Ra mắt Báo cáo Kinh tế vĩ mô Thành phố Hồ Chí Minh

15:27' - 04/01/2024
BNEWS Ngày 4/1, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) và Cục Thống kê Thành phố tổ chức tọa đàm ra mắt “Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP. HCM: Kết quả 2023 và Dự báo 2024” (Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP. HCM).

Đây là ấn phẩm nghiên cứu khoa học nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện về kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, dự báo triển vọng năm 2024, đề xuất chính sách gợi ý cho chính quyền thành phố.

 

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng Đại học UEH cho biết, Báo cáo Kinh tế vĩ mô Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là công cụ hữu ích cho lãnh đạo thành phố trong quá trình xây dựng và điều hành chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đây cũng là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước có thêm thông tin định hướng đầu tư, mở rộng thị trường trong chiến lược phát triển kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, thành phố là địa phương đầu tiên thực hiện báo cáo này và dự kiến sẽ mở rộng ra khu vực. Báo cáo Kinh tế vĩ mô Thành phố Hồ Chí Minh lan tỏa ra tầm khu vực sẽ từng bước được hoàn thiện và phát triển, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, thống kê đảm bảo cơ sở số liệu, đồng thời kèm theo gợi ý cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo kết quả Báo cáo Kinh tế vĩ mô Thành phố Hồ Chí Minh, việc những thị trường lớn cho xuất khẩu của thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung bao gồm Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc đều được dự báo tăng trưởng với tốc độ khá khiêm tốn trong năm 2023, cho thấy xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam đến các thị trường này sẽ khó có khả năng bứt phá trong năm 2024. Điều này cũng sẽ là một thách thức không nhỏ cho Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hồi phục của tổng cầu.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ đang nỗ lực khắc phục nợ xấu và nâng cao tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng vào các lĩnh vực trọng tâm sẽ đóng góp vào sự phục hồi của tổng cầu tại Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam. Cùng với đó, với sự quyết liệt trong việc giải ngân đầu tư công tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, kinh tế Thành phố kỳ vọng sẽ nhận được một trợ lực lớn trong năm 2024, đặc biệt là sáu tháng cuối năm.

Trên cơ sở này, Báo cáo Kinh tế vĩ mô Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra gợi ý chính sách thúc đẩy tổng cầu là ngoài đẩy mạnh chi tiêu tiêu dùng, đầu tư tích lũy tài sản doanh nghiệp, hộ gia đình và xuất khẩu, thì một chính sách quan trọng là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng sang những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Trong đó, Ấn Độ hiện đang là nền kinh tế có tốc tăng trưởng cao và ổn định.

Mặt khác, những chính sách ngắn hạn cần tại Thành phố Hồ Chí Minh phải được đặt trong khuôn khổ của mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế trong trung hạn. Điển hình, Thành phố Hồ Chí Minh nên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tài chính ngân hàng, quản lý và phát triển ổn định thị trường bất động sản... để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người lao động, cũng như bổ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một số chuyên gia cũng đưa ra dự báo, tổng cầu đối với nền kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 sẽ tiếp tục phục hồi nhưng khó có khả năng bứt phá mạnh mẽ. Nếu tình hình kinh tế thế giới phục hồi thuận lợi, cộng với việc Thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tổng cầu, mục tiêu tăng trưởng GRDP đã đề ra trong năm 2024 có thể đạt được.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục