PAPI 2022: Thay đổi nhận thức tích cực từ chính quyền và người dân

17:56' - 12/04/2023
BNEWS UNDP tại Việt Nam cùng các đối tác tổ chức sự kiện công bố Báo cáo "Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam" viết tắt là PAPI năm 2022.
Ngày 12/4 tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cùng các đối tác tổ chức sự kiện công bố Báo cáo "Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam" viết tắt là PAPI năm 2022.

Qua đó, phản ánh sự lạc quan của người dân về tình hình kinh tế cho dù  vẫn còn không ít những quan ngại về tác động của đại dịch COVID-19. Trong bảng xếp hạng PAPI2022, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu cả nước với chỉ số tổng hợp đạt 47,8763 điểm; xếp thứ 2 là tỉnh Bình Dương với 47,4488 điểm

 
Báo cáo cung cấp một bức tranh quan trọng về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương trong năm thứ hai của nhiệm kỳ 2021-2026. Qua đó, cho thấy, sự thay đổi quan điểm của người dân về hiệu quả của công tác chống tham nhũng ở địa phương trong bối cảnh người dân kỳ vọng về nền quản trị hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Đáng chú ý, báo cáo ghi nhận có tới 66,1% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế quốc gia là "tốt" vào năm 2022 – tăng 19,4% so với năm 2021. Cũng ở câu hỏi này, tỉ lệ người dân đánh giá điều kiện kinh tế của đất nước là "kém" giảm tới 13,7%, tức là từ 19,8% của năm 2021 xuống còn 6,1% năm 2022.

Tương tự, ở cấp hộ gia đình, tỉ lệ người dân cho rằng điều kiện kinh tế hộ của mình là "kém" giảm từ 15,3% năm 2021 xuống còn 11,4% năm 2022. Trong khi đó, 56% số người được hỏi khẳng định điều kiện kinh tế hộ gia đình đã tốt hơn vào năm 2022, cao hơn so với tỉ lệ 52% trong năm 2021, song tỉ lệ này vẫn là mức thấp nhất kể từ năm 2012. 

Đại sứ Australia tại Việt Nam ông Andrew Goledzinowski chia sẻ, thông qua kết quả của Báo cáo PAPI hàng năm,  Chính phủ Việt Nam đã luôn theo dõi và có những điều chỉnh chính sách kịp thời để cải thiện chất lượng dịch vụ công, đặc biệt là ở cấp tỉnh.

Điều quan trọng là PAPI thể hiện quan điểm, tiếng nói của đông đảo các tầng lớp dân cư, bao gồm phụ nữ và nam giới, cũng như người khuyết tật. Lắng nghe ý kiến công dân để cải thiện dịch vụ công. Australia đã và đang hỗ trợ sáng kiến quản trị quan trọng này suốt 7 năm qua và mang tới nhiều giá trị hữu ích cho Việt Nam.

Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh phòng chống tham nhũng - công tác trọng tâm trong nhiệm kỳ này, kết quả khảo sát PAPI năm 2022 đã cho thấy thái độ của công chúng đối với vấn đề này đang thay đổi. Tỉ lệ người được hỏi cho rằng tham nhũng là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước tập trung giải quyết tăng 4,8% năm 2022, so với năm 2021.

Xu hướng này nhất quán với những phát hiện của chỉ số nội dung "Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", với số người dân ghi nhận hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do tỉ lệ người dân cho rằng phải nhờ vào mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền mới xin được việc làm trong cơ quan nhà nước tăng lên và tỉ lệ người dân phải "chung chi" khi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất cũng gia tăng. Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương giúp cảnh báo sớm nguy cơ sai trái, vì thế cũng góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tham nhũng.

Kết quả khảo sát PAPI 2022 cũng cho thấy, chưa có nhiều chuyển biến tích cực ở khía cạnh quản trị công quan trọng này. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân vẫn phản ánh về tính thiếu chính xác trong việc lập danh sách hộ nghèo của chính quyền cấp cơ sở để hộ thực sự nghèo tiếp cận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, người dân ghi nhận sự cải thiện trong việc công khai thông tin thu, chi ngân sách cấp xã trong năm 2022.

Để đóng góp cho chương trình xây dựng và thực thi pháp luật năm 2023, Báo cáo PAPI 2022 cũng phân tích kết quả khảo sát công dân về một số vấn đề nhằm cung cấp dẫn cứ cho việc thảo luận sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và chuẩn bị thực thi Luật Thực hiện Dân chủ ở cơ sở năm 2022.

Tại sự kiện, TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá, trong 14 năm qua, Chương trình nghiên cứu PAPI đã có tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức và hành động của chính quyền cấp tỉnh, thiết thực góp phần thúc đẩy cải cách hành chính Nhà nước - một trong những nội dung trọng tâm của 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện.

Việc nghiên cứu, phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân đem lại những chỉ báo quan trọng, giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP cho biết Chương trình nghiên cứu chỉ số PAPI nhằm phản ánh đánh giá của người dân về việc thực hiện chính sách và các chương trình phát triển của Nhà nước. Từ đó, đóng góp vào việc cải thiện và tăng cường khả năng đáp ứng, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền.

Báo cáo PAPI 2022 cung cấp nguồn dữ liệu thực chứng quan trọng để các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương theo dõi hiệu quả hoạt động của mình trong công tác điều hành, quản lý nhà nước, hành chính công và cung ứng dịch vụ công./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục