Quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp: Nhận thức là yếu tố quan trọng

11:31' - 23/11/2018
BNEWS Chỉ khi nào người dân hiểu rằng phải tự chịu trách nhiệm với các hành vi của mình thì khi đó mới có sự chuyển biến về nhận thức và bán hàng đa cấp bất chính mới không có đất phát triển.

Thời gian gần đây, Bộ Công Thương liên tục đưa ra cảnh báo đối với các doanh nghiệp trước hàng loạt hiện tượng kinh doanh đa cấp đã lợi dụng và trục lợi bất chính, gây mất lòng tin người tiêu dùng thông qua mạng Internet.

Để tránh những rủi ro về vật chất và pháp lý có thể xảy ra, Bộ Công Thương khuyến cáo người dân và doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ thông tin, cân nhắc việc tham gia hoạt động đầu tư, huy động vốn theo hình thức đa cấp trái phép.

* Trục lợi bất chính

Những vụ án lừa đảo dưới hình thức kinh doanh đa cấp thường để lại những hậu quả nặng nề bởi số lượng người tham gia rất lớn. Ảnh minh họa

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, nếu như ở nước ngoài, nhất là các nước phát triển, mục đích của kinh doanh đa cấp là tiết kiệm thời gian và chi phí quảng cáo trong việc đưa các sản phẩm có chất lượng từ nhà sản xuất tới tay người tiêu dùng thì ở một số doanh nghiệp đa cấp tại Việt Nam, chất lượng hàng hóa lại không được chú trọng. Giá trị sản phẩm bị nâng khống lên rất nhiều, không đúng với giá trị mà người mua bỏ ra.

Bằng cách kinh doanh trục lợi này đã khiến cho người dân và cụ thể là các nhà phân phối, đại lý, người môi giới… tin rằng, lợi nhuận không thực sự xuất phát từ việc giới thiệu và bán sản phẩm mà từ việc tuyển mộ các thành viên mới. Càng khuếch trương, càng đông đảo người tham gia thì việc hưởng hoa hồng sẽ càng cao.

Đáng chú ý, những vụ án lừa đảo dưới hình thức kinh doanh đa cấp thường để lại những hậu quả nặng nề bởi số lượng người tham gia rất lớn tại nhiều địa phương trong cả nước.

Đặc biệt, mới đây còn xuất hiện nhiều trường hợp tự đăng tải trên mạng Internet tên công ty và giới thiệu hoạt động của đơn vị rất hấp dẫn, nhưng thực tế lại không như vậy.

Ông Trịnh Anh Tuấn đưa ra dẫn chứng cụ thể về việc thời gian qua trên mạng Internet đăng tải các nội dung giới thiệu một tổ chức, công ty có tên dự án Hoàng Gia cung cấp giải pháp hỗ trợ tiêu dùng cho cộng đồng, vừa tiết kiệm chi phí sinh hoạt vừa gia tăng thu nhập với rất nhiều tiện ích.

Tuy nhiên, ông Trịnh Anh Tuấn khẳng định: Đến nay vẫn chưa có đơn vị, tổ chức nào có tên là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại dự án Hoàng Gia hay Công ty cổ phần Tập đoàn dự án Hoàng Gia được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo Điều 217a Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017, người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà chưa có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thể bị xử lý hình sự vì vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Không dừng lại ở các vụ lừa đảo trong nước, nhiều doanh nghiệp khi hợp tác làm ăn với đối tác nước ngoài cũng gặp phải không ít rủi ro.

Chẳng hạn mới đây Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan tiếp tục nhận được đề nghị của doanh nghiệp Việt Nam nhờ kiểm tra trước và sau khi tiến hành giao dịch kinh doanh.

Theo đó, một số trường hợp đã trả trước 30%, nhưng sau đó không thể liên hệ được, điện thoại thường ở chế độ voice mail hoặc không sử dụng nữa, hầu hết là số điện thoại di động hoặc cũng có trường hợp là số cố định, song không gọi được.

Sau khi tra cứu, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan nhận thấy các doanh nghiệp này có địa chỉ, thường là công ty 1 người, có đăng ký kinh doanh, nhưng không tương thích giữa website với thực tế công ty đăng ký.

Thậm chí có trường hợp Thương vụ gọi vào số điện thoại nhiều lần, nhưng không có ai trả lời hoặc không gọi lại, địa chỉ email bị trả lại do đã không sử dụng.

Cùng chung cảnh ngộ này, không ít doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra e ngại bởi khách hàng ở châu Phi nói chung và Nam Phi nói riêng thường đề nghị thanh toán theo hình thức trả tiền bằng điện (TT) hoặc giao tiền sẽ giao chứng từ (D/P) trả chậm, giao tại cảng đến và không mở thư tín dụng (L/C).

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi, Bộ Công Thương cũng như Thương vụ Việt Nam tại các nước khu vực châu Phi đã nhiều lần hỗ trợ xử lý các vụ lừa đảo trong mua bán với các đối tác qua mạng Internet.

Thương vụ cũng liên tiếp đưa ra những cảnh báo về hiện tượng lừa đảo thương mại trên mạng và nêu đích danh các tổ chức, cá nhân lừa đảo ở khu vực này. Tuy nhiên, do tâm lý chủ quan, hám lợi, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế nên vẫn có một số doanh nghiệp Việt Nam bị lừa mất tiền.

* Nhận thức là yếu tố quan trọng

Đưa ra lời khuyên với doanh nghiệp và người tiêu dùng, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, trước khi quyết định hợp tác kinh doanh hoặc mua hàng qua mạng Internet, người tiêu dùng cần lựa chọn trang thương mại điện tử.

Hoặc lựa chọn tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng để giao dịch.

Cùng với đó, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận.

Ông Lê Đức Anh cũng khuyến cáo doanh nghiệp và người tiêu dùng cần cảnh giác với những trang web hoặc tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo sản phẩm, dịch vụ với giá thấp hoặc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình; đồng thời phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm và dịch vụ trước khi mua.

Riêng với các đối tác nước ngoài, các Thương vụ cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam hết sức cảnh giác trong giao dịch với những công ty mới quen biết, lấy địa chỉ trên Internet hoặc chưa giao dịch làm ăn với nhau.

Trước khi tiến hành các cam kết làm ăn hoặc chuyển tiền trả trước cho các doanh nghiệp này nên liên hệ với Thương vụ để tham vấn cũng như tìm hiểu về sự tồn tại và tính hợp pháp của đối tác.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, bán hàng đa cấp được luật pháp nhiều nước công nhận và đã ban hành luật để quản lý, nghiêm cấm các hành vi tuyển dụng và bán hàng không công bằng hay lừa đảo; nghiêm cấm mô hình kinh doanh kim tự tháp, các hành vi đề cập tới thu nhập không có chứng cứ…

Để siết chặt vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với nhiều điều khoản.

Theo đó, Nghị định bổ sung nhiều điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp như: Yêu cầu các doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.

Ngoài ra, phải có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

Mặt khác, Nghị định cũng có nhiều quy định hướng hoạt động bán hàng đa cấp đi vào đúng bản chất là một hình thức phân phối hàng hóa, không bị lợi dụng để thực hiện hoạt động huy động tài chính trái phép.

Đặc biệt, yêu cầu doanh nghiệp tham gia bán hàng đa cấp phải xuất hóa đơn theo từng giao dịch bán hàng cho từng người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp và khách hàng mua hàng trực tiếp từ doanh nghiệp.

Đồng thời phải thanh toán cho người tham gia bán hàng đa cấp bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng đối với tiền hoa hồng và tiền thưởng.

Riêng với doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại các địa phương phải nộp hồ sơ đăng ký và phải được Sở Công Thương tại các địa phương đồng ý xác nhận đăng ký hoạt động tại chính địa bàn đó.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng: Vấn đề cốt lõi ở đây là ý thức của người tham gia bán hàng đa cấp và cách nhìn của cộng đồng.

Vì vậy, nếu là người bán hàng đa cấp thực sự, khi có chuyện xảy ra pháp luật và cộng đồng sẽ bảo vệ. Nhưng nếu tham gia các thỏa thuận dân sự khác, không phải là bán hàng đa cấp thì khi có chuyện xảy ra phải tự mình xử lý hoặc theo các luật có liên quan.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, chỉ khi nào người dân hiểu rằng phải tự chịu trách nhiệm với các hành vi của mình thì khi đó mới có sự chuyển biến về nhận thức và bán hàng đa cấp bất chính mới không có đất phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục