Rạn san hô Great Barrier đứng trước nguy cơ bị tẩy trắng trên diện rộng

10:50' - 19/03/2022
BNEWS Rạn san hô Great Barrier của Australia cho biết di sản thiên nhiên thế giới này đang có nguy cơ bị tẩy trắng trên diện rộng khi nhiệt độ nước biển khu vực ngoài khơi phía Đông Bắc Australia tăng cao.

Cơ quan Quản lý công viên biển Great Barrier Reef cho biết các chuyến bay giám sát đã phát hiện tình trạng tẩy trắng từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng kéo dài 2.300 km trên rạn san hô.

 

Các rạn san hô bị ảnh hưởng nặng nề nhất là xung quanh khu vực Townsville, nơi trước đó đã ghi nhận nhiều san hô bị hủy hoại do mức nhiệt cao kỷ lục.

Nhà chức trách cũng cho biết trong tuần qua, nhiệt độ nước biển trong toàn bộ khu vực công viên biển đã cao hơn mức trung bình từ 0,5 - 2 độ C, trong khi vùng cực Bắc và các khu vực ven biển ghi nhận nhiệt độ cao hơn mức trung bình từ 2 – 4 độ C.

Hiệp hội Bảo tồn biển Australia đánh giá thông tin trên là "rất nghiêm trọng", đặc biệt là trong điều kiện hiện tượng thời tiết La Nina thường sẽ khiến cho nhiệt độ nước biển mát hơn.

Trong khi đó, một số nhà hoạt động bảo vệ môi trường cho rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu không chỉ đe dọa đến sự tồn tại của các rạn san hô mà còn khiến chúng không thể hồi phục sau khi bị tẩy trắng.

Từ năm 1997 đến nay, rạn san hô Great Barrier đã trải qua 5 lần bị tẩy trắng nghiêm trọng trên diện rộng do nhiệt độ nước biển tăng cao bất thường.

Biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng là một trong những nguyên nhân đe dọa di sản thế giới này khi một số trận gió lốc đã gây vỡ rạn san hô.

Ngoài ra, sự bùng phát của loài sao biển gai (Crown-of-thorns starfish) ăn san hô cũng là nguyên nhân đe dọa sự tồn tại của Great Barrier.

Rạn san hô Great Barrier, cấu trúc sống lớn nhất thế giới, có thể nhìn thấy từ vũ trụ, đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới năm 1981.

Năm 2015, Chính phủ Australia đã triển khai kế hoạch "Reef 2050" và chi hàng tỷ USD để bảo vệ Great Barrier khi di sản thiên nhiên thế giới này có nguy cơ bị UNESCO hạ xếp hạng.

Đầu năm 2022, Australia cũng đã công bố khoản tài trợ mới nhằm triển khai các biện pháp bảo vệ rạn san hô này.

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy kể từ năm 1998, hiện tượng tẩy trắng đã ảnh hưởng đến 98% rạn san hô, chỉ còn lại một phần rất nhỏ là không bị ảnh hưởng.

Sự tẩy trắng là hiện tượng xảy ra khi nhiệt độ nước biển tăng cao khiến san hô trục xuất tảo sống trong mô ra ngoài và làm màu sắc rực rỡ của san hô biến mất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục