Phát triển kinh tế hợp tác làm nòng cốt đổi mới tam nông

10:08' - 24/10/2021
BNEWS Tỉnh Tiền Giang hiện đã thành lập được 144 hợp tác xã nông nghiệp – lâm – thủy sản, tăng hơn hai lần so với năm 2015, thu hút trên 40.000 thành viên, tăng khoảng 21%.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Tú, năm qua, mặc dù thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng nhưng doanh thu của mạng lưới các hợp tác xã trên lĩnh vực nông nghiệp – lâm  -  thủy sản ước đạt 287 tỷ đồng, tăng hơn ba lần so với năm 2015; lợi nhuận ước đạt trên 10 tỷ đồng, tăng gần 4 lần và thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong các hợp tác xã đạt 46,8 triệu đồng/người/năm, tăng 30%.

Tính riêng 3 quý của năm 2021, tổng doanh thu các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn đạt trên 205 tỷ đồng, tăng 17,15% so với cùng kỳ 2020, đạt 62,27% kế hoạch năm năm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho biết, tỉnh đã triển khai mạnh mẽ những giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp làm nòng cốt đổi mới tam nông (nông nghiệp – nông dân – nông thôn) và xây dựng nông thôn mới hiện đại. Trọng tâm là đầu tư kết cấu hạ tầng và tăng cường cán bộ trẻ về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp.

Cùng đó, định hướng hợp tác xã phát triển bền vững theo mô hình dịch vụ tổng hợp, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên theo chuỗi giá trị; triển khai dịch vụ nông nghiệp phục vụ xã viên, sản xuất – kinh doanh tổng hợp… nâng cao hiệu quả hoạt động; thu hút lao động việc làm, hình thành mối quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Hiện Tiền Giang có 46 hợp tác xã liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, 18 hợp tác xã hỗ trợ thành viên áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhiều hợp tác xã tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản chủ lực, tiêu biểu, đặc sản địa phương chiếm lĩnh thị trường.

Ông Trần Hoàng Nhật Nam chia sẻ, để thúc đẩy hợp tác xã nông nghiệp nâng chất lượng hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh, trong ba năm từ 2018 đến 2020, ngành nông nghiệp địa phương đã hỗ trợ chi trả lương cho 9 cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc cho 9 hợp tác xã nông nghiệp phụ trách kế toán, quản lý và hướng dẫn thành viên áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến trong quá trình thâm canh.

Việc này đã tạo ra sự đổi mới thiết thực, thúc đẩy đội ngũ quản lý hợp tác xã thay đổi tư duy, cách làm mới…

Trong hai năm 2019 – 2020, Tiền Giang còn hỗ trợ 35 hợp tác xã nông nghiệp thực hiện 42 hạng mục đầu tư kết cấu hạ tầng với tổng kinh phí 33 tỷ đồng gồm: nhà kho, sân phơi, nhà sơ chế đóng gói, trụ sở làm việc, công trình nước sinh hoạt nông thôn, điện 3 pha...; giúp các hợp tác xã có cơ ngơi khang trang, rộng rãi, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động - việc làm.

Nhiều hợp tác xã nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực quản lý cải thiện và liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Điển hình như Hợp tác xã chăn nuôi – thủy sản Gò Công, Hợp tác xã Rau an toàn Tân Đông, Hợp tác xã Rau an toàn Phú Quới, Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An…

Ông Võ Minh Luân - Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Phú Quới, huyện Gò Công Tây phấn khởi cho biết, các chính sách hỗ trợ kịp thời chính là động lực và đòn bẩy để hợp tác xã vươn lên, lớn mạnh, khẳng định mối quan hệ hợp tác kiểu mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Quới, xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè Nguyễn Văn Nguyền cho hay, đơn vị nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương trên nhiều lĩnh vực hoạt động như: tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, hướng dẫn sản xuất theo tiêu chí VietGAP; áp dụng "3 giảm 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm" trong quá trình canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất... nên xã viên rất phấn khởi.

Qua đánh giá, có 90% số hộ xã viên áp dụng chương trình “3 giảm 3 tăng”, 85% số hộ xã viên áp dụng “1 phải 5 giảm”.

Ngoài ra, từ Dự án cạnh tranh nông nghiệp (VnSAT), hợp tác xã còn được giúp tài trợ xây dựng 1 nhà kho, 2 cống điều tiết nước phục vụ sản xuất theo mô hình liên kết cánh đồng lớn, khắc phục những khó khăn về thâm canh lúa chất lượng cao trong thời gian qua.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Tú đánh giá, thông qua sự hỗ trợ của nhà nước cũng như phát huy tinh thần năng động, tự chủ, tận dụng thời cơ và vận hội nền kinh tế thị trường mang lại, các hợp tác xã nông - lâm - thủy sản trên địa bàn tỉnh đã vươn lên, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Các hợp tác xã nông nghiệp làm nòng cốt trong liên kết tiêu thụ lúa gạo, bảo đảm đầu ra cho nông sản hàng hóa của nông dân theo mô hình cánh đồng lớn trên diện tích mỗi năm khoảng 5.000 ha. Nổi bật có Hợp tác xã nông nghiệp, kinh doanh tổng hợp Bình Nhì (huyện Gò Công Tây) liên kết với doanh nghiệp bao tiêu theo mô hình cánh đồng lớn cho 600 hộ dân trên diện tích 300 ha.

Các hợp tác xã chuyên canh rau đã ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng diện tích trồng rau an toàn lên 100 ha, liên kết cung ứng 46 chủng loại rau cho các siêu thị, các bếp ăn tập thể, nhà hàng trong ngoài tỉnh.

Trong lĩnh vực chăn nuôi – thủy sản, dẫn đầu có Hợp tác xã chăn nuôi – thủy sản Gò Công hàng năm cung ứng 100.000 con gà thịt theo hợp đồng với Công ty Phạm Tôn và các cửa hàng tiện ích tại Tp. Hồ Chí Minh đã khẳng định bước phát triển vững chắc của quan hệ hợp tác kiểu mới.

Từ thành quả đạt được của mạng lưới các hợp tác xã nông – lâm  – thủy sản trên địa bàn trong thời gian qua, Tiền Giang tiếp tục nhân rộng nhiều mô hình hợp tác xã điển hình làm ăn hiệu quả; đồng thời, thực thi nhiều giải pháp tích cực nhằm giúp các hợp tác xã tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững giai đoạn 2020 – 2025.

Năm 2025, Tiền Giang đang hướng tới mục tiêu phát triển lên 175 hợp tác xã nông nghiệp – lâm – thủy sản, tăng trên 21% so với hiện nay.

Cùng với việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa của kinh tế hợp tác và Luật Hợp tác xã, tỉnh quan tâm phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn với liên kết theo chuỗi giá trị bền vững với doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra tại những vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Năng lực quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp cũng được củng cố; đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ các hợp tác xã nâng cao quản lý; thường xuyên tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hợp tác xã đảm bảo hoạt động hiệu quả, đúng định hướng…

Tỉnh Tiền Giang chú trọng phát triển hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chính sách hỗ trợ theo Chương trình OCOP.

Trước mắt, tỉnh tập trung hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng thương hiệu để đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh cho sản phẩm chủ lực của địa phương như: sầu riêng Ngũ Hiêp, xoài cát Hòa Lộc, dứa (khóm) Tân Phước, sơri Gò Công, thanh long Mỹ Tịnh An…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục