Phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP

12:44' - 07/10/2022
BNEWS Đến nay, thành phố Cần Thơ đã có 74 sản phẩm đạt chứng nhận Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), trong đó có 50 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 24 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Nhằm phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm OCOP, sáng 7/10, Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố tổ chức tập huấn xây dựng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ đối với các OCOP.

 

Tại buổi tập huấn, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ giới thiệu quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, hướng dẫn đăng ký bảo hộ, tra cứu thông tin về nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp; hướng dẫn khai thác hiệu quả các tài sản trí tuệ được bảo hộ; giới thiệu Quyết định số 3032/QĐ-UBND của UBND thành phố Cần Thơ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ thành phố Cần Thơ đến năm 2030; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn thành phố.

Sở hữu trí tuệ là một trong những công cụ đắc lực, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sự phát triển của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các chủ thể khác trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là những chủ thể có sản phẩm OCOP - sản phẩm gắn với thương hiệu của địa phương.

Thành phố Cần Thơ đang tập trung phát triển cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù, có lợi thế của địa phương, thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP của thành phố và hoàn thành mục tiêu của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đạt tối thiểu 60% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP của thành phố được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

Hiện tại, thành phố Cần Thơ đã công bố 74 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 50 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 24 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Theo ông Trương Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, sản phẩm OCOP muốn phát triển bền vững, phải chú ý xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu.

Khai thác các sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động tổ chức sản xuất, chế biến và thương mại, tổ chức quảng bá và phát triển thương mại sản phẩm, xây dựng và bảo vệ thương hiệu đối với sản phẩm sẽ giúp các sản phẩm, dịch vụ phát huy được các giá trị của cộng đồng, đặc biệt về chất lượng, văn hóa và tổ chức cộng đồng; đồng thời, góp phần thúc đẩy việc bảo hộ các sản phẩm của doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với những thương hiệu của địa phương.

Ông Trương Hoàng Phương cũng cho rằng để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của thành phố cần lưu ý việc ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ, thiết bị.

Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND thành phố ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Với các nội dung hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ như: Xây dựng và triển khai các hoạt động nâng cao năng lực công nghệ; Nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, có tính cạnh tranh cao trên thị trường; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ...

Bên cạnh đó, các địa phương quan tâm, hướng dẫn người dân đang làm sản phẩm OCOP thành lập hợp tác xã kiểu mới cùng nhau sản xuất sản phẩm với sự hỗ trợ của thành phố đầu tư dây chuyền sản xuất, chuyển đổi khoa học công nghệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục