Quản lý, vận hành lưới điện truyền tải - Bài cuối: Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ

13:14' - 19/03/2021
BNEWS Theo EVNNPT, việc từng bước ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải là rất cần thiết để giảm khối lượng kiểm tra giám sát và giảm định mức lao động.

Ông Nguyễn Phúc An, Giám đốc Công ty Truyền tải Điện 1 (PTC1) cho biết, trong những năm qua, Công ty liên tục vận hành trong tình trạng thiếu lao động từ 4-5% tổng số lao động theo định biên, tạo nên áp lực rất lớn đối với người lao động và người sử dụng trong quá trình quản lý vận hành.

Cụ thể, đối với định biên lao động trực tiếp như các trạm biến áp (TBA) mới đóng điện vận hành thì rất khó để thực hiện không người trực ngay, thường chậm vài tháng, dẫn đến vẫn phải bố trí lực lượng lao động tại trạm để xử lý các công việc cần thiết theo yêu cầu như 1 trạm có người trực dẫn đến việc lập kế hoạch về bố trí và sắp xếp lao động của Công ty gặp nhiều khó khăn. Công ty không chủ động được thời gian đào tạo để chuyển đổi chức danh công việc. 

Trong khi đó, định biên lao động gián tiếp chưa dựa trên khối lượng quản lý và địa bàn quản lý nên lực lượng gián tiếp tại các Truyền tải điện khu vực hiện nay mỏng và nếu kéo dài sẽ không đáp ứng được yêu cầu sản xuất.

Trên thực tế, PTC1 và các Truyền tải điện phải quản lý vận hành lưới điện trải qua 27 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Theo quy định của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) về công tác chuẩn bị sản xuất trạm có người trực thời gian chuẩn bị  là 5-6 tháng, Trung tâm vận hành và Tổ Thao tác lưu động thời gian chuẩn bị sản xuất là 1,5-4 tháng.

Tuy nhiên, trên thực tế Công ty không được duyệt lực lượng lao động để chuẩn bị cho sản xuất. 

Đây là thời gian cần thiết để nắm bắt thiết bị và đào tạo thi các chứng nhận vận hành của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc (A1) cũng như thi chức danh trưởng kíp vận hành. 

Hiện nay tại các TBA thao tác xa vẫn thường xuyên phải tái lập kíp trực khi sửa chữa khiếm khuyết, thí nghiệm điều khiển liên quan đến mạch nhị thứ, hệ thống viễn thông, máy tính điều khiển hoặc khi có bão lũ nên PTC1 cũng đề nghị EVNNPT xem xét kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng định biên cho các Tổ Thao tác lưu động từ 5 người lên 6 người để đảm bảo khi có tái lập kíp trực sẽ đủ 3 kíp trực và dự phòng cho các trường hợp xử lý sự cố, đặc biệt là các Tổ Thao tác lưu động tại các địa bàn xa.

PTC1 cũng đề nghị EVNNPT xem xét kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, tăng mức phạt đối với trường hợp người dân thả diều, vật bay gây sự cố cho đường dây để có sức răn đe hơn, xử phạt theo mức độ thiệt hại hoặc theo cấp điện áp, đặc biệt với lưới điện 500kV. 

Giải đáp các kiến nghị của PTC1 cũng như các đơn vị trong Công ty tại các buổi làm việc mới đây, ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch HĐTV EVNNPT cho rằng ngay trong quý 2 tới, Tổng công ty sẽ khẩn trương ban hành các quy định về định mức, chỉ tiêu mua sắm trang thiết bị như máy soi phát nhiệt, thiết bị đo, tiếp địa... và bổ sung phù hợp cho các Truyền tải điện để các đơn vị đáp ứng được yêu cầu vận hành an toàn. 

Đối với lao động trực tiếp, gián tiếp, vấn đề định biên EVN đã định, Tổng công ty đang tối ưu hóa bằng giải pháp tự điều hòa, chỉ ưu tiên cho khối lao động trực tiếp do khối lao động gián tiếp đang vượt quá định biên. 

Riêng đối với các TBA có tính cung cấp điện cao sẽ tăng cường đào tạo và bổ sung lao động trực tiếp. Đặc biệt theo ông Tùng, việc ứng dụng khoa học công nghệ sẽ được tính toán cụ thể với từng đội đường dây khi luân chuyển và bổ sung lao động.

Sau khi PTC1 đưa Trung tâm giám sát vận hành từ xa vào hoạt động (dự kiến trong năm 2022), theo Chủ tịch HĐTV EVNNPT, những trạm nào thiết bị vận hành ổn định và an toàn, Tổng công ty sẽ tính toán số người trực cho phù hợp. Do vậy ngay từ bây giờ, PTC1 cần chuẩn bị ngay lực lượng vận hành các Tổ Thao tác lưu động.

Còn theo ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT, hiện 4 Công ty Truyền tải điện đang thí điểm không trực 3 ca 5 kíp tại các Tổ Thao tác lưu động ở các TBA. 

Việc tiến tới không đi ca, đi kíp mới cởi trói được việc trực ca tại các TBA và đây sẽ là xu hướng của các Truyền tải điện khi đã giám sát được các TBA. Sau này đây sẽ là lực lượng tăng cường kiểm tra, giám sát, thí nghiệm định kỳ, thực hiện đầu tư... tại các trạm.

Lãnh đạo EVNNPT cũng khẳng định hiện nay việc từng bước ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải là rất cần thiết để giảm khối lượng kiểm tra giám sát và giảm định mức lao động. 

Tuy nhiên khâu mấu chốt vẫn phải là con người khi ứng dụng để đảm bảo chất lượng và an toàn. Người công nhân cần có kỹ năng về công nghệ để áp dụng. Do vậy các Công ty Truyền tải điện cần tăng cường đào tạo cho người lao động trong các Truyền tải điện để ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý vận hành.

Việc ứng dụng các giải pháp của Truyền tải điện Đông Bắc 3 nói riêng và PTC1 nói chung trong việc giảm sự cố do sét, theo nhận xét của Chủ tịch HĐTV EVNNPT là rất hiệu quả, bởi sự cố ít đi trong khi mật độ giông sét lại tăng so với các khu vực khác. 

Riêng đoạn Cao Bằng-Bắc Kạn PTC1 đang thuê chuyên gia nước ngoài đánh giá về sét. Do vậy theo ông Tùng có thể đánh giá lại để triển khai áp dụng trong toàn Tổng công ty. Bởi đây sẽ là mô hình của EVNNPT trong việc giảm sự cố trong quản lý, vận hành đường dây.

“Các Truyền tải điện khẩn trương triển khai ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào quản lý, vận hành là chủ trương của EVNNPT nói riêng và EVN nói chung trong giai đoạn này”, Chủ tịch HĐTV Nguyễn Tuấn Tùng nhấn mạnh./.

Xem thêm:

>> Quản lý, vận hành lưới điện truyền tải - Bài 2: ... đến quá trình vận hành

>> Quản lý, vận hành lưới điện truyền tải - Bài 3: Mục tiêu hàng đầu vẫn là an toàn

>> Quản lý, vận hành lưới điện truyền tải - Bài 1: Khó từ địa bàn rộng


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục