PTC1 gấp rút kiểm tra hành lang tuyến, gia cố các vị trí xung yếu trước cơn bão Noru

09:03' - 27/09/2022
BNEWS Hiện các đội, tổ truyền tải đang kiểm tra hành lang các tuyến đường dây, trạm biến áp; từ đó xử lý, khắc phục triệt để các vị trí có cây cao nguy hiểm, mái tôn, nhà bạt, vật bay gần hành lang...

Nhằm chủ động ứng phó với bão Noru và mưa lớn, Công ty Truyền tải điện 1 (PTC1) cho biết, các đơn vị đang khẩn trương các công việc phòng chống cơn bão số 4 (bão Noru).

Cụ thể, hiện các đội, tổ truyền tải đang tiếp tục kiểm tra hành lang các tuyến đường dây, trạm biến áp; từ đó xử lý, khắc phục triệt để các vị trí có cây cao nguy hiểm, mái tôn, nhà bạt, vật bay gần hành lang, các vị trí pha-đất thấp... Đồng thời, kiểm tra các tủ điều khiển, bảo vệ ngoài trời, hộp nối không để mưa hắt gây chạm chập, đảm bảo không để xảy ra sự cố về hành lang, ngập úng, mưa hắt, ẩm xâm nhập.

Đối với các vị trí đường dây, trạm biến áp đã bị hư hỏng sạt lở, ngập úng đang khắc phục, các đội truyền tải cũng chằng néo, gia cố, phủ bạt, lái dòng chảy và bổ sung máy bơm chống úng… đảm bảo an toàn vận hành công trình đường dây 220 kV Mường Tè - Lai Châu; vị trí cột 115 đường dây 220 kV TĐ Tuyên Quang- Tuyên Quang; vị trí 845 đường dây 500 kV Đà Nẵng-Hà Tĩnh; trạm 500 kV Lai Châu, 500 kV Quảng Ninh; trạm 220kV Yên Bái, Phố Nối, Đồng Hòa, Đình Vũ, Hà Đông...

Đối với khu vực có khả năng bị chia cắt về giao thông trong thời gian bão, lũ, các đơn vị có phương án bố trí lực lượng chốt từ trước để đảm bảo có đủ lực lượng kiểm tra, theo dõi, nắm bắt tình hình vận hành của lưới điện truyền tải, ứng phó kịp thời các sự cố, bất thường.

Ngoài ra, liên hệ với các Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn để nắm được kế hoạch xả lũ của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện...để có phương án lường trước việc cất giữ, bảo quản tài sản và ứng phó (đặc biệt khu vực Hà Tĩnh, Nghệ An, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nội...)

Trong những ngày này, PTC1 đã triển khai phương án ứng phó đối với các điểm xung yếu; đối với các trạm biến áp trong khu vực bị ảnh hưởng yêu cầu thực hiện tái lập ca trực cho đến khi bão tan; kiểm tra hệ thống thông tín liên lạc đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống; tuyệt đối đảm bảo an toàn về con người khi thực hiện công việc trong điểu kiện mưa to, sạt lở đất đá….

Ngay sau các đợt mưa, bão, lũ dứt, các đơn vị chỉ đạo kiểm tra ngay các vị trí cây cao nguy hiểm, vật bay vị trí móng cột có nguy cơ sạt trượt, xung yếu, ngập úng… để kịp thời phát hiện, xử lý sẵn sàng chuẩn bị cho các đợt mưa, bão, lũ tiếp theo

Đối với đơn vị nằm trong vùng ảnh hưởng yêu cầu phân công trực ban liên tục 24/24h. Đảm bảo tốt ứng phó 4 tại chỗ, thông tin liên lạc, nắm bắt tình hình nhanh những bất thường trên lưới điện (nếu có) báo cáo về Công ty trước 11h00 hằng ngày và thực hiện các chế độ báo cáo, cập nhật số liệu vào Trang thông tin phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam: http://phongchongthientai.evn.com.vn) trước 7h00 và 14h30 hàng ngày.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng sớm ngày 26/9, bão NORU đã vượt qua khu vực phía Nam của đảo Luzon (Philippines), đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 04 năm 2022. Dự báo trong 48 đến 72 giờ tới, bão NORU di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung bộ. Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo, bão gây gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển giữa và Bắc Biển Đông./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục