Phát triển vắc-xin tiềm năng: "Nguồn sáng" giữa đại dịch COVID-19

11:12' - 30/11/2020
BNEWS Cuộc chiến chống COVID-19 của cộng đồng quốc đang được tiếp sức khi các hãng dược phẩm liên tiếp công bố những tiến triển mang tính đột phá trong việc phát triển vắc-xin tiềm năng.

Hãng công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) thông báo vắc-xin thử nghiệm của họ đã phát huy hiệu quả tới 94,5%.

Trước đó, vắc-xin do Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển cũng đã cho thấy hiệu quả lên tới hơn 95%.

Pfizer và BioNTech hy vọng sẽ cung cấp tối đa 50 triệu liều vắc-xin trên toàn thế giới trong năm nay và tối đa 1,3 tỷ liều năm 2021.

AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) cho hay vắc-xin mà hãng này phối hợp với Đại học Oxford phát triển cho hiệu quả ngăn ngừa bệnh trung bình 70% khi thử nghiệm trên 23.000 tình nguyện viên.

Ưu điểm của loại vắc-xin này là có thể vận chuyển dễ dàng với nhiệt độ máy lạnh thông thường, tiện lợi hơn vắc-xin của Pfizer/BioNTech và Moderna cần phải được bảo quản trong điều kiện cực lạnh.

AstraZeneca thông báo kế hoạch sản xuất tối đa 3 tỷ liều vắc-xin trong năm 2021 nếu được giới chức quản lý cấp phép.

Bộ Y tế Nga cũng cho biết kết quả phân tích những dữ liệu về thử nghiệm lâm sàng cho thấy vắc-xin Sputnik V đã cho hiệu quả lên tới 95%.

Trung Quốc đồng thời đang thử nghiệm giai đoạn ba 5 loại vắc-xin tiềm năng do nước này tự bào chế.

Quá trình phát triển vắc-xin và thuốc điều trị COVID-19 tại Thái Lan hay Hàn Quốc đều đạt những tiến bộ đáng kể.

Những kết quả khả quan trên cho phép các nước tính tới kế hoạch sớm đưa vắc-xin vào sử dụng.

Mỹ thông báo có thể phân phối vắc-xin sau ngày 10/12, khi liên doanh Pfizer và BioNTech đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin của hãng.

Nga, Thái Lan, Canada và Mexico dự kiến triển khai chương trình tiêm vắc-xin đại trà từ cuối năm nay hoặc đầu năm tới.

Không chỉ các nước có tiềm lực tài chính, mà cộng đồng quốc tế đã cam kết hợp tác và chia sẻ trách nhiệm để cùng nhau đối phó với COVID-19.

Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách tiếp cận toàn cầu trong vấn đề này, với cam kết "nỗ lực hết sức" để bảo đảm quá trình phân phối công bằng các loại vắc-xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác luân chuyển các mặt hàng thiết yếu, như thuốc men và thiết bị y tế.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng thúc đẩy sáng kiến COVAX - một cơ chế quốc tế do WHO điều hành - nhằm đảm bảo việc tiếp cận vắc-xin ngừa COVID-19 công bằng giữa các nước, để không ai bị bỏ lại phía sau khi thông báo sẽ phân phối khoảng 2 tỷ liều cho các nước đang phát triển trong năm 2021.

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp bởi nguy cơ bùng phát làn sóng COVID-19 thứ ba khi thời điểm mua sắm, đi lại, tụ tập dịp Giáng sinh và Năm mới đang tới gần.

Theo các chuyên gia, chỉ riêng vắc-xin sẽ không đủ để ngăn chặn COVID-19, mà "ý thức của người dân mới là liều vắc-xin thực sự"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục