Phát triển kinh tế tuần hoàn: Gỡ rào cản bằng thể chế và công cụ kinh tế

12:31' - 17/01/2021
BNEWS Kinh tế tuần hoàn là xu hướng giúp giải quyết tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường nhưng việc phát triển mô hình kinh tế này tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều rào cản.

Phóng viên TTXVN đã trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Chúng ta cần hiểu thế nào cho đúng về kinh tế tuần hoàn thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Có thể định nghĩa ngắn gọn kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế hướng tới không rác thải. Tại Việt Nam, chúng ta đã tiếp cận với kinh tế tuần hoàn từ các mô hình kinh tế như vườn-ao- chuồng trước kia.

Theo đó, nền kinh tế tuần hoàn là hướng tới việc tái chế và sử dụng chất thải như một nguyên liệu đầu vào, từ đó giúp khắc phục được sự cạn kiệt nhanh chóng các nguồn nguyên nhiên liệu không tái tạo.

Hàng năm, thế giới sử dụng khoảng 89.000 tỷ tấn nguyên nhiên vật liệu, đến năm 2060 thì con số được dự báo là 167.000 tỷ tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ tái chế và sử dụng rác thải trên thế giới hiện chỉ là 10%.  Tại Việt Nam, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa.

Phóng viên: Thưa ông tại sao kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu và bền vững cho Việt Nam trong điều kiện hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Hiện thảm họa tự nhiên và biến đổi khí hậu đã tác động đến nhiều nước trên thế giới, trong đó Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam nằm trong top 10 nước trên thế giới chịu hậu quả lớn nhất của biến đổi khí hậu và thảm họa tự nhiên.

Vì vậy phát triển kinh tế tuần hoàn để cùng chung tay với cộng đồng thế giới và hướng tới sản xuất tiêu dùng bền vững trong thời gian tới là một nhiệm vụ tất yếu mà Việt Nam phải thực hiện.

Ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 622/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia hướng tới việc sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Phóng viên: Thưa ông, sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam hiện nay đang ở mức độ như thế nào so với các nước trong khu vực và trên thế giới?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Trên thế giới, các nước phát triển thường sử dụng nguyên nhiên vật liệu nhiều hơn so với các nước đang phát triển. Tuy nhiên việc quản lý chất thải tại các nước phát triển đã triển khai từ những năm 90 của thế kỷ trước và đến nay tiếp tục quản lý chất thải khá tốt so với các nước đang phát triển.

Thực tế là lượng rác thải ra môi trường dưới dạng rắn lỏng, khí và các chất thải nguy hại ở Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác đang ở mức độ báo động. Vì vậy, Việt Nam cần phải có giải pháp quản lý rác thải để tiến tới ngang bằng với khu vực và hướng tới đạt trình độ trung bình của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng của tác động của biến đổi khí hậu và áp lực của dân số.

Phóng viên: Nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề quản lý, thu gom và tái chế phế thải là một trong những trở ngại lớn nhất trong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Việc quản lý chất thải tổng hợp nói chung và quản lý, thu gom chất thải đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn. Trong nền kinh tế tuần hoàn, chu trình sản xuất từ khai thác tài nguyên, cho tới chế biến, sản xuất, tiêu dùng và phát thải luôn khép kín.

Trong khi đó, với nền kinh tế truyền thống thì chu trình sản xuất tạo ra chất thải và xả ra môi trường. Thực tế là ở Việt Nam và một số ít nước trên thế giới, rác thải chưa được phân loại tại nguồn; sau khi được phân loại thì quá trình vận chuyển, tái chế và sử dụng chất thải cũng gặp nhiều khó khăn. Vấn đề này đang tạo áp lực lên cộng đồng bởi lẽ chất thải nếu như không được xử lý mà thải ra môi trường sẽ là mối nguy hại cho môi trường ở những nơi chôn lấp, cũng như thải ra sông, chảy ra biển và tạo ra rác thải nhựa đại dương.

Phóng viên: Bên cạnh trở ngại về quản lý và tái chế các loại phế thải, theo ông đâu còn là những rào cản lớn khác khiến cho mô hình kinh tế tuần hoàn hiện nay chưa thể phát triển được ở Việt Nam?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Rào cản lớn nhất trong kinh tế tuần hoàn nói chung và quản lý chất thải nói riêng liên quan trực tiếp tới thể chế về mặt pháp luật và công cụ kinh tế để khuyến khích người dân và doanh nghiệp buộc phải tuân thủ theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Về mặt thể chế, chúng ta phải có quy định công bằng để mọi doanh nghiệp và người dân tạo ra chất thải thì phải chi trả tiền hoàn nguyên và sử dụng chất thải đó. Hiện các nước trên thế giới thường quy định rất chặt chẽ về vấn đề này.

Theo đó, tất cả chi phí về mặt môi trường phải được hạch toán vào chi phí kinh tế. Đơn vị xả thải phải chịu trách nhiệm thì mới tạo ra quy định công bằng và hiệu quả để buộc tất cả các doanh nghiệp và người dân cùng phải tham gia vào quá trình quản lý chất thải.

Về động lực kinh tế, mặc dù việc xử lý chất thải, phân loại chất thải, thu gom chất thải và tái sử dụng chất thải là cần thiết nhưng nếu chi phí phân loại, thu gom và tái chế sử dụng phế thải lớn hơn chi phí tạo mới thì đương nhiên người ta sẽ không thực hiện thu gom chất thải.

Vì vậy, Chính phủ cần có quy định đồng bộ giữa việc yêu cầu tất cả các đơn vị xả thải phải chi trả chi phí để hoàn nguyên, để phục hồi môi trường.

Hiện nay trong Luật bảo vệ môi trường mới thông qua, chúng ta đã đưa vào các quy định về công cụ kinh tế để yêu cầu trong thời gian tới khi ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn cụ thể sẽ đảm bảo doanh nghiệp, người dân khi xả thải phải trả chi phí phù hợp để hoàn nguyên, khôi phục lại môi trường.

Phóng viên: Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn của các nước trên thế giới, Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường có đề xuất gì để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam?

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ: Việc mà thực thi được mô hình kinh tế tuần hoàn là chủ trương cũng như là mục tiêu, mục đích về phát triển kinh tế toàn cầu và được sự ủng hộ của tất cả các tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới và Việt Nam là một nước tham gia.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, việc tham gia vào mô hình kinh tế tuần hoàn là việc không thể tránh khỏi. Do đó, chúng ta bắt buộc phải đưa ra những quy định về mặt thể chế và chính sách để thực hiện nhiệm vụ này.

Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường và Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và Môi trường đang xây dựng chiến lược phát triển ngành tài nguyên và môi trường trong thời gian tới.

Theo đó, chúng tôi nhấn mạnh vào việc phải hạch toán vốn tự nhiên bao gồm: Đất, nước, rừng, biển, khoáng sản và năng lượng cũng như đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Tất cả các vốn tự nhiên đó cần phải được hạch toán sau khi hạch toán dưới 3 góc độ.

Thứ nhất, về mặt vật chất là diện tích, khối lượng. Thứ hai về mặt tiền tệ là chi phí và lợi ích của môi trường; trong đó người sử dụng phải chi trả.

Thứ ba về mặt không gian, dựa trên cơ sở hạch toán vốn tự nhiên đó để tính toán chi phí hoàn nguyên và phục hồi môi trường mà các doanh nghiệp cũng như người dân phải hoàn trả nếu không tuân thủ mô hình tuần hoàn; hoặc có những chính sách, chế độ ưu đãi để những doanh nghiệp sử dụng công nghệ sạch có lợi thế cạnh tranh so với những doanh nghiệp sử dụng công nghệ gây ô nhiễm.

Tất cả những chính sách đó trong Luật bảo vệ môi trường vừa được thông qua đã đưa ra những chủ trương cấp tiến và mới nhất trên thế giới hiện đang áp dụng.

Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sau khi được thể chế hóa đi vào cuộc sống thì kinh tế tuần hoàn sẽ thực sự là những công cụ để Nhà nước có thể quản lý và bảo vệ môi trường, còn doanh nghiệp và người dân có thể hướng tới việc nâng cao giá trị, giảm rác thải và đem lại lợi ích cho nhà nước, cho người dân, cho cộng đồng và cho tất cả các doanh nghiệp./.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục