Rà soát lại các cam kết thuộc nhóm A theo Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại

15:35' - 29/11/2016
BNEWS Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần chốt được danh sách cuối cùng cam kết nhóm A, bởi thời gian Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) đã đến rất gần.
Rà soát lại các cam kết thuộc nhóm A theo Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại.Ảnh: Quách Lắm-TTXVN

Hội thảo xây dựng kế hoạch hành động nhằm thực hiện cam kết nhóm B và C theo Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO đã được Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Tổng Cục Hải quan tổ chức ngày 29/11 tại Hà Nội.

Nội dung được nhiều đại biểu đề cập tại hội thảo là làm sao để Việt Nam chốt được danh sách cuối cùng cam kết nhóm A, bởi thời gian Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) đã đến rất gần. Trong khi đây là nhóm cam kết mà Việt Nam cần phải thực hiện ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Hiệp định TFA gồm có 3 nhóm cam kết mà Việt Nam cần thực hiện: nhóm A, nhóm B, nhóm C. Trong đó, nhóm A là nhóm Việt Nam cam kết ngay khi hiệp định có hiệu lực. Nhóm B là nhóm Việt Nam có thể thực hiện được sau thời gian từ 2-3 năm. Còn nếu thời gian hơn 3 năm thì thuộc nhóm C là nhóm vấn đề cần hỗ trợ kỹ thuật.

Theo ông Nguyễn Toàn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng Cục Hải quan, cam kết nhóm A của Việt Nam gửi WTO gồm nhiều vấn đề liên quan tới điểm hỏi đáp, thông báo, cơ hội góp ý và tiếp cận thông tin trước thời điểm có hiệu lực; tham vấn, các thủ tục về khiếu nại, khiếu kiện; quy định chung về phí, lệ phí… Vì vậy, hội thảo này nhằm rà soát lại các cam kết thuộc nhóm A cũng như đánh giá lại các yêu cầu trong cam kết nhóm B và C.

Liên quan tới rà soát này, nhiều đại biểu cho rằng, trong quy định của Điều 7.2 tại các cam kết nhóm A có ghi rõ: mỗi thành viên trong phạm vi có thể chấp nhận hoặc duy trì các thủ tục cho phép khả năng thanh toán điện tử cho các khoản thuế xuất nhập khẩu; thuế và lệ phí do hải quan thu đối với việc nhập khẩu và xuất khẩu.

Hoạt động xuất nhập khẩu thường thực hiện với khối lượng hàng cũng như trị giá tương đối lớn. Vậy việc sử dụng thẻ tín dụng và ATM liệu có bảo đảm tính bảo mật?

Trả lời cho câu hỏi trên, chuyên gia cao cấp về Hải quan và Quản lý Biên giới, Thương mại và Năng lực cạnh tranh - Ngân hàng Thế giới cho rằng, vấn đề sử dụng thanh toán điện tử là nhằm tạo điều kiện tốt nhất chứ chưa bắt buộc ngay.

Tuy nhiên, việc sử dụng thẻ tín dụng cũng như ATM thanh toán là khuyến khích chứ không phải bắt buộc. Nội dung thanh toán điện tử cũng là tiến tới các thành viên tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi có thể chấp nhận hoặc duy trì các thủ tục cho phép khả năng thanh toán điện tử các khoản thuế xuất nhập khẩu; thuế và lệ phí do hải quan thu đối với việc nhập khẩu và xuất khẩu.

Theo chuyên gia này, quan trọng là phải có một hệ thống chuyển tiền điện tử phù hợp. Chẳng hạn như ở Australia, việc thanh toán này sẽ được thực hiện trước khi lô hàng đến. Việt Nam cũng nên tính tới tập trung các khoản thu đối với hoạt động xuất nhập khẩu về một mối. Sau đó chuyển về các cơ quan chuyên ngành và chủ quan sau. Cách làm này cũng sẽ tạo thuận lợi hơn đối với hoạt động thương mại.

Bên cạnh đó, một số đại biểu trong hội thảo cho rằng, trong các cam kết nhóm A, nhóm B, nhóm C có nhiều vấn đề liên quan đến tính chất minh bạch thông tin. Do vậy, Việt Nam cũng cần có một Cổng thông tin điện tử Quốc gia. Đây sẽ là website để doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cập nhật thông tin liên quan đến vấn đề tạo thuận lợi thương mại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục