Phát triển ngành điện tử theo hướng ưu tiên ứng dụng công nghệ nền

07:37' - 25/10/2022
BNEWS Theo Bộ Công Thương, giai đoạn tới, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Bộ sẽ tập trung bám sát sự phát triển chung của ngành công nghiệp điện tử thế giới..

Theo Bộ Công Thương, giai đoạn tới, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Bộ sẽ tập trung bám sát sự phát triển chung của ngành công nghiệp điện tử thế giới, theo hướng ưu tiên các công nghệ nền, còn đối với các ứng dụng theo ngành sẽ theo từng lĩnh vực.

Cụ thể như công nghệ ưu tiên nghiên cứu phát triển; các công nghệ nền, công nghệ cơ sở của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: IoT, AI, Big data, Robotics, Machine vision; Deep learning…

Ngoài ra, Bộ chú trọng vào công nghệ đo lường hiện đại gồm: đo bằng quang học, laser, hồng ngoại, radar, siêu âm; phương pháp đo tiếp xúc, đo không phá hủy; các công nghệ xây dựng hệ thống đo lường, điều khiển thông minh; các công nghệ truyền thông tiên tiến; công nghệ điện tử công suất và hệ thống nhúng; nhà máy điện tử thông minh.

Chia sẻ về định hướng ứng dụng các ngành, Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ tập trung phát triển các sản phẩm như thiết bị phục vụ khai thác mỏ…Cùng đó, với hệ thống phục vụ giám sát trạm biến áp (TBA) cho ngành điện hồm hệ thống giám sát dòng rò online cho chống sét van trong các TBA; thiết bị phát hiện đánh lửa trong các TBA; thiết bị đo sắc ký di động để chẩn đoán tình trạng MBA; mô hình smart grid phục vụ nghiên cứu và đào tạo; hệ thống quan trắc khí thải tự động ứng dụng trong ngành công nghiệp hóa chất; hệ thống quan trắc khí thải trên ống khói trong các ngành sản xuất công nghiệp khác; hệ thống quan trắc môi trường nước, môi trường đất.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao sẽ hướng tới nuôi gia súc, gia cầm bằng ứng dụng IoT và thị giác máy, AI; các sản phẩm là hệ thống điều khiển nhà nuôi gà thông minh ứng dụng IoT và thị giác máy, AI; hệ thống quản lý và hỗ trợ cung cấp thức ăn tự động cho trang trại bò sữa sử dụng công nghệ IoT; hệ thống quan trắc trực tuyến các thông số thổ nhưỡng ứng dụng công nghệ IoT trong nông nghiệp công nghệ cao.

Riêng với lĩnh vực Robot Vision, Bộ kiểm tra chất lượng sản phẩm; tự động hóa trong sản xuất; các thiết bị/hệ điều khiển tự hành thông minh. Đáng lưu ý, Bộ Công Thương sẽ xây dựng các phần mềm nền tảng IoT, Cloud, … cho các ứng dụng trong công nghiệp.

Đại diện Bộ Công Thương cho hay, trong giai đoạn từ 2016-2020, số lượng các đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ Công Thương lĩnh vực điện tử - tự động hóa có 53 nhiệm vụ bao gồm các lĩnh vực như: chiến lược chính sách, ứng dụng IoT trong công nghiệp, chế tạo robot, xây dựng các phép đo lường, điều khiển, tích hợp hệ thống…

 

Cùng đó, các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ Công Thương đã phần nào bám sát các xu hướng nghiên cứu chung về ngành điện tử trên thế giới. Hơn nữa, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã từng bước thực hiện theo chuỗi các nhiệm vụ nhằm giải quyết được các bài toán lớn, đòi hỏi phải thực hiện trong các năm.

Kết quả của nhiệm vụ đa số có thể ứng dụng ngay, tạo ra các sản phẩm khoa học và công nghệ có đóng góp tích cực cho xã hội. Thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã từng bước hỗ trợ cho các đơn vị trong Bộ Công Thương định hướng, xây dựng và tạo các sản phẩm chủ lực cho đơn vị.

Một số nhiệm vụ mang tính ứng dụng trong công nghiệp, dưới sự hỗ trợ từ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ đã giúp tạo nên các dòng sản phẩm mới cho các đơn vị, tạo nguồn thu ổn định.

Điển hình phải kể đến là Dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện thiết kế, công nghệ chế tạo hệ thống thông tin phục vụ cứu hộ, cứu nạn và ứng cứu sự cố trong hầm lò” của Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa thực hiện năm 2017. Đây là một nhiệm vụ trong số chùm các nhiệm vụ liên quan đến “Hệ thống điều khiển tích hợp dùng trong khai thác than hầm lò”. Hiện nay, sản phẩm đang được ứng dụng tại một số đơn vị khai thác than hầm lò như: Công ty Than Khe Chàm, Hạ Long, Hòn Gai, Uông Bí, Nam Mẫu, Trung tâm Cấp cứu mỏ (TKV); Công ty than Thăng Long, Công ty 91 (Tổng công ty Đông Bắc)....

Tiếp đến là Dự án “Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong quá trình sản xuất nguyên liệu và quá trình sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn chất lượng cao tại công ty cổ phần trà Than Uyên” cũng do Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động thực hiện toàn bộ từ khâu thiết kế, xây dựng hệ thống, trang thiết bị với mức độ tự động hóa cao. Hệ thống đã được ứng dụng vào thực tế tại Công ty cổ phần trà Than Uyên từ tháng 6/2020 đem lại hiệu quả thực sự cho doanh nghiệp. Hệ thống có thể nhân rộng cho nhiều doanh nghiệp chế biến chè trong nước cũng như có thể cải tiến để áp dụng cho các ngành chế biến khác.

Một chùm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ liên quan đến nghiên cứu, tích hợp hệ thống cũng đã được Công ty cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp triển khai thực hiện rất thành công. Đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy đóng gói tự động trà dược thảo túi lọc phục vụ xuất khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn EU” và “Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nghiền cao dược khô, công suất đến 400 kg/h, dùng để bào chế thuốc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế trong ngành dược” là hai trong nhóm các nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ Tây Bắc của Công ty cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp.

Hay Dự án sản xuất thử nghiệm trà và bột dinh dưỡng từ táo mèo và chùm ngây ứng dụng công nghệ sấy bằng hồng ngoại đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng Tây Bắc, cũng là một dự án rất thành công.

Kết quả của dự án góp phần tạo ra sản phẩm trà dược liệu táo mèo mới và bột dinh dưỡng chùm ngây chất lượng cao để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, dự án còn có tác dụng rất lớn trong việc quảng bá các sản phẩm chất lượng của Việt Nam nói chung mang thương hiệu của vùng Tây Bắc đến với thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục