Sản lượng Ngũ cốc Nga năm nay có thể sụt giảm

12:27' - 10/01/2021
BNEWS Không tính lượng xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), 30 triệu tấn ngũ cốc đã được Nga cung cấp cho thị trường thế giới.

Trong nửa đầu niên vụ 2020 -2021, các công ty Nga đã lập kỷ lục về xuất khẩu ngũ cốc. Không tính lượng xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), 30 triệu tấn ngũ cốc đã được Nga cung cấp cho thị trường thế giới.

Giám đốc Trung tâm phân tích của tập đoàn Rusagrotrans, Igor Pavensky, chia sẻ: "Điều này thậm chí còn chưa xảy ra vào năm 2017, khi sản lượng ngũ cốc ở Nga thiết lập mức kỷ lục. Vào thời điểm đó, cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng cho việc xuất khẩu một lượng lớn như vậy.

Hiện nay, hệ thống băng tải, cảng và kho bãi hậu cần phục vụ xuất khẩu ngũ cốc đang được hoàn thiện. Điều này cho phép chúng ta đạt đến khối lượng kỷ lục". Khối lượng xuất khẩu chủ yếu được thực hiện trong các tháng mùa Thu, khi thuế xuất khẩu vẫn chưa được áp dụng và một phần nhờ mức giá cao ở cả thị trường trong và ngoài nước. Kể từ tháng 8/2020, Nga đã xuất khẩu 5,5 - 5,8 triệu tấn ngũ cốc/tháng.

Tuy nhiên, ông Pavensky cho rằng nửa sau của mùa thu hoạch (từ đầu năm nay đến ngày 30/6/2021) sẽ khó khăn hơn, sản lượng có thể thấp hơn năm trước. Niên vụ 2019 -2020, sản lượng lúa mì thu hoạch đạt gần 86 triệu tấn (trong đó hơn 60 triệu tấn thu được vào vụ Đông).

Dự báo vào niên vụ tới, nếu thời tiết không thuận lợi, sản lượng lúa mì có thể giảm xuống 75 triệu tấn, và tổng sản lượng ngũ cốc có thể giảm xuống 120 triệu tấn (tương đương mức của năm 2019 là 121 triệu tấn, trong đó 74,2 triệu tấn là lúa mì).

Theo chuyên gia Pavensky, việc xuất khẩu có thể giảm do một số nguyên nhân sau. Thứ nhất, ở thị trường bên ngoài, Nga sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khá mạnh từ Australia và Canada với sản lượng gần với mức kỷ lục. Ngoài ra còn có sự cạnh tranh từ các nước châu Âu, khi các nước Baltic cũng đang đưa ra mức giá hấp dẫn đối với lúa mì, mặc dù thu hoạch của họ giảm đi.

Nếu tính cả lượng xuất khẩu sang các nước EAEU, các nhà cung cấp lương thực của Nga cũng khó có thể xuất khẩu hơn 47,5 triệu tấn ngũ cốc. Do đó, trong nửa sau của niên vụ 2020-2021, dự báo các quốc gia khác có thể thay thế vai trò của Nga. Thứ hai, về mặt giá cả, ngũ cốc từng đạt mức giá cao tối đa vào mùa thu năm 2020, nhưng đến tháng 12 đã bắt đầu giảm trên thị trường trong nước.

Nếu lúc cao điểm lúa mì loại 4 có giá 16,5 nghìn ruble (rúp)/tấn, tức là khoảng 230 USD/tấn (chưa có thuế giá trị gia tăng) thì đến cuối năm ngoái, giá lúa mì đã giảm xuống còn khoảng 15 nghìn ruble/tấn và dự báo thời gian tới có thể giảm xuống chỉ còn hơn 14 nghìn ruble/tấn. Ngoài ra, thời tiết mùa thu khô ráo cũng không có lợi cho cây vụ đông. Có thể đến tháng Tư năm nay mới rõ thiệt hại ra sao.

Dù vậy, ông Pavensky vẫn tin rằng tiềm năng xuất khẩu ngũ cốc của Nga có thể vẫn ở mức như các năm trước, tức là khoảng 45 triệu tấn và Nga sẽ vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về xuất khẩu lúa mì. Trong trường hợp “mưa thuận, gió hòa”, Nga thậm chí có thể thu hoạch tới 78 triệu tấn lúa mì trong năm nay, góp phần nâng tổng sản lượng ngũ cốc lên mức 124 - 125 triệu tấn./.

>>Trung Quốc đảm bảo tổng sản lượng ngũ cốc trên 650 triệu tấn vào năm 2021

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục