Quy hoạch và danh mục hệ thống quy chuẩn xây dựng

13:17' - 09/05/2019
BNEWS Ngày 9/5, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo về quy hoạch danh mục hệ thống quy chuẩn xây dựng.
Hội thảo về quy hoạch danh mục hệ thống quy chuẩn xây dựng. Tác giả: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Theo Bộ Xây dựng, các quy chuẩn xây dựng hiện nay đã đáp ứng phần lớn yêu cầu quản lý nhà nước trong xây dựng, góp phần tạo ra các công trình và sản phẩm xây dựng an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hệ thống quy chuẩn xây dựng hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập trong định hướng quy hoạch hệ thống, mô hình quản lý hệ thống, quy trình tổ chức thực hiện, khả năng hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, các chính sách điều tiết về các hoạt động quy chuẩn chưa thực sự phù hợp để tạo thế chủ động cho các cơ quan quản lý nhà nước công trình xây dựng chuyên ngành trong việc quản lý, biên soạn hệ thống tài liệu kỹ thuật chuyên ngành của mình.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, đối tượng điều chỉnh là vật thể, sản phẩm tức là đồ án quy hoạch, công trình, vật liệu. Quy chuẩn của Bộ ngành cần phải gắn kết, nên sắp xếp lại. Các địa phương thì không cần thiết ban hành quy chuẩn riêng nhưng đối với Hà Nội lại rất cần quản lý về nội đô chiều cao công trình. Do đó, nên ban hành quy chế quản lý phát triển đô thị riêng phù hợp cho từng khu phố và quy hoạch chung của thành phố.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng nhận xét, chủ yếu quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật là quy định bắt buộc phải đảm bảo an ninh, an toàn vệ sinh. Ba nguyên nhân bộ quy chuẩn hiện nay rất khó áp dụng vì cách đưa quy định trong quy chuẩn quá rườm rà, quy định khuyến cáo không phù hợp thực tế; hướng dẫn thực hiện quy chuẩn không rõ ràng; không ban hành chế tài xử phạt. Theo ông Dũng, nên giảm số lượng quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật bởi số lượng đang quá nhiều.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận xét, khái niệm quy chuẩn toàn thế giới giống nhau, nhưng cấp thẩm quyền ban hành lại khác nhau, cách thức triển khai thực hiện cần thống nhất. Hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn đang lẫn lộn. Việc rà soát quy chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng nên thực hiện tổng thể và tập trung vào yếu tố an toàn...; bổ sung đối tượng cần quản lý như mô hình BIM (thông tin kỹ thuật số trong thiết kế, thi công, vận hành công trình xây dựng) hay như đô thị thông minh hiện đang được sử dụng rất nhiều.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Xây dựng Nguyễn Đại Minh chia sẻ, hệ thống quy chuẩn xây dựng Việt Nam tuy nhiều nhưng chưa phủ hết các đối tượng cần quản lý như: nhà chung cư, nhà hỗn hợp, công trình công cộng ngầm đô thị... Nội dung quy chuẩn phần lớn được chuyển dịch từ tiêu chuẩn nước ngoài chứ không phải quy chuẩn nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của Việt Nam; khả năng hội nhập với khu vực và quốc tế còn hạn chế. Cùng đó là tình trạng thiếu quy hoạch tổng thể, liên kết giữa các bộ chuyên ngành, tạo thành sự giao thoa, chồng chéo về quản lý nhà nước giữa các Bộ chuyên ngành.
Bởi vậy, trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, ngành xây dựng cần phải duy trì và phát triển một hệ thống quy chuẩn tiên tiến, thống nhất. Đặc biệt, hệ thống này cần được hoàn thiện, cập nhật thường xuyên theo kịp bước phát triển về công nghệ và tiến bộ kỹ thuật. Đây chính là yếu tố giúp nâng cao khả năng hội nhập quốc tế và thu hút vốn đầu tư với điều kiện cốt lõi là đảm bảo an toàn, chất lượng trong tất cả các hoạt động đầu tư xây dựng với chi phí hợp lý.
Hiện Bộ Xây dựng giao Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện đề tài nghiên cứu các cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất danh mục Bộ Quy chuẩn quốc kỹ thuật quốc gia ngành xây dựng./.


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục