Quy định thế nào về chuyển tiếp chủ đầu tư công trình?

06:40' - 23/06/2021
BNEWS Ông Trần Văn Đức (Hà Nội) hỏi, pháp luật về xây dựng có quy định cụ thể việc chuyển tiếp chủ đầu tư đối với các công trình sửa chữa định kỳ nói riêng và các công trình khác nói chung hay không?
Đến nay hình thức ủy thác quản lý dự án không còn cơ sở để thực hiện, áp dụng trong quản lý dự án của chủ đầu tư có đúng không?

Đối với trường hợp thực hiện quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình có yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng thì không yêu cầu giám đốc quản lý dự án phải có đủ điều kiện năng lực khi thành lập ban quản lý một dự án hoặc chủ đầu tư tự thực hiện quản lý dự án, hiểu như vậy có đúng không?

Ông Đức cũng muốn biết, công chức được điều động làm việc có thời hạn tại ban quản lý một dự án thì có cần chứng chỉ hành nghề phù hợp với nhóm dự án hay không?

Bộ Giao thông vận tải quyết định giao Ban quản lý dự án đường sắt (trực thuộc Bộ) làm chủ đầu tư đối với các công trình sửa chữa định kỳ. Cục Đường sắt Việt Nam sẽ có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải chấp thuận giao cho Ban quản lý dự án đường sắt làm đại diện chủ đầu tư, chủ đầu tư vẫn là Cục Đường sắt Việt Nam.

Ông Đức hỏi, việc lựa chọn hình thức quản lý trong trường hợp nêu trên có phù hợp với quy định pháp luật hay không? Nếu chưa phù hợp thì cần bổ sung, nghiên cứu văn bản hướng dẫn nào?

Về chứng chỉ hành nghề: Ông hỏi, chuyên ngành thông tin, tín hiệu đường sắt thuộc đối tượng cần phải cấp chứng chỉ hành nghề tại Điểm b Khoản 3, Khoản 4 Điều 67 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP hay là đối tượng không yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Khoản 3 Điều 62, Khoản 3 Điều 83 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP?

Về thẩm quyền điều chỉnh thiết kế, dự toán: Trong quá trình làm việc với đơn vị kiểm toán Nhà nước đối với 2 công trình sửa chữa định kỳ đường sắt sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã thi công xong trong năm 2019 và nộp hồ sơ quyết toán dự án hoàn thành năm 2020, ông Đức đã bảo vệ quan điểm là việc điều chỉnh thiết kế, dự toán đối với 2 công trình thuộc thẩm quyền của Cục Đường sắt Việt Nam. Do việc điều chỉnh quy mô thiết kế ban đầu và khối lượng sau điều chỉnh vượt giá gói thầu được phê duyệt nên căn cứ theo Điểm a Khoản 2 Điều 37 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP thì chủ đầu tư phải trình hồ sơ thiết kế điều chỉnh và dự toán người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định (trường hợp này là Cục Đường sắt Việt Nam).

Ông Đức hỏi, quan điểm như nêu trên có đúng không?

Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:

Việc xác định chủ đầu tư tại một thời điểm cụ thể được thực hiện theo quyết định của người quyết định đầu tư.

Thẩm quyền của chủ đầu tư trong việc thanh toán, tạm ứng, quyết toán và nghiệm thu theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan.

Không còn quy định hình thức ủy thác quản lý dự án

Về hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng, Khoản 1 Điều 62 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 19 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 quy định:

“1. Căn cứ quy mô, tính chất, nguồn vốn sử dụng và điều kiện thực hiện dự án đầu tư xây dựng, người quyết định đầu tư quyết định áp dụng một trong các hình thức tổ chức quản lý dự án sau:

a) Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực;

b) Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án;

c) Chủ đầu tư sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc;

d) Tổ chức tư vấn quản lý dự án”.

Theo quy định của pháp luật về xây dựng hiện nay thì không có hình thức ủy thác quản lý dự án.

Đối với hình thức chủ đầu tư tổ chức thực hiện quản lý dự án với dự án có quy mô lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng thì giám đốc quản lý dự án không phải đáp ứng yêu cầu về năng lực theo quy định tại Điều 73 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, giám đốc ban quản lý dự án và các cá nhân phụ trách các lĩnh vực chuyên môn thuộc ban quản lý dự án đầu tư xây dựng một dự án phải có đủ năng lực và chứng chỉ hành nghề theo quy định.

Việc người quyết định đầu tư giao ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực làm chủ đầu tư đồng thời quản lý dự án là phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng.

Các lĩnh vực phải có chứng chỉ hành nghề

Về các lĩnh vực phải có chứng chỉ hành nghề, Khoản 1 Điều 62 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định:

“Điều 62. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

1. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là chứng chỉ hành nghề) được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập quy định tại Khoản 3 Điều 148 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 53 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.

Các lĩnh vực, phạm vi hoạt động xây dựng của chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định tại Phụ lục VI Nghị định này. Các hoạt động tư vấn liên quan đến kiến trúc, phòng cháy chữa cháy thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc và phòng cháy chữa cháy”.

Về điều chỉnh thiết kế, dự toán; đối với công trình không thuộc phạm vi áp dụng của Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 19 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14, việc điều chỉnh thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục