Quan điểm trái chiều về miễn áp dụng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho vaccine ngừa COVID-19

06:30' - 17/05/2021
BNEWS Mỹ đã thay đổi chính sách với việc Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai tuyên bố chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ miễn áp dụng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho vaccine ngừa COVID-19.

Trong khi các nước châu Âu khá cởi mở với việc Pháp và Italy bày tỏ ủng hộ ý tưởng này, thì lập trường của Thụy Sỹ dường như không thay đổi nhiều khi cho rằng "sai lầm" nếu tin rằng việc tạm ngừng cấp bằng sáng chế sẽ nhanh chóng chuyển thành nguồn cung cấp vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ để ngỏ cho các cuộc thảo luận.

Trái ngược với quan điểm của Thụy Sỹ, các tổ chức quốc tế khác nhau tại Geneva, bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh vaccine GAVI (đồng lãnh đạo cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19 gọi là COVAX mà Thụy Sỹ hỗ trợ), đã hoan nghênh đề xuất này.

Tổ chức phi chính phủ y tế - Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF) - cho biết động thái này sẽ "tăng cường khả năng tiếp cận kịp thời và đầy đủ đối với các công cụ y tế cứu sinh này khi dịch COVID-19 tiếp tục tàn phá các quốc gia trên toàn cầu".

Ấn Độ và New Zealand đã nhanh chóng hoan nghênh sau tuyên bố của chính quyền Tổng thống Biden. New Zealand ủng hộ việc miễn áp dụng sở hữu trí tuệ đối với vaccine và coi đây là một phần quan trọng của các nỗ lực chung nhằm ứng phó với đại dịch. 

Các quy tắc sở hữu trí tuệ về cơ bản mang lại cho các công ty độc quyền sản xuất thuốc, xét nghiệm và các công nghệ. Tuy nhiên, trên thực tế là ngăn cản các quốc gia cho phép các nhà sản xuất và chế tạo khác xuất khẩu vắc-xin sang một nước khác mà không chịu rủi ro pháp lý.

Thụy Sỹ đã phản ứng một cách thận trọng trước quyết định của Mỹ về việc đình chỉ bằng sáng chế đối với vắc xin COVID-19, cho rằng việc từ bỏ không phải là cách tốt nhất để đạt được nguồn cung toàn cầu tốt hơn.

Tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có trụ sở tại Geneva hồi tháng 10/2020, Ấn Độ và Nam Phi đã đề xuất miễn áp dụng bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với vaccine, để tăng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu. 

Một ý tưởng như vậy lần đầu tiên được đề xuất tại WTO 7 tháng trước và đề xuất này gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà sản xuất dược phẩm vì cho rằng đề xuất này không có hiệu quả như mong muốn. Đề xuất này cũng gặp phải sự phản đối mạnh của Chính quyền cựu Tổng thống D. Trump. EU và Vương quốc Anh cũng đã phản đối.

Mỹ, cùng với một số quốc gia giàu có khác có ngành công nghiệp dược phẩm lớn - bao gồm Thụy Sỹ - là những đối thủ chính đối với đề xuất của Ấn Độ và Nam Phi về việc từ bỏ các phần của Hiệp định WTO về các khía cạnh liên quan đến thương mại của Sở hữu trí tuệ (TRIPS).

WTO yêu cầu sự đồng thuận để một đề xuất được thông qua, có nghĩa là các quốc gia riêng lẻ có quyền phủ quyết và tất cả 164 quốc gia thành viên phải đồng ý. Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng cho rằng tuyên bố của Mỹ có một giá trị biểu tượng không thể bỏ qua.

Mỹ sẽ ủng hộ việc từ bỏ tạm thời các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 và sẽ làm việc với WTO để “biến điều đó thành hiện thực”. Với nỗ lực nhằm giảm khoảng cách tiếp cận vaccine giữa các quốc gia giàu và nghèo, áp lực đang tăng lên đối với các quốc gia miễn cưỡng - bao gồm cả Thụy Sỹ - phải làm theo. 

Các công ty Thụy Sỹ chưa phát triển vaccine ngừa COVID-19 và do đó không có bằng sáng chế như vậy - đề xuất miễn trừ không ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Tuy nhiên, nếu việc miễn trừ bao gồm chẩn đoán hoặc điều trị, nó có thể ảnh hưởng đến các công ty Thụy Sỹ như Roche - một công ty chủ chốt trong việc phát triển các xét nghiệp COVID-19. Roche đã hợp tác với Regeneron để giúp phát triển loại "cocktail kháng thể" của công ty có trụ sở tại Mỹ đã cho thấy có hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19.

Các nhóm công nghiệp cũng không vui mừng về quyết định của Mỹ. Liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế (IFPMA), có trụ sở tại Geneva, cho biết điều đó thật “đáng thất vọng” và việc từ bỏ là câu trả lời “đơn giản nhưng sai lầm” cho một vấn đề phức tạp. 

Hiệp hội không đồng ý với những lập luận cho rằng bằng sáng chế cản trở việc tăng sản lượng. Thay vào đó, họ coi các rào cản thương mại, tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và khan hiếm nguyên liệu thô cũng như việc các nước không sẵn sàng chia sẻ liều lượng là những rào cản chính.

Hơn 200 thỏa thuận chuyển giao công nghệ đã được ký kết với các nhà sản xuất, được IFPMA coi là niềm tin vào hệ thống sở hữu trí tuệ. Các công ty dược phẩm luôn lập luận rằng một hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh là cần thiết để đổi mới, nhưng nó cũng mang lại cho các công ty độc quyền đối với chúng. 

Họ lo lắng về tiền lệ cho một động thái như vậy sẽ được thiết lập. Ngành công nghiệp này lập luận rằng phải mất hàng thập kỷ và hàng triệu tiền vốn đầu tư để phát triển các loại vaccine cũng như phương pháp điều trị tiên tiến. Liệu có nên đầu tư tiền vào các dự án nghiên cứu rủi ro trong tương lai nếu bằng sáng chế sau đó bị thu hồi khi thành công.

Theo Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo- Iweala, vấn đề tiếp cận với vaccine, chẩn đoán và điều trị COVID-19 vừa là vấn đề đạo đức và vừa là vấn đề kinh tế của thời đại chúng ta. Các thành viên WTO cần phải hành động trên 4 mặt trận:

Thứ nhất, các thành viên nên chia sẻ vaccine, những nước đã đặt hàng nhiều hơn mức họ thực sự cần nên chia sẻ với những nước khác, thông qua cơ chế COVAX hoặc các cơ chế khác. Những nước có nguyên liệu thô nên cho phép những thứ này lưu chuyển qua chuỗi cung ứng để tất cả những cơ sở có thể sản xuất đều có thể tận dụng lợi thế này. 

Thứ hai, cần xem xét giảm các hạn chế và cấm xuất khẩu cũng như các thủ tục quan liêu và thủ tục hải quan có thể tác động đến chuỗi cung ứng liên quan đến việc sản xuất các sản phẩm để chống COVID-19. Cần lưu ý đến vấn đề cho phép chuỗi cung ứng hoạt động.

Nếu không, cho dù chúng ta có năng lực gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn sẽ không thể sản xuất những thứ cần thiết. Hiện số lượng các lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu đã giảm từ 109 xuống 51 nhưng chúng ta cần tiếp tục giảm bớt nữa.

Thứ ba, cần làm việc với các nhà sản xuất để giúp họ huy động năng lực hiện có đang nhàn rỗi để sản xuất. Cần huy động năng lực hiện có để có thể cho phép sản xuất lượng vắc-xin mà chúng ta có thể cần từ 5 tỷ liều được sản xuất trên thế giới hiện nay lên 10,8 tỷ liều được dự báo cho năm nay lên 15 tỷ liệu, đặc biệt nếu chúng ta cần liều tăng cường.

Thứ tư, các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Brazil, Cuba, những nước có vaccine đang được phát triển hoặc đã chia sẻ vaccine của họ với những người khác, nên xem xét các cách tăng cường nguồn cung để chúng ta có thể tăng khối lượng vắc xin trên thế giới.

Những người cần có Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp từ WHO để có thể tiếp cận với vaccine nên sớm làm như vậy. Văn bản đề xuất miễn trừ TRIPS phải nhanh chóng đưa ra cho các Thành viên thương lượng để tìm ra một hướng đi thực tế, có thể chấp nhận được đối với tất cả các bên nhằm xử lý vấn đề tiếp cận vắc xin, đồng thời xem xét nghiên cứu và đổi mới và cách bảo vệ chúng. 

Người phát ngôn của WTO, Keith Rockwell, cho biết một hội đồng về sở hữu trí tuệ tại cơ quan này dự kiến sẽ tiếp nhận lại đề xuất miễn trừ tại một cuộc họp “dự kiến” vào cuối tháng này, trước khi cuộc họp chính thức vào ngày 8-9/6 tới. Điều đó có nghĩa là cũng phải nhiều tuần nữa mới có thể có bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục