Phép thử đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản khi giá đồng yen tăng

13:57' - 09/08/2019
BNEWS Các phương án mà BOJ sử dụng để giải quyết các vấn đề này rất hạn chế, cả về mặt số lượng và tính hiệu quả, cũng như có thể sẽ mang lại các hiệu ứng phụ không mong muốn.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Tokyo. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo tờ Thời báo Nhật Bản, trong lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phải đối mặt với hai bài toán khó: sự tăng giá của đồng yên và sự suy giảm của lợi suất trái phiếu chính phủ.

Các phương án mà BOJ sử dụng để giải quyết các vấn đề này rất hạn chế, cả về mặt số lượng và tính hiệu quả, cũng như có thể sẽ mang lại các hiệu ứng phụ không mong muốn. 
Nếu Mỹ và Trung Quốc không chấm dứt được tình trạng căng thẳng thương mại hiện nay, đồng yen có thể sẽ tiếp tục tăng giá và đe dọa các nỗ lực của Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda nhằm đưa lạm phát trở lại mức bình thường.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm có thể sẽ giảm thấp hơn biên độ dao động mà BOJ đã ấn định, đặt ra bài toán khó cho ngân hàng trung ương này về việc kiểm soát lợi suất trái phiếu, đồng thời gây thiệt hại cho các ngân hàng thương mại. Hơn nữa, các ngân hàng này có thể phản ứng lại bằng cách giảm cho vay.

Ông Yuichi Kodama, chuyên gia kinh tế của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Meiji Yasuda có trụ sở ở Tokyo, nói: “Các diễn biến thị trường đang đặt ra các thách thức cực kỳ nghiêm trọng đối với BOJ.

Trong số các ngân hàng trung ương trên thế giới, BOJ có ít dư địa nhất để nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này giống như họ đang phải vắt một chiếc khăn khô để lấy nước”.
Trong khi đó, ông Hiromichi Shirakawa, chuyên gia kinh tế người Nhật Bản thuộc tập đoàn Credit Suisse Group, cho rằng BOJ có thể sẽ phải hành động mạnh tay để ngăn đà tăng giá của đồng yen, nhưng họ muốn chờ cho đến khi quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trở nên rõ ràng hơn trước khi hành động. Cơ hội để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ vào tháng Chín tới đang gia tăng nhanh chóng.
Tuy nhiên, ông Shirakawa hoài nghi về khả năng BOJ sẽ can thiệp để chặn đà giảm của lợi suất trái phiếu và nhận định lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm có thể sẽ giảm xuống khoảng -0,3%, nếu lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục giảm.
Thậm chí, ngay trước khi những bất ổn tài chính toàn cầu xảy ra, đa số những người theo dõi chính sách của BOJ cho rằng động thái chính sách sắp tới của ngân hàng trung ương này sẽ là bổ sung gói kích thích, chủ yếu do việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ làm đồng yen tăng giá, giảm lạm phát do giá hàng hóa nhập khẩu giảm và khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp đi xuống.
Hiện nay, nhiều người cho rằng Fed có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất một lần nữa. Một số nhà đầu tư dự báo Fed sẽ cắt giảm 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp sắp tới vào tháng Chín và cuộc họp đó kết thúc một ngày trước khi cuộc họp chính sách thường kỳ của BOJ diễn ra.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cũng sẽ bổ sung thêm gói kích thích và hạ lãi suất trong tháng tới.
BOJ có ít phương án lựa chọn hơn sau 6 năm thực hiện chính sách tiền tệ siêu lỏng và cho đến nay, vẫn chưa rõ liệu BOJ có thể ngăn đà tăng giá của đồng yen hoặc đà giảm của lợi tức trái phiếu hay không. 
Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ kêu gọi can thiệp vào thị trường tiền tệ, nhưng điều này chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng, chí ít từ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thời điểm Mỹ và Nhật Bản đang đàm phán về hiệp định thương mại song phương.

Một quan chức của Bộ Tài chính Nhật Bản cho hay Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường. Điều này cho thấy sự lo lắng gia tăng của Bộ này.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Mari Iwashita của Công ty Chứng khoán Daiwa có trụ sở ở Tokyo nhận định BOJ hiểu rằng ngân hàng này “bất lực” trong việc ngăn đà giảm của lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chừng nào đà giảm này vẫn bị tác động bởi môi trường bên ngoài, và BOJ có thể sẽ can thiệp chỉ khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức -0,25%.
Hôm 7/8, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đứng ở mức -0,2% sau khi chạm ngưỡng thấp nhấp trong vòng 3 năm qua (-0,21%) một ngày trước đó. BOJ đã ấn định biên độ dao động lợi suất trái phiếu trong khoảng -0,2% đến +0,2%. Thống đốc Kuroda đã nói rằng biên độ này không được coi là quá chặt. 
Hôm 6/8, đồng yen đã quay đầu giảm giá sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) nâng giá đồng NDT, làm dịu quan ngại về cuộc chiến tiền tệ. Trong ngày 7/8, đồng yen giao dịch ở trong khoảng 105,94 và 106,45 yen đổi 1 USD. Nhiều nhà kinh tế nhận định nếu đồng yen tăng giá lên mức 100 yen đổi 1 USD, BOJ sẽ buộc phải hành động.
Ông Akio Kato, Tổng Giám đốc phụ trách nghiên cứu chiến lược và đầu tư tại Công ty Quản lý Tài sản Mitsubishi UFJ Kokusai ở Tokyo, nhận định BOJ có thể quan ngại về sự tăng giá của đồng yen hơn sự suy giảm của lợi tức trái phiếu. BOJ có thể chấp nhận để lợi tức trái phiếu giảm còn -0,3% nhưng nếu tỷ giá của đồng yen lên mức 103 đến 104 yen đổi 1 USD, BOJ có thể sẽ buộc phải can thiệp.

Mặc dù vậy, các phương án can thiệp của BOJ sẽ hạn chế. Rất khó để Nhật Bản can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu hiện nay. BOJ có thể sẽ mua thêm cổ phiếu ở các quỹ giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán - một động thái nhằm hỗ trợ giá cổ phiếu và gián tiếp củng cố tâm lý về triển vọng kinh tế, từ đó hỗ trợ tỷ giá đồng USD so với đồng yen.
Theo ông Kato, một vấn đề xảy ra khi để lợi tức trái phiếu tiếp tục trượt dốc là thuyết lợi tức đảo ngược. Thuyết này cho rằng lãi suất cực kỳ thấp ở một thời điểm nào đó thực ra sẽ kìm hãm hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Đó sẽ là một vấn đề tiềm tàng mà Thống đốc Kuroda đã từng nêu ra trước đây, mặc dù tháng trước, ông đã nói rằng lãi suất không ở mức thấp đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục