Nước rút tiến đến đích 130 nghìn căn nhà ở xã hội

17:57' - 09/05/2024
BNEWS Mục tiêu hoàn thành 130 nghìn căn hộ nhà ở xã hội trong năm nay sẽ phải rất nỗ lực mới đạt được. Trước thực tế đó, Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp để "về đích".
Năm 2024, Chính phủ giao mục tiêu cả nước hoàn thành 130 nghìn căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thống kê đến hết quý I/2024, cả nước mới có 13 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, khởi công xây dựng và được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 16.008 căn. Trong số đó, mới chỉ có 5 dự án hoàn thành với quy mô 2.016 căn.

Tiến độ này cho thấy, mục tiêu hoàn thành 130 nghìn căn hộ nhà ở xã hội trong năm nay sẽ phải rất nỗ lực mới đạt được. Trước thực tế đó, Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy quỹ nhà ở này ngày từ đầu năm 2024.

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) chia sẻ, năm 2024 sẽ có nhiều luật mới được đẩy nhanh thời hạn có hiệu lực. Thực tế hiện nay thị trường đang rất thiếu phân khúc về nhà ở phù hợp với người thu nhập thấp. Với Luật Nhà ở 2023 sắp có hiệu lực thi hành sẽ cơ bản giải quyết vấn đề này và tạo ra nguồn cung lớn.

 
Cộng với đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội được triển khai đồng loạt tại nhiều địa phương trên khắp cả nước cũng sẽ giúp tạo ra nguồn cung nhà giá rẻ và giải quyết được vấn đề về giá trên thị trường – ông Hải phân tích. Thêm vào đó, có nhiều yếu tố trợ lực để phát triển nhà ở xã hội nhưng vân cần quyết liệt hơn nữa thì mới đạt mục tiêu đề ra.

Điển hình như với Luật Đất đai, trước đây quy định, nhà ở xã hội được miễn tiền đất, xây được lợi nhuận 10%... Nhưng để miễn tiền đất thì phải làm thủ tục tính giá trị, tính tiền… rồi mới thực hiện được. Mà những thủ tục tính tiền cũng kéo dài, mất khá nhiều thời gian, khoảng 1 năm. Còn hiện giờ, theo Luật Đất đai 2024, quy định miễn tiền sử dụng đất được thực thi luôn.

Tương tự, ông Hải dẫn chứng, trong Luật Nhà ở, trước đó có quy định 3 điều kiện đối với người được mua nhà ở xã hội gồm: không có nhà ở, thu nhập cũng phải ở mức dưới chịu thuế thu nhập cá nhân và phải ở nơi đó. Bây giờ, quy định mới đã giảm các điều kiện đi. Người ở đâu cũng được, Quảng Ninh sang Hải Phòng mua nhà ở cũng được. Nhưng mỗi người chỉ được hưởng chính sách mua xã hội một lần, chứ không thể cứ đi nhiều tỉnh để kia mua nhà khiến người khác mất cơ hội.

Cùng đó, diều kiện quy định về mức thu nhập cũng tang lên để có nhiều cơ hội tiếp cận hơn. Ưu đãi cho chủ đầu tư cũng được hỗ trợ tốt hơn để họ vẫn tham gia với lợi nhuận ở mức vừa phải, chấp nhận được. Bởi trên thực tế, các ưu đãi về chính sách khác sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm đầu tư nhà ở xã hội hơn trong bối cảnh Nhà nước chưa đủ kinh phí để đầu tư mà phải huy động từ nhiều nguồn lực khác. 

Bên cạnh đó, những năm gần đây đầu tư được chú trọng và phát triển đường sá, xây dựng các thiết chế về xã hội như trường học, bệnh viện, sân bay… Điều này kết nối các dự án tiếp cận giao thông tốt hơn nên người mua cũng thuận tiện hơn chứ không phải bị dồn đến những nơi thiếu hạ tầng.

Đặc biệt, vấn đề tài chính tín dụng được xem là một trong những đột phá khi chưa năm nào mà tiền vay để mua nhà có lãi suất thấp như hiện nay, thông qua nhiều gói tín dụng ưu đãi. Nhà nước đã hỗ trợ các gói cho vay để cả người mua hay chủ đầu tư được vay khi thực hiện làm nhà ở xã hội, với mức lãi suất giảm nhiều. Thậm chí, các thủ tục cũng đơn giản hơn để tạo điều kiện cho vay. Trước đây có 4-5 điều kiện thì bây giờ chỉ cần 2 điều kiện.

Theo ông Hoàng Hải, đây là sự quyết tâm rất lớn từ Trung ương đến địa phương. Trước đây, dư luận e ngại về tâm lý sợ sai, đùn đẩy rồi có những tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục hành chính của dự án. Nhưng hiện nay, các cấp chính quyền mời doanh nghiệp đến để bàn, trao đổi. Bộ Xây dựng chỉ mong giải quyết được ngay khó khăn, còn không phải thẩm quyền thì kiến nghị để xử lý bằng điều chỉnh pháp luật.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục