"Phong vũ biểu" báo hiệu sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản

09:43' - 23/02/2024
BNEWS Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản vừa phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào 34 năm trước, đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/2 ở mức 39.098,68 điểm.

Đây là một cột mốc quan trọng trong sự phục hồi kinh tế của quốc gia Đông Á này, sau "nhiều thập kỷ mất mát" do sự kiện vỡ bong bóng dot-com vào đầu những năm 2000 và cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Theo đánh giá của tờ The Wall Street Journal (WSJ), dấu ấn mới nhất này của chỉ số Nikkei 225 được hỗ trợ bởi lực tác động từ các nhà đầu tư nước ngoài, nhờ sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ thống quản trị doanh nghiệp của Nhật Bản, giúp thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài, trong bối cảnh sức hấp dẫn từ thị trường Trung Quốc đang suy yếu.

Bắt đầu từ tháng 11/2023, chỉ số Nikkei 225 đã liên tục tăng mạnh, phản ánh sự lạc quan của các nhà đầu tư rằng Nhật Bản đã thoát khỏi vấn đề thị trường đi ngang hoặc đi xuống kéo dài.

Bên cạnh đó, làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) trỗi dậy trên toàn thế giới, trong đó có Nhật Bản, cũng đã góp phần nâng giá trị và tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ niêm yết của Nhật Bản. Các nhà phân tích nhận định sự bi quan về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc là lý do khiến các nhà đầu tư chuyển hướng dòng tiền sang Nhật Bản.

 

Chuyên gia Jonathan Garner, nhà chiến lược gia chuyên về thị trường châu Á tại ngân hàng Morgan Stanley, cho biết: “Tiền lương và lợi nhuận của Nhật Bản đang được cải thiện. Các công ty đang sử dụng tài sản của mình hiệu quả hơn. Điều đó đang diễn ra theo một vòng xoáy đi lên, khi nước này thoát khỏi tình trạng giảm phát. Trong khi đó đối với Trung Quốc, điều ngược lại đang xảy ra”.

Ông Garner đánh giá  sự đảo ngược tình trạng nền kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc “hiện đang gây ra một số sự tái phân bổ rất lớn trong danh mục đầu tư quốc tế”.

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản, các nhà đầu tư nước ngoài là những người mua ròng chứng khoán trong bảy tuần liên tiếp, tính đến ngày 17/2, trong đó tổng giá trị mua cao hơn giá trị bán khoảng 25,4 tỷ USD.

Tin tức về việc doanh số bán hàng của nhà sản xuất chip Nvidia (Mỹ) tăng hơn gấp ba lần trong quý IV/2023 cũng góp phần tạo đà đẩy chỉ số Nikkei 225 tăng điểm vào hôm 22/2.

Tokyo Electron - công ty sản xuất thiết bị bán dẫn nổi tiếng của Nhật Bản, đóng cửa phiên giao dịch 22/2 với giá trị cổ phiếu tăng 6% và tăng tổng cộng 45% trong cả năm 2023. Tập đoàn SoftBank - công ty đầu tư tài chính chuyên mảng công nghệ, ghi nhận giá cổ phiếu đóng cửa cao hơn 5,1% vào cuối ngày 22/2 và đã tăng 40% trong cả năm 2023 nhờ công ty con là Arm - một công ty thiết kế chip được coi là có khả năng hưởng lợi từ nhu cầu AI.

WSJ đánh giá cột mốc quan trọng vừa đạt được của chỉ số Nikkei 225 là lời nhắc nhở về việc thị trường có thể tồn tại trong tình trạng ảm đạm trong một quãng thời gian kéo dài bao lâu. Trong hơn 34 năm mà chỉ số Nikkei 225 phải trải qua để khôi phục lại mức cao kỷ lục, chỉ số chứng khoán công nghiệp Dow Jones của Mỹ  đã tăng từ 2.753,20 điểm vào cuối năm 1989, lên 38.612,24 điểm vào ngày 21/2, tức là cao gấp 14 lần.

Khoảng thời gian 34 năm là một chu kỳ ảm đạm dài nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán toàn cầu. Trước đây, chỉ số Dow Jones mất 25 năm mới phục hồi được về mức đỉnh điểm của năm 1929, thời điểm thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ.

Tính từ đầu năm 2024, chỉ số Nikkei đã tăng khoảng 17%, trong khi chỉ số chứng khoán Shanghai Composite của Trung Quốc gần như không thay đổi, bất chấp những nỗ lực của các cơ quan quản lý và chính phủ nhằm "xoa dịu" thị trường.

Sau khi bong bóng chứng khoán và bất động sản Nhật Bản vỡ vào đầu những năm 1990, nền kinh tế và thị trường chứng khoán Nhật Bản đã trải qua thời kỳ được gọi là “những thập kỷ mất mát”.

Tăng trưởng chậm chạp, dân số bắt đầu giảm vào những năm 2000 và nhiều nhà đầu tư nước ngoài tránh xa một thị trường được coi là lực cản với lợi ích của cổ đông. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, chỉ số Nikkei 225 đã có thời điểm giảm hơn 80% so với mức đỉnh.

Tình hình bắt đầu thay đổi vào cuối năm 2012, khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền. Chính sách của ông Abe đã hỗ trợ giá chứng khoán của nước này chuyển vào vùng dương và đẩy đồng yen xuống giá, đem lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản.

Sự trở lại của mức lạm phát bình thường hơn vào năm 2022 và sự ủng hộ của nhà đầu tư huyền thoại Mỹ, tỷ phú Warren Buffett, đối với chứng khoán Nhật Bản, kết hợp với những lo ngại về tương lai mong manh của nền kinh tế Trung Quốc, đã thúc đẩy một đợt phục hồi mạnh mẽ trên cơ sở kết quả trước đó của chính sách kinh tế thời Thủ tướng Abe.

Nền kinh tế Mỹ - nước đồng minh và là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nhật Bản, gần đây đã có được sự kết hợp đáng ngạc nhiên giữa giảm lạm phát và tăng trưởng vững chắc, giúp chỉ số chứng khoán Mỹ lập mức cao kỷ lục liên tục trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Thị trường chứng khoán Nhật Bản, vốn thường lấy tín hiệu từ Mỹ, cũng đã tăng theo.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn nhìn thấy những khó khăn phía trước. Chuyên gia Shingo Ide, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu tại Viện nghiên cứu NLI, cho biết: “Nếu các nhà đầu tư bắt đầu cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc, thì thị trường chứng khoán Mỹ sẽ giảm và giá trị đồng yen sẽ tăng nhanh. Thị trường chứng khoán Nhật Bản chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong trường hợp đó”.

Tương tự, chuyên gia Richard Katz, nhà kinh tế học chuyên về Nhật Bản, phân tích các công ty đang sử dụng tiền mặt dư thừa để mua lại cổ phiếu của chính mình và đẩy giá lên cao, nhưng họ không thể duy trì điều đó mãi. Chuyên gia Katz nhấn mạnh: “Tại một thời điểm nào đó, tất cả dòng tiền nóng từ nước ngoài đang chảy vào sẽ lại chảy ra ngoài”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục