Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững

14:38' - 13/12/2023
BNEWS Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2030, lúa gạo vẫn giữ vị trí quan trọng trong ngành trồng trọt của Việt Nam.

Sáng 13/12, trong chuỗi các hoạt động Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, tại tỉnh Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Hậu Giang đồng tổ chức hội thảo quốc tế “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững”.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hội, hiệp hội liên quan đến ngành hàng lúa gạo Việt Nam và quốc tế.

 

Phát biểu tại hội thảo, ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, địa phương sẽ tiên phong trong hoạt động hướng đến phát triển bền vững, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng lúa gạo xuất khẩu, tạo chuỗi cung ứng lúa gạo an toàn, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế; sẵn sàng mở cửa đón đầu tư và hợp tác quốc tế, tạo cơ hội cho doanh nghiệp và tổ chức trong và ngoài nước tham gia vào quá trình phát triển ngành lúa gạo ở Hậu Giang.

Thông qua hội thảo, Hậu Giang mong nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến để ngành hàng này phát triển bền vững.

Các diễn giả, nhà khoa học, doanh nghiệp trong nước và Quốc tế cùng trao đổi, chia sẻ về thách thức và cơ hội của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Từ đó, định hướng xây dựng, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam minh bạch, trách nhiệm và bền vững, đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia trong mọi tình huống và nâng tầm giá trị hạt gạo Việt trên thị trường lúa gạo thế giới.

Tiến sỹ Nguyễn Phú Son (Đại học Cần Thơ) phân tích một số điểm nghẽn chính làm cản trở tiến trình phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng trách nhiệm và bền vững. Cụ thể như việc chưa nhận thức đúng và đầy đủ về bản chất của liên kết chuỗi giá trị là một quá trình và linh động, phù hợp với điều kiện ở từng nơi, từng lúc. Tư duy sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững.

Cùng đó là thiếu sự chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. Quy mô sản xuất nhỏ dẫn đến thiếu vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, chất lượng cao. Mặt khác, ngành hàng lúa gạo chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn. Ảnh hưởng của xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao…

Trên cơ sở phân tích những khó khăn trên, các diễn giả, nhà khoa học tập trung đề xuất các giải pháp phát triển chuỗi giá trị trách nhiệm và bền vững. Cụ thể, cần tập trung nghiên cứu và phát triển các mô hình liên kết bền vững giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Cắt giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo được xem là một giải pháp căn cơ mang tính chiến lược phòng thủ khi mà ngành hàng lúa gạo phải đối mặt với nhiều điểm nghẽn bên trong.

Bên cạnh việc xây dựng dự án nghiên cứu phát triển giống lúa và phát triển thương hiệu gạo chung của Việt Nam, cần đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa tập trung, chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh, triển vọng là Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Tại hội thảo, các tổ chức nghiên cứu, phát triển, tài chính quốc tế cũng thể hiện sự cam kết đồng hành cùng Việt Nam cũng như tỉnh Hậu Giang trong quá trình triển khai thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.

Ông Brian Bean - Giám đốc Dự án Climate Resilience Agriculture in the Mekong Delta (CRM), Winrock – USAID kỳ vọng với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ Việt Nam khi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa, sẽ mang lại thu nhập tốt, cải thiện đời sống người dân.

Đồng thời, cho biết trong thời gian tới sẽ làm việc với nhiều đối tác ở địa phương để hỗ trợ cộng đồng quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy sản xuất bền vững, phục hồi sinh thái…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2030, lúa gạo vẫn giữ vị trí quan trọng trong ngành trồng trọt của Việt Nam. Để phát huy lợi thế đó, ngành lúa gạo cần tái cơ cấu để từ vai trò là một ngành sản xuất vì mục tiêu an ninh lương thực là chủ yếu trở thành một ngành kinh tế năng động và hiệu quả; đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng trong nước và có tính cạnh tranh cao trong xuất khẩu.

Ngành trồng trọt sẽ tập trung thúc đẩy sản xuất lúa, đầu tư sản xuất lúa tại vùng trồng lúa chuyên canh trọng điểm vùng, phát triển giống lúa theo nhu cầu thị trường; ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; thực hiện tái cơ cấu tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực doanh nghiệp, cải tiến công nghệ, đảm bảo chất lượng, giá trị dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; xây dựng thương hiệu gạo và phát triển thị trường, bảo vệ tài nguyên và môi trường trong sản xuất lúa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục