Sàn giao dịch việc làm kết nối trực tuyến 12 tỉnh, thành phố phía Bắc

18:02' - 07/03/2019
BNEWS Nhằm đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu lao động, ngày 7/3, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang tổ chức phiên giao dịch việc làm online kết nối trực tuyến 12 tỉnh, thành phố.
Các đơn vị ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận cung ứng lao động. Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN

Các tỉnh, thành phố này gồm: Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Bắc Giang.

Tại phiên giao dịch, gần 100 doanh nghiệp đăng ký tham gia với tổng nhu cầu tuyển khoảng 40 nghìn lao động. Trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm của 12 tỉnh, thành phố đăng thông tin vị trí việc làm cần tuyển, mức lương, thưởng, chế độ phúc lợi xã hội để lao động lựa chọn.

Tham gia trực tiếp tại điểm cầu ở Bắc Giang có 17 doanh nghiệp tuyển dụng (trong đó có năm doanh nghiệp xuất khẩu lao động), đăng ký tuyển hơn 12 nghìn vị trí lao động.

Vừa tìm được vị trí làm việc phù hợp tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Siflex Việt Nam trú chân trong Khu Công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) qua phiên giao dịch, chị Hoàng Thị Mai (Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết: Thông thường, để tìm được một công việc phù hợp, chúng tôi phải đến tận công ty, nộp hồ sơ, chờ phỏng vấn và chờ kết quả. Còn đến với phiên giao dịch việc làm như thế này, chúng tôi có cơ hội trao đổi trực tiếp với đại diện công ty về mức lương, thưởng và các chế độ khác nên rất thuận lợi.

Người lao động tìm việc qua sàn giao dịch online. Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN

Phát biểu tại phiên giao dịch việc làm online kết nối trực tuyến 12 tỉnh, thành phố, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Lê Quang Trung, nhấn mạnh: Triển khai hiệu quả sàn giao dịch việc làm là một trong những giải pháp quan trọng nhằm kết nối cung – cầu lao động, tạo ra sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường lao động. Vì thế, đề nghị thời gian tới, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh đẩy mạnh hơn việc thông tin, dự báo nhu cầu của thị trường lao động, cả ngắn hạn và dài hạn.

Đặc biệt, cần kết nối chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để liên kết đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, cần nghiên cứu, đổi mới hình thức, nội dung của các phiên giao dịch việc làm theo hướng chuyên sâu, theo nhóm nghề cụ thể; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kết nối, cân bằng cung - cầu lao động.

Để tăng cơ hội việc làm cho lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tại phiên giao dịch Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang đã ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận cung ứng lao động với các đơn vị: Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Bắc Giang; Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt – Hàn; Công ty cổ phần PT Daehan Global Yên Dũng; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Siflex Việt Nam.

Kết thúc phiên giao dịch, có 250/400 lao động được tuyển trực tiếp; số còn lại sẽ được Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp tục tư vấn vào các vị trí phù hợp./.

Xem thêm:

>>Tạo nguồn cải cách tiền lương

>>Thị trường việc làm "thời 4.0"

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục