Quý II/2022, Nam Bộ sẽ cung ứng khoảng 1,2 triệu tấn trái cây chủ lực

16:13' - 22/03/2022
BNEWS Sản lượng 8 loại cây ăn quả chính là thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, dứa, sầu riêng của các tỉnh Nam Bộ trong quý II/2022 ước đạt 1,2 triệu tấn.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng 8 loại cây ăn quả chính của các tỉnh Nam Bộ trong quý II/2022 ước đạt 1,2 triệu tấn; trong đó vùng Đông Nam Bộ là 246,6 nghìn tấn; Đồng bằng sông Cửu Long là 943,5 nghìn tấn.

Cụ thể, thanh long là 144,6 nghìn tấn tập trung chính ở Long An, Tiền Giang; chuối 277,2 nghìn tấn ở Đồng Nai, Trà Vinh, Sóc Trăng; xoài 147 nghìn tấn tại An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang; mít 141,7 nghìn tấn tại Tiền Giang, Hậu Giang; bưởi 88,1 nghìn tấn tại Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai; cam 107,3 nghìn tấn tại Hậu Giang, Vĩnh Long; dứa 142,8 nghìn tấn tại Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang; sầu riêng 141,5 nghìn tấn tại Tiền Giang, Đồng Nai.

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng xuất khẩu thanh long và một số trái cây sang Trung Quốc, đặc biệt từ các tháng cuối năm 2021 đến nay. Giá thu mua trong nước giảm sâu, có thời điểm thanh long ruột trắng chỉ còn từ 2.000-3.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ từ 3.000-5.000 đồng/kg. Hiệu quả sản xuất không cao, có thời điểm nông dân thua lỗ, đặc biệt với thanh long tiến hành rải vụ.

Hiện nay, Trung Quốc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dịch COVID-19, thông quan hàng hoá qua cửa khẩu chậm, làm giảm giá thành thu mua trong nước. Trước tình hình trên, một số nông dân đã chủ động tạm dừng sản xuất rải vụ thanh long để tránh rủi ro.

Hiện các đối tượng cây trồng chủ lực của vùng Nam Bộ như sầu riêng, xoài, chôm chôm, nhãn, bưởi, cam, mít, bơ, chuối, chanh, na … đang được nông dân đẩy mạnh đầu tư sản xuất, đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung.

Bên cạnh đó, việc rải vụ trái cây đã được các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long quan tâm chỉ đạo. Nông dân cũng có nhiều kinh nghiệm và áp dụng thành công quy trình kỹ thuật rải vụ, hiệu quả kinh tế của rải vụ 5 loại cây ăn quả: thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn tăng hiệu quả 1,5 lần đến 2 lần so sản xuất chính vụ.

Năm 2021 với 5 loại trái cây (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn) tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và Bình Thuận (thanh long) có tổng diện tích là 132,7 nghìn  ha; trong đó rải vụ 71,9 nghìn ha chiếm 62,6% tổng diện tích thu hoạch, tổng sản lượng rải vụ 1.237,4 nghìn tấn tấn, chiếm 54,4% tổng sản lượng.

Điển hình thanh long có diện tích rải vụ lớn nhất với 46,2 nghìn ha; đạt 88% tổng diện tích thu hoạch; ước sản lượng 830,4 nghìn tấn, bằng 65,9% tổng sản lượng. Xoài có diện tích rải vụ 10,6 nghìn ha, bằng 44,7% tổng diện tích thu hoạch. Nhãn cũng rải vụ 7,3 nghìn ha, bằng 39% tổng diện tích thu hoạch…

Nông dân tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, cần cù và nhạy bén trong tiếp thu, ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; sản xuất theo hướng GAP (thực hành nông nghiệp tốt) được quan tâm. Diện tích sản xuất GAP ngày càng được gia tăng tạo điều kiện nâng cao chất lượng, uy tín, phát triển thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông rải vụ thu hoạch trái cây được các viện, trường và cơ quan chuyên môn nghiên cứu chuyển giao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.

Cục Trồng trọt khuyến cáo, các địa phương khi tiến hành rải vụ cây ăn trái cần hỗ trợ, thúc đẩy liên kết sản xuất, sản xuất rải vụ phải gắn với đầu ra của sản phẩm./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục