Pháp - Anh lại một lần nữa "cơm không lành, canh không ngọt"
Sau bất đồng về hàng loạt vấn đề, từ nhập cư bất hợp pháp đến liên minh AUKUS, rồi hồ sơ Bắc Ireland, mới đây quan hệ từng "tối lửa, tắt đèn có nhau" giữa Pháp và Anh lại một lần nữa trở nên "cơm không lành, canh không ngọt" vì những bất đồng xung quanh việc cấp phép hoạt động ngư nghiệp tại khu vực đánh bắt cá trong vùng biển Manche.
Căng thẳng bùng phát sau khi Paris cho rằng London đang gây khó khăn, chỉ cấp giấy phép hoạt động một cách nhỏ giọt cho ngư dân của Pháp và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đánh bắt cá trong các vùng lãnh hải thuộc Vương quốc Anh.
Theo số liệu của phía Pháp, tính đến ngày 28/10, 108 đơn xin cấp phép cho các tàu cá Pháp vẫn đang chờ xử lý để được đánh bắt cá ở khu vực xung quanh quần đảo Jersey và trong vùng từ 6-12 dặm ngoài khơi bờ biển Anh. Theo Bộ trưởng Bộ các vấn đề biển của Pháp, bà Annick Girardin, có những ngư dân không thể đến vùng biển của Anh, nơi họ đã được phép đánh bắt cá ở đó từ trước.
Phía Anh cho biết các tàu Pháp bị từ chối cấp phép hoạt động do không cung cấp đầy đủ bằng chứng về lịch sử hoạt động đánh bắt cá trong khu vực trên như quy định trong Hiệp định hợp tác và thương mại (TCA) giữa Anh và EU. TCA, hay còn gọi là thỏa thuận hậu Brexit được Anh và EU ký ngày 30/12/2020, có một nội dung đề cập đến việc tiếp cận của ngư dân các nước EU đối với các vùng biển của Anh, nơi họ đánh bắt trước Brexit.
Thỏa thuận quy định rằng ngư dân các nước EU muốn tiếp tục đánh bắt cá ở những vùng biển này phải được chính quyền London cấp giấy phép. Giấy phép này chỉ được cấp với một số điều kiện nhất định: ngư dân phải chứng minh rằng họ đã từng đánh bắt ở khu vực trên từ trước đó... Không có điều khoản nào trong thỏa thuận cho phép ngư dân Pháp tự động tiếp cận các vùng biển của Anh. Đổi lại, tàu cá của Anh được phép cập tất cả các cảng của EU và cung cấp hải sản cho thị trường chung châu Âu.
Tuy nhiên, kể từ đó, căng thẳng giữa hai nước về quyền đánh bắt cá tại các vùng biển của Anh liên tục bùng phát . Hồi tháng 5, chủ các tàu cá của Pháp đã khiếu nại về việc không được phép hoạt động tại vùng biển của Anh. ngư dân Pháp đã có hành động ngăn chặn các đoàn xe tải chở cá từ Anh sang Pháp hay tập trung gần hòn đảo Jersey, một lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh, để bày tỏ phản đối. Anh sau đó điều 2 tàu tuần tra vũ trang thuộc biên chế Hải quân Hoàng gia Anh ra vùng biển trên để bảo vệ đảo Jersey.
Trong lần tranh cãi này, mọi việc có xu hướng leo thang sau khi người phát ngôn của Chính phủ Pháp Gabriel Attal thông báo rằng đến đầu tháng 11, nếu tình hình không được cải thiện, Paris sẽ áp dụng "cấm hải sản của Anh nhập cảng" vào Pháp.
Trước đó, ngày 26/10, hệ thống kiểm tra y tế và hải quan đối với các sản phẩm của Anh vào Pháp đã được thiết lập. Lực lượng chức năng Pháp ngày 28/12 cho biết đã bắt giữ một tàu của Anh đánh bắt cá không giấy phép trong vùng biển Pháp, đồng thời phát cảnh cáo đối với một tàu khác cũng của Anh. Ông Gabriel Attal cũng đề cập đến một loạt biện pháp tiếp theo có thể xảy ra, "bao gồm biện pháp năng lượng”, liên quan đến việc ngừng cung cấp điện cho một số khu vực của Anh.
Phía Anh cho rằng lập trường của Pháp là “vô lý” và “thiếu căn cứ”, “không phải là những gì người ta mong đợi từ một đồng minh và đối tác thân thiết”. Phía Anh cũng đã triệu đại sứ Pháp tại London tới Bộ Ngoại giao Anh để giải thích. Anh cho biết sẽ khởi động các thủ tục giải quyết tranh chấp và kiểm tra hoạt động đánh bắt của EU trong lãnh hải nước này, nếu Paris thực hiện các quy định hạn chế nhằm vào London từ tháng 11 tới.
Giáo sư luật Aurélien Antoine, Giám đốc Trung tâm quan sát Brexit, đánh giá nếu chiểu theo TCA thì “không có gì cho thấy phía Anh đã làm trái thỏa thuận". Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ tuy thỏa thuận đưa ra điều kiện "đã từng đánh bắt cá trong vùng biển của Anh", nhưng lại không nêu rõ cách chứng minh “thâm niên” hành nghề ở khu vực này. Nhà kinh tế học chuyên về nghề cá Bertrand Le Gallic, Giáo sư tại Đại học Western Brittany, phân tích: "Thỏa thuận không chỉ rõ việc cần đưa ra tài liệu nào để chứng minh tàu cá đã từng hành nghề từ trước. Và đó là yếu tố cản trở mọi vấn đề".Bộ trưởng Bộ các vấn đề biển Pháp Annick Girardin dẫn chứng việc phía Anh yêu cầu bằng chứng định vị địa lý. Theo bà, đây là yêu cầu rất khó cung cấp đối với hầu hết các tàu nhỏ (dưới 12 mét) của Pháp, thường không trang bị hệ thống định vị. Bà Girardin cho biết đến nay Anh đã cấp giấy phép cho 90% yêu cầu của tàu châu Âu, trong khi con số mà Chính phủ Anh đưa ra là 98% . Riêng Pháp có tổng cộng 738 tàu cá được cấp giấy phép đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Anh.
Căng thẳng nêu trên giữa Anh và Pháp trước hết ảnh hưởng tới các ngư dân, kể cả của Pháp và Anh. Tuy nhiên, nếu câu chuyện vượt tầm kiểm soát, tác động sẽ nặng nề hơn. Ví dụ, hòn đảo Jersey thuộc Vương quốc Anh nằm trong vùng biển Manche tại vị trí gần vùng Normandy của Pháp. Do vị trí địa lý gần lãnh thổ Pháp nên nhiều hoạt động kinh tế, xã hội cũng như việc cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho hòn đảo này hầu hết đều do Pháp đảm nhận, trong đó, Pháp cung cấp đến 95% nhu cầu điện cho Jersey.
Do đó, việc tháo ngòi căng thẳng và tìm hướng giải quyết tranh chấp vào lúc này là quan trọng hơn hết. Dự kiến, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Rome (Italy) vào cuối tuần này. Theo người phát ngôn của Thủ tướng Anh, Paris vẫn là một đồng minh thân thiết và vững mạnh của London.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của Vương quốc Anh trong tranh chấp về quyền đánh bắt cá, tuy nhiên ông vẫn nhắc lại sức mạnh lịch sử của mối quan hệ song phương với Pháp.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Macron cuối tháng 9 vừa qua sau những căng thẳng do bất đồng liên quan tới liên minh AUKUS , Thủ tướng Anh Johnson khẳng định ông hy vọng khôi phục mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, bởi mối quan hệ này "phù hợp với các giá trị và lợi ích chung", chẳng hạn như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay cuộc chiến chống khủng bố. Có lẽ đó sẽ là cơ sở để hai nước tìm giải pháp tháo gỡ những khúc mắc hiện nay trong quan hệ Anh-Pháp, vì lợi ích của cả hai./.
- Từ khóa :
- quan hệ Pháp Anh
- anh
- pháp
- đánh bắt cá
- quan hệ anh eu
Tin liên quan
-
Doanh nghiệp
Anh điều tra thương vụ mua Morrisons của CD&R
11:35' - 30/10/2021
Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Vương quốc Anh (CMA) ngày 29/10 thông báo đã mở một cuộc điều tra về vấn đề cạnh tranh đối với thương vụ mua chuỗi siêu thị Morrisons.
-
Bất động sản
Anh điều chỉnh thuế mặt bằng để thúc đẩy đầu tư
07:05' - 30/10/2021
Đây là lần cắt giảm thuế mặt bằng lớn nhất trong một năm trong vòng 30 năm qua của Anh.
-
Kinh tế tổng hợp
Pháp xem xét cấp phiếu giảm giá xăng dầu để hỗ trợ người dân
07:32' - 19/10/2021
Trong bối cảnh Chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron nỗ lực giảm thiệt hại do giá năng lượng tăng cao, các bộ trưởng Pháp đã để ngỏ khả năng cấp phiếu giảm giá xăng dầu cho hộ gia đình thu nhập thấp.
-
Kinh tế tổng hợp
Pháp thiếu nhân lực chăm sóc y tế trầm trọng thời kỳ hậu khủng hoảng
11:16' - 17/10/2021
Tại các cơ sở y tế khắp nước Pháp, làn sóng dịch bệnh thứ 4 có thể đã vào dĩ vãng khi số bệnh nhân mắc COVID-19 giảm rõ rệt, nhưng tín hiệu cảnh báo khó khăn khác lại xuất hiện trong những tuần qua.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích - Dự báo
Thời điểm bản lề đối với nền kinh tế Indonesia
06:30'
Indonesia bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các động lực bên ngoài, bao gồm cuộc chiến thuế quan đang diễn ra, đặc biệt là giữa các cường quốc, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.
-
Phân tích - Dự báo
Hàn Quốc đã sẵn sàng cho cuộc chơi công nghệ lớn?
05:30'
Vài tuần sau khi chính phủ mới của Hàn Quốc nhậm chức, thị trường đã định giá sẵn những kỳ vọng lạc quan nhất dành cho ngành công nghệ Hàn Quốc thông qua việc chỉ số KOSPI liên tục tăng nóng.
-
Phân tích - Dự báo
Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự báo tiếp tục tăng mạnh
16:07' - 11/07/2025
Theo báo cáo Triển vọng Dầu mỏ Thế giới năm 2025 do OPEC công bố ngày 11/7, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức gần 123 triệu thùng/ngày vào năm 2050.
-
Phân tích - Dự báo
Bài học từ "thập kỷ mất mát": Trung Quốc có đi vào vết xe đổ của Nhật Bản?
06:30' - 11/07/2025
Trong bối cảnh Trung Quốc đang đứng trước những thách thức mang tính cấu trúc, bài học từ Nhật Bản về các điểm bất hợp lý trong chính sách cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
-
Phân tích - Dự báo
Xu hướng chuyển đổi tất yếu của ngành vận tải biển
05:30' - 11/07/2025
Vận tải biển, chiếm hơn 80% giá trị thương mại toàn cầu và đóng góp hơn 900 tỷ USD/năm vào nền kinh tế đại dương, sắp bước vào giai đoạn chuyển đổi toàn diện, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
-
Phân tích - Dự báo
Châu Á - lời giải cho bài toán khí đốt của Canada
06:30' - 10/07/2025
Canada mới đây đã xuất khẩu một lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Á, báo hiệu sự khởi đầu tươi sáng trên bước đường vươn xa ra thị trường LNG toàn cầu của cường quốc Bắc Mỹ này.
-
Phân tích - Dự báo
Chương trình "Mua trước, Trả sau": Cạm bẫy nợ nần tại Malaysia?
05:30' - 10/07/2025
Các chương trình "Mua trước, Trả sau" đang phát triển nhanh chóng tại Malaysia đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng bảo vệ người tiêu dùng và tình trạng vay mượn quá mức.
-
Phân tích - Dự báo
Khi dầu mỏ trở thành rủi ro chiến lược
06:30' - 09/07/2025
Nếu cuộc khủng hoảng tại Trung Đông kéo dài hoặc một cuộc khủng hoảng khác bùng lên, đây có thể là một bước ngoặt mới định hình thị trường dầu mỏ toàn cầu.
-
Phân tích - Dự báo
Chảy máu chất xám, Mỹ trả giá đắt?
05:30' - 09/07/2025
Theo một số chuyên gia phân tích, bằng cách tấn công vào những biểu tượng giáo dục hàng đầu, chính quyền Tổng thống Trump đang làm suy yếu một trong những “viên ngọc quý” của nước Mỹ.