Pháp tìm kiếm kế hoạch hỗ trợ phù hợp cho ngành công nghiệp ô tô

06:30' - 30/05/2020
BNEWS Nhiều cuộc tranh luận đang nổ ra xung quanh các điều khoản của kế hoạch phục hồi ngành công nghiệp ô tô. Nếu không có hỗ trợ, hàng trăm ngàn lao động sẽ có nguy cơ mất việc.
Ô tô mới lắp ráp tại một nhà máy. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi các chuyên gia dự đoán sự sụt giảm đến 30% trên thị trường xe ô tô châu Âu trong năm nay, nhiều cuộc tranh luận đang nổ ra xung quanh các điều khoản của kế hoạch phục hồi ngành công nghiệp hàng đầu này. Nếu không có hỗ trợ, hàng trăm ngàn lao động sẽ có nguy cơ mất việc.

Tại Pháp, các nhà máy đã bị đóng cửa trong nhiều tuần kể từ ngày 16/3 trong cuộc chiến chống lại đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Các đại lý bán xe cũng chỉ vừa mới mở cửa trở lại từ khoảng mười ngày nay sau khi chính phủ dỡ bỏ lệnh phong tỏa quốc gia. Doanh số bán xe mới giảm mạnh trong tháng Tư, đến 89% tại Pháp và 81% tại châu Âu, cho thấy một tình thế tuyệt vọng.

Sự sụt giảm doanh thu sẽ tác động mạnh lên toàn ngành, từ sản xuất đến tiêu thụ. Ông Marc Mortureux, Tổng Giám đốc của Hiệp hội công nghiệp ô tô PFA, cảnh báo sẽ có những hậu quả "không thể khắc phục" nếu cú sốc quá dữ dội. Chỉ riêng ở Pháp, ngành này tạo ra 900.000 việc làm trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp đã nhanh chóng được nhà nước triển khai như cấp bảo hiểm thất nghiệp một phần cho người lao động hoặc hoãn thu các khoản thuế và phí. Việc này đã giúp ngành ô tô tránh rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong thời gian khủng hoảng.

Khoản vay được nhà nước bảo đảm trị giá 5 tỷ euro sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà sản xuất Renault của Pháp trong những tháng tới. Nhưng sau đó sẽ thế nào? Ý tưởng về các khoản trợ giúp trực tiếp cho người tiêu dùng, nhằm đổi xe cũ lấy xe mới, đã xuất hiện trở lại và đang gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi.

Ông chủ của hãng Peugeot quyết liệt phản đối ý tưởng trên. Đối với ông Jean-Philippe Imparato, các biện pháp như vậy cuối cùng dẫn đến việc "đầu độc" thị trường. Ngược lại, ông Ivan Segal, Giám đốc bán hàng tại Pháp của tập đoàn Renault, lại hoàn toàn ủng hộ. Theo ông, một gói kích thích mua của chính phủ "sẽ là cần thiết" cho toàn bộ ngành ô tô và "càng sớm càng tốt".

Các nhà sản xuất ô tô Đức, từ Volkswagen đến Mercedes-Benz, cũng đang kêu gọi các biện pháp tương tự để tăng doanh số. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã đưa ra lời kêu gọi trợ giúp, phối hợp ở cấp châu lục.

"Về cơ bản, đây là một cuộc tranh luận khá kinh điển, giữa hỗ trợ cho cung hoặc cho cầu", ông Bernard Jullien, giảng viên Đại học Bordeaux, giải thích. Ông cho rằng tốt hơn là chi tiền ngân sách công để trực tiếp giúp đỡ các doanh nghiệp.

Trên thực tế, việc trợ giúp tiền cho người mua ô tô có những tác động thực sự. Trong cuộc khủng hoảng 2008-2009, biện pháp này đã giúp hạn chế thiệt hại và duy trì lượng hàng bán tại Pháp..., nhưng chỉ là tạm thời. Doanh số bán xe mới đã suy giảm gần 20% trong năm 2012, khi gói trợ giúp kết thúc.

Bên cạnh đó, biện pháp này hầu như không giúp tạo thêm việc làm bởi khuyến khích việc mua những chiếc xe ô tô giá trị thấp không còn được sản xuất tại Pháp nữa. Một khoản trợ giá 3.000 euro thúc đẩy việc mua những chiếc xe giá trị 10.000 euro chứ không phải 30.000 euro.

Ngày nay, những chiếc xe giá thành thấp được sản xuất tại Thổ Nhĩ Kỳ (Renault Clio), Slovakia hoặc Morocco (Peugeot 208). Vậy có thực sự phù hợp khi dành ngân sách công cho sự tăng trưởng ngoài biên giới, thậm chí bên ngoài châu Âu, ngay cả khi tiền được hoàn trả lại - ít nhất là một phần - cho các công ty của Pháp?

Tuy nhiên, không thiếu các lập luận ủng hộ việc hỗ trợ cho nhu cầu tiêu thụ. Ông Eric Kirstetter, cố vấn tại công ty Roland Berger, cho rằng thị trường sẽ khó mà chịu được cú sốc nếu không được giúp đỡ. Các nhà phân phối, tạo ra gần 200.000 việc làm ở Pháp, sẽ không trụ nổi qua mùa Hè tới nếu việc bán hàng không được tái khởi động.

Sau hai tháng phong tỏa, các gia đình có thể sẽ không vội vàng mua xe, ngay cả khi họ đã tiết kiệm được chút ít do giảm mua sắm trong khoảng thời gian. Vì vậy, một khoản hỗ trợ cầu sẽ kích hoạt và thúc đẩy thị trường.

Hơn nữa, trong mọi trường hợp, biện pháp này cũng sẽ có thời hạn kết thúc khi đã đạt được kết quả nhất định. Một lập luận khác, các nước láng giềng hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp trợ giá mua đối với các hãng xe của mình. Điều đó sẽ khiến các nhà sản xuất của Pháp bất lợi ngay cả trên thị trường nội địa.

Chính phủ sẽ phải đưa ra quyết định trong những ngày tới. Đặc biệt tiền trợ giá mua xe chạy bằng điện và xe hybrid đang nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Điều này sẽ tạo ra sự đồng thuận, ngay cả với những người sản xuất, vì đó cũng được coi là hỗ trợ cho việc chuyển đổi năng lượng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục