PBoC: Nền tảng kinh tế Trung Quốc vẫn vững

05:45' - 27/02/2016
BNEWS Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), Chu Tiểu Xuyên cho biết, Bắc Kinh có đủ "dư địa" và công cụ để thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), Chu Tiểu Xuyên. Ảnh: TTXVN

Trước thềm Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nước phát triển và nền kinh tế đang nổi hàng đầu thế giới (G-20) tại Thượng Hải, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), Chu Tiểu Xuyên ngày 26/2 nói không có lý do và cơ sở để cho rằng đồng NDT tiếp tục mất giá, và Bắc Kinh có đủ "dư địa" và công cụ để thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Năm 2015, nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt nhịp độ tăng trưởng 6,9%, mức thấp nhất kể từ năm 1990. Chính tình trạng giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã khiến giá hàng hóa trên toàn cầu sụt giảm, đồng thời đây cũng là một trong những yếu tố dẫn đén sự bất ổn của thị trường chứng khoán thế giới trong năm nay. Tuy nhiên, theo ông Chu Tiểu xuyên, các nền tảng của kinh tế Trung Quốc vẫn vững.
Bắc Kinh đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm kích thích đà tăng trưởng kinh tế, với sáu đợt cắt giảm lãi suất kể từ tháng 11/2014 cùng nhiều lần hạ mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng trong nước và tăng chi tiêu công.

Ngày 26/5, PBoC “bơm” 300 tỷ NDT (46 tỷ USD) vào thị trường tài chính, động thái được đánh giá là nỗ lực của chính phủ trong việc tăng tính thanh khoản. Thống đốc PBoC nói thêm "Bắc Kinh sẽ duy trì chính sách tài chính thận trọng với sự linh hoạt và hợp lý trong thời gian tới".
Trước đó ngày 25/2, phát biểu tại một cuộc hội thảo được tổ chức bởi Viện Tài chính toàn cầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu cho biết Trung Quốc nhận thấy những rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt và sẽ làm hết sức mình để cộng tác tốt hơn với các thành viên viên G20 nhằm củng cố niềm tin vào kinh tế toàn cầu.

Sự ổn định của đồng NDT sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với việc phòng ngừa các rủi ro tài chính mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt.
Các nỗ lực để chống lại sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu trong bối cảnh thị trường hỗn loạn được trông đợi sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G-20, diễn ra tại thành phố Thượng Hải trong hai ngày 26-27/2.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục