PVD giành được nhiều hợp đồng khoan dầu khí trong quý II/2017

17:37' - 07/05/2017
BNEWS Theo PVD, sau khi kết thúc chiến dịch khoan cho Total Myanmar, giàn khoan PV DRILLING I đã nhận được hợp đồng khoan dầu khí cho Công ty Cửu Long JOC.
Giàn khoan I của PVD vừa hoàn thành chiến dịch khoan tại Myanmar. Ảnh: PVD
Hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý II/2017 của Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) đã có những khởi sắc khi 5/6 giàn khoan sở hữu của Tổng Công ty đã có việc làm.
Theo PVD, sau khi kết thúc chiến dịch khoan cho Total Myanmar, giàn khoan PV DRILLING I đã nhận được hợp đồng khoan dầu khí cho Công ty Cửu Long JOC.
Giàn khoan PV DRILLING II và PV DRILLING III, sau một thời gian dài không có việc đã chính thức tái gia nhập thị trường. Theo đó, giàn PV DRILLING II hiện đang khoan cho Murphy Oil và giàn PV DRILLING III đang cung cấp dịch vụ cho Côn Sơn. Giàn PV DRILLING VI hiện đang khoan cho dự án Hoàng Long Hoàn Vũ từ giữa tháng 3/2017. Giàn PV DRILLING 11 hiện nay vẫn đang làm việc cho khách hàng Sonatract tại Algeria.
PVD cho biết, nhờ sự khởi sắc của dịch vụ khoan dầu khí, đơn giá của các dịch vụ liên quan đến khoan như cung ứng nhân lực, kỹ thuật giếng khoan cũng được cải thiện.
Để hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh trong năm 2017, PVD đang nỗ lực tìm kiếm việc làm cho các giàn khoan và các dịch vụ kỹ thuật liên quan đến khoan. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tập trung thu hồi các khoản nợ quá hạn nhằm hạn chế việc trích lập dự phòng nợ phải thu quá hạn, đồng thời hoàn nhập được các khoản dự phòng nợ quá hạn đã trích trong năm 2016.
Ngoài ra, PV Drilling sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản trị tài chính, trong đó đặc biệt chú trọng cắt giảm mạnh chi phí vận hành giàn khoan, thúc đẩy các chương trình thay thế lao động nước ngoài bằng nguồn lực Việt Nam, tích cực đàm phán với các nhà cung cấp để giảm giá đầu vào, và tăng cường kiểm soát ngân sách.
Trong Quý I/2017, thị trường giàn khoan dư thừa tại khu vực Đông Nam Á đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của PVD, trong đó đơn giá cho thuê giàn khoan sụt giảm tới 60%. Khối lượng công việc và đơn giá các dịch vụ liên quan đến khoan khác cũng giảm khoảng 50% so với cùng kỳ. Vì thế, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của PVD, doanh nghiệp đã bị lỗ sau thuế hợp nhất là hơn 200 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục