Quảng Ninh sẵn sàng để trở thành thành phố thông minh

11:30' - 03/09/2018
BNEWS Với vai trò là một trong những tỉnh triển khai thành công xây dựng Chính quyền điện tử, tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai xây dựng thành phố thông minh.
Một góc Quảng Ninh. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh sẽ tập trung tối đa để triển khai 9 dự án thành phần thuộc đề án xây dựng thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020, dự kiến hoàn thành trong các năm 2018, 2019.

Quảng Ninh hiện đã triển khai xây dựng thành phố thông minh với việc xây dựng chính quyền điện tử bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan hành chính nhà nước.

Chẳng hạn như hệ thống thư điện tử (@quangninh.gov.vn) được triển khai đồng bộ tại 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện và hầu hết UBND cấp xã, là công cụ trao đổi thông tin giữa các đơn vị, cũng như cán bộ, công chức thông suốt, an toàn, hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.

Đến nay, hơn 12.000 hộp thư điện tử công vụ đã được cấp cho các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt, hệ thống đã phát huy hiệu quả trong việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, tiết kiệm thời gian, chi phí hành chính, nâng cao hiệu quả trong công việc.

Trong lĩnh vực du lịch, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý Vịnh Hạ Long đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc quản trị, điều hành, đảm bảo an toàn thông tin, góp phần tạo sự ấn tượng, hài lòng đối với du khách. Bắt đầu từ năm 2017, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã thực hiện lắp đặt, triển khai hệ thống truyền tải dữ liệu viba và sửa chữa nâng cấp hệ thống camera tại trụ sở Ban và các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long.

Cùng với đó, hệ thống viba cũng đã được triển khai lắp đặt thí điểm tại 3 khu vực: Tuần Châu, động Thiên Cung, đỉnh núi Bài Thơ để phát wifi miễn phí cho du khách, đảm bảo đường truyền dữ liệu về cho bộ phận giám sát.

Việc nâng cấp hệ thống GPS cũng được chú trọng triển khai lắp đặt ở tất cả các tàu thuyền trên vịnh. Thông qua hệ thống GPS giúp cho Cảng vụ đường thủy nội địa và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long theo dõi được lộ trình của tàu, điểm đỗ, đón trả khách, nắm bắt được thông tin, lượng khách trên tàu, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn…

Ông Đặng Sỹ Nguyên, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh xác định một số giải pháp trọng tâm nhằm phát huy những kết quả đã đạt được. Đồng thời, chủ động nắm bắt các cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng Chính quyền điện tử. Từ đó, hình thành nên một chính quyền kiến tạo, liêm chính với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải cách quản lý hành chính công bằng việc sử dụng công nghệ số, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn nữa.

Cụ thể, tỉnh chỉ đạo và hỗ trợ các chương trình, kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông ở tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị và người dân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm giải pháp đột phá có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện các mục tiêu xây dựng thành phố thông minh. Theo đó, trọng tâm là tuyển dụng nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, kết hợp với đào tạo bổ sung, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện có.

Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường giao dịch trực tuyến, kết nối liên thông, đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu; xây dựng các cơ sở giữ liệu chuyên ngành, kho tài nguyên số để có thể chia sẻ và tích hợp phục vụ quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp và người dân.

Tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để triển khai đồng bộ và hiệu quả công cuộc chuyển đổi số gắn liền với việc đẩy mạnh ứng dụng. Ngoài ra, khai thác có hiệu quả kho dữ liệu số được xây dựng làm nền tảng xây dựng thành phố thông minh.

Song song với đó, Quảng Ninh cũng lựa chọn được đơn vị đối tác chiến lược, lâu dài, có đủ năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực đồng hành cùng tỉnh trong suốt quá trình triển khai thực hiện và quản trị, duy trì, nâng cấp hệ thống liên tục theo sự phát triển của chính quyền điện tử.

Theo ông Nguyễn Đức Long, thời gian qua, các lĩnh vực như cải cách hành chính, giao thông, y tế, du lịch, an ninh trật tự, giáo dục, môi trường... đã có những chuyển biến tích cực, đây là một trong những tiền đề quan trọng để xây dựng Quảng Ninh trở thành thành phố thông minh, hiện đại trong tương lai.

“Chúng tôi hy vọng luôn nhận được sự chung tay, hỗ trợ, hợp tác của các bộ ngành Trung ương, các nhà đầu tư, các đơn vị đối tác và cộng đồng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam trong việc xây dựng chính quyền số và thành phố thông minh cũng như tiếp cận các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh nhanh, bền vững. Đồng thời, xây dựng Quảng Ninh trở thành nơi cần đến và đáng sống”, ông Nguyễn Đức Long nói./.

>>> Cần có quy chuẩn cụ thể trong xây dựng đô thị thông minh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục