Sản lượng chế tạo của châu Á giảm do nhu cầu yếu tại Trung Quốc

16:38' - 03/07/2023
BNEWS Hoạt động chế tạo của châu Á đã suy giảm trong tháng Sáu, khi nhu cầu ảm đạm ở châu Á và các nước phát triển đã phủ bóng lên triển vọng của các công ty xuất khẩu ở khu vực này.
Các số liệu được công bố ngày 3/7 cho thấy hoạt động chế tạo của châu Á đã suy giảm trong tháng Sáu, khi nhu cầu ảm đạm ở châu Á và các nước phát triển đã phủ bóng lên triển vọng của các công ty xuất khẩu ở khu vực này.

 
Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc do Caixin/S&P Global công bố ngày 3/7 đã giảm từ 50,9 điểm trong tháng Năm xuống 50,5 điểm trong tháng Sáu, nhưng vẫn duy trì trên ngưỡng 50 điểm phân biệt giữa tăng trưởng và suy giảm. Cùng với số liệu trước đó cho thấy hoạt động chế tạo ở Trung Quốc đã nới rộng đà giảm, chỉ số PMI nói trên cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mất đà trong quý II.

Tình hình này cũng có tác động đến Nhật Bản, nơi chỉ số PMI của ngân hàng au Jibun Bank đã giảm xuống 49,8 điểm trong tháng Sáu, cho thấy hoạt động chế tạo tại nước này đã suy giảm trở lại sau khi tăng lần đầu tiên trong bảy tháng qua trong tháng Năm.

Khảo sát về chỉ số PMI của Nhật Bản cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài trong tháng Sáu đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong bốn tháng qua, phản ánh nhu cầu yếu từ Trung Quốc.

Trong khi đó, chỉ số PMI của Hàn Quốc đã giảm từ 48,4 điểm trong tháng Năm xuống 47,8 điểm trong tháng Sáu, qua đó kéo dài chuỗi suy giảm lên mức kỷ lục 12 tháng liên tiếp, do nhu cầu yếu ở châu Á và châu Âu.

Hoạt động chế tạo cũng suy yếu ở Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam và Malaysia (Ma-lai-xi-a). Nền kinh tế của châu Á còn phụ thuộc nhiều vào thể trạng của kinh tế Trung Quốc. Các số liệu PMI nói trên cho thấy ảnh hưởng từ sự phục hồi yếu hơn dự đoán của Trung Quốc sau dịch COVID-19 đến châu Á, nơi các nhà chế tạo cũng đang đề phòng tác động từ các đợt nâng lãi suất ở Mỹ và châu Âu.

Trong dự báo được công bố vào tháng Năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm nay sau khi tăng 3,8% trong năm 2022, qua đó đóng góp khoảng 70% cho tăng trưởng toàn cầu.

Nhưng IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của châu Á trong năm sau xuống mức 4,4% và cảnh báo những rủi ro với triển vọng này như lạm phát cao kéo dài hơn dự đoán và nhu cầu toàn cầu tăng chậm lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục