công bố ngày 12/9 cho biết, SPD đang tiếp tục nới rộng khoảng cách với các đảng còn lại.

Cụ thể, SPD giành được 26% số ý kiến ủng hộ (tăng 1%), mức cao nhất từ tháng 6/2017; liên đảng CDU/CSU không đổi ở mức 20%, đảng Xanh giảm 1 điểm, còn 15%; đảng FDP 13%; AfD 11% và đảng Cánh tả 6%.

Với kết quả này, sẽ có nhiều kịch bản liên minh được hình thành và cuộc bầu cử được dự báo sẽ rất phức tạp với tiến trình thành lập chính phủ có khả năng kéo dài.

Việc ứng cử viên Laschet có thể bảo vệ di sản mà Thủ tướng Merkel để lại sau 16 năm cầm quyền hay không sẽ nằm ở hai tuần quyết định này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục