Sắp diễn ra chuỗi sự kiện 75 năm ngành lâm nghiệp Việt Nam

18:35' - 24/11/2020
BNEWS Ngày 24/11 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về chuỗi sự kiện kỷ niệm ngành lâm nghiệp Việt Nam – 75 năm hình thành và phát triển (1945-2020).

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp cho biết, chuỗi sự kiện sẽ diễn ra trong 2 ngày 30/11 và 1/12, tại tỉnh Nghệ An.

Đầu tiên là Lễ kỷ niệm “Lâm nghiệp Việt Nam - 75 năm hình thành và phát triển". Đây là lần đầu tiên trong chặng đường 75 năm hình thành và phát triển, ngành lâm nghiệp vinh dự tổ chức kỷ niệm ngày thành lập.

Thứ hai là Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025” do Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chủ trì. Hội nghị dự kiến sẽ có khoảng 600 đại biểu thuộc các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp cùng các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Trên chặng đường 75 năm hình thành và phát triển (1945 - 2020), trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều lần thay đổi về tổ chức, nhưng ngành lâm nghiệp đang khẳng định vị thế là một ngành kinh tế vì môi trường, dân sinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

Ông Nguyễn Quốc Trị cho biết, về môi trường, từ 1990 đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng tăng trên 14,7% (tăng hơn 1,5 lần), tương đương 5,6 triệu ha rừng. Việt Nam là một trong số ít các nước có tốc độ tăng diện tích rừng ổn định trên thế giới.

Ngành đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án với mục tiêu chung là phát huy chức năng phòng hộ của rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ đa dạng sinh học, là trụ đỡ cho nền kinh tế xanh.

Về xã hội, ngành lâm nghiệp đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hoá nghề rừng, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo. Ngành đang thu hút trên 20 triệu lao động.

Đặc biệt, ngành đã thu hút được các nguồn lực xã hội thông qua dịch vụ môi trường rừng với trung bình 1.600 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2013 - 2019 để chi trả đến từng người dân.

Về kinh tế, ngành lâm nghiệp đã phát huy lợi thế, phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản, năm 2020 dự kiến giá trị xuất khẩu đạt khoảng 13 tỷ USD.

Việt Nam đã khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thế giới, là quốc gia đứng thứ 5 toàn cầu, thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản.

Tuy nhiên, ngành lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, thách thức như: tỷ lệ che phủ rừng tăng nhưng chất lượng rừng chưa cao; chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của rừng, thu nhập của người làm nghề rừng còn thấp.

Một số địa phương vẫn còn vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng. Việc bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, bão lũ thì nhiệm vụ của ngành lâm nghiệp càng nặng nề, khó khăn.

Về chất lượng rừng, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, chất lượng rừng tự nhiên còn thấp với 50% rừng nghèo, nghèo kiệt  và còn suy giảm ở nhiều nơi.

Bên cạnh việc khoanh nuôi, trồng bổ sung rừng tự nhiên nghèo và nghèo kiệt, thì đối với rừng trồng cũng đang được ngành đẩy mạnh cải tạo giống, kéo dài chu kỳ, nâng cao chất lượng. Ngành sẽ nghiên cứu khai thác rừng sản xuất để tránh khai thác “trắng”.

Để hiện thực hóa các mục tiêu của ngành trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, ngành lâm nghiệp vẫn kiên định 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường.

Ngành quyết tâm bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên hiện có theo chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó là nâng cao năng suất và chất lượng của rừng trồng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Ngành cũng tiếp tục tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đồng bộ theo chuỗi từ trồng rừng đến khai thác, chế biến và tiêu thụ để tăng trưởng bền vững.

Mặt khác, ngành xác định không phát triển kinh tế bằng mọi giá, không vì phát triển kinh tế trước mắt mà bỏ giá trị môi trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục