OECD cảnh báo thực trạng định giá carbon thấp trên toàn thế giới

07:10' - 10/04/2021
BNEWS Không có nền kinh tế lớn nào trên thế giới có chính sách định giá carbon phù hợp với mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm giới hạn nhiệt độ trên toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C.

Kết luận trên được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra trong báo cáo công bố trước đó.

Cụ thể, có tới 44 nước, phát thải 80% lượng carbon trên toàn cầu, đạt trung bình 13 điểm trên thang điểm 100, đánh giá về định lượng mức độ thực hiện các kế hoạch giao dịch và các loại thuế nhằm hạn chế lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính để có thể đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050 - mục tiêu phù hợp với giới hạn mức tăng nhiệt 1,5 độ C.

Trong năm 2018, hàng chục quốc gia châu Âu nhận được số điểm từ 38 đến 48, trong khi Mỹ chỉ được 11 điểm, Trung Quốc 5 điểm, còn Brazil và Indonesia chỉ nhận được 1 điểm.

Trong khi đó, trợ cấp của các chính phủ đối với việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong năm 2019 tăng tới 5% so với năm 2018 tại 50 quốc gia, lên tới 178 tỷ USD.

OECD nêu rõ trợ cấp cho khai thác dầu, khí đốt và than đá trên toàn thế giới làm suy yếu quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế toàn cầu trung hòa carbon.

Đáng lo ngại, theo OECD, xu hướng này dường như vẫn được duy trì trong năm 2020, trong bối cảnh các chính phủ tìm cách hỗ trợ nhiên liệu hóa thạch và các ngành liên quan nhằm phục hồi nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Lâu nay, định giá carbon được xem là một đòn bẩy quan trọng để giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và tàn phá môi trường trên khắp hành tinh.

Việc thực hiện chính sách tính toán chi phí thực về mặt xã hội của ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch, liên quan đến sức khỏe con người, năng suất lao động và môi trường, giúp các loại năng lượng có thể tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió trở nên cạnh tranh hơn, từ đó giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không carbon hoặc carbon thấp.

Trên thực tế, từ năm 2018 đến 2019, mức giá giấy phép phát thải carbon được Chương trình giao dịch khí thải của Liên minh châu Âu (EU ETS) đã tăng từ 18 lên hơn 29 USD cho mỗi tấn CO2.

Trong cùng khoảng thời gian này, tổng lượng khí phát thải giảm gần 9%, gần bằng với mức ước tính của OECD.

Còn tại Anh, mức tăng 35 USD/tấn đối với cái gọi là "tỷ lệ carbon hiệu quả" trong lĩnh vực điện đã chứng kiến lượng phát thải khí carbon trong lĩnh vực này giảm tới hơn 70% trong hơn 6 năm.

OECD đã đo hiệu quả của các chính sách của một nước đối với 1 trong 3 tiêu chuẩn, tương ứng với các mức độ khác nhau của tham vọng cắt giảm carbon.

Tuy nhiên, chỉ có mức tham vọng nhất, đó là định giá carbon lên tới 140 USD/1 tấn CO2 vào năm 2030 mới phù hợp với mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Nếu áp đặt tiêu chuẩn này, chỉ có 2 trong số 44 quốc gia, gồm Luxembourg và Thụy Sĩ đạt trên 50 điểm, trong khi 10 quốc gia châu Âu khác chỉ đạt điểm định giá carbon từ 38-48./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục