Sáu tác động dài hạn của COVID-19 đối với các nền kinh tế OECD

05:30' - 14/03/2022
BNEWS Hệ lụy của cuộc khủng hoảng dịch bệnh giai đoạn 2020-2021 đã để lại những vết sẹo sâu và do vậy, quỹ đạo kinh tế trong tương lai của các nước OECD sẽ vẫn bị ảnh hưởng mạnh.

Hai năm kể từ sau khi bùng phát đại dịch COVID-19, người ta có thể nghĩ rằng các tác động kinh tế của đại dịch đã biến mất ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Vào cuối năm 2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và việc làm trong khối này đã vượt mức cuối năm 2019, tình hình tài chính của các công ty (lợi nhuận, nợ ròng) đã khả quan hơn, thương mại thế giới đã ở mức cao hơn nhiều so với trước COVID-19.

Cho dù sự bình thường đã trở lại một cách rõ nét, nhưng hệ lụy của cuộc khủng hoảng dịch bệnh giai đoạn 2020-2021 đã để lại những vết sẹo sâu và do vậy, quỹ đạo kinh tế trong tương lai của các nước OECD sẽ vẫn bị ảnh hưởng mạnh. Đó là nhận xét của chuyên gia kinh tế Pháp thuộc ngân hàng Natixis, Patrick Artus.

Trong chuyên mục bình luận của nhật báo Le Monde, ông Patrick Artus đã dự báo sáu tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng dịch bệnh đối với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các nước thuộc OECD.

Ảnh hưởng lâu dài đầu tiên của cuộc khủng hoảng này là tỷ lệ nợ công tăng mạnh. Tỷ lệ này trong OECD đã tăng từ 116% GDP vào cuối năm 2019 lên 136% GDP vào cuối năm 2021. Nợ công ở mức rất cao này sẽ là một hạn chế lớn cho các chính sách kinh tế trong tương lai.

Để đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ công, các nước sẽ phải áp dụng các chính sách phân bổ ngân sách hạn chế hơn, cứng rắn hơn. Điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, nước nào cũng cần nhiều ngân sách công để chi tiêu cho các lĩnh vực quan trọng như y tế, đào tạo, đổi mới, chuyển đổi năng lượng, tái công nghiệp hóa... Nếu không lựa chọn giải pháp trên, các nước sẽ vẫn phải duy trì các chính sách tiền tệ thoáng với mức lãi suất rất thấp, bất chấp tình hình kinh tế ra sao.

Ảnh hưởng thứ hai là lượng tiền tăng rất mạnh. Thời gian qua, các ngân hàng trung ương đã bù đắp thiếu hụt chi tiêu công bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ như một đối sách để tạo ra nguồn tiền. Động thái này nhằm bảo đảm khả năng chi trả nợ công và kết quả là đã làm tăng ồ ạt nguồn cung tiền của ngân hàng trung ương, từ 13.500 tỷ USD vào cuối năm 2019 lên 23.200 tỷ USD vào cuối năm 2021 trong toàn khối OECD.

Các hộ gia đình và các công ty, do vậy, đã nắm giữ một lượng tiền cao bất thường và điều này đã kích hoạt cơ chế tái cân bằng danh mục đầu tư. Các tác nhân kinh tế đã sử dụng số tiền dư thừa này để mua cổ phiếu và bất động sản, do đó, thị trường chứng khoán và chỉ số giá bất động sản đã tăng mạnh trong năm 2021. Chỉ trong vòng một năm qua, giá bất động sản đã tăng 12% và giá cổ phiếu tăng 30%. Hệ quả là sự gia tăng mạnh về lượng tiền này đang đẩy các nước OECD vào một nền kinh tế bong bóng kéo dài.

Ảnh hưởng lâu dài thứ ba là sự méo mó về cấu trúc của nhu cầu, theo hướng ưu tiên cho hàng hóa hơn là chi phí cho dịch vụ. Kể từ đầu năm 2019, tiêu dùng hàng hóa của các hộ gia đình OECD đã tăng 17%, trong khi tiêu dùng dịch vụ giảm 1%. Sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu hàng hóa này là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau.

Làm việc từ xa khiến nhu cầu mua thiết bị máy tính, thiết bị gia dụng của các gia đình tăng lên. Các hoạt động kinh doanh sản xuất được số hóa khiến chi phí cho các dịch vụ giảm. Thương mại điện tử phát triển mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua hàng hóa. Năng lượng chuyển đổi cũng đòi hỏi tiêu thụ nguyên vật liệu nhiều hơn.

Những thay đổi về thói quen tiêu dùng này đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ của nhu cầu về nguyên liệu thô, chất bán dẫn, vận tải, những thứ cần thiết cho sản xuất hàng hoá hơn là các ngành dịch vụ. Do đó, sự tăng giá của một số ngành hàng, nguyên vật liệu sẽ còn kéo dài, như giá năng lượng, kim loại, điện tử, vận tải đường biển và đường hàng không.

Ảnh hưởng thứ tư của khủng hoảng dịch bệnh là sự thay đổi thành phần lao động. Mỹ đang trải qua sự suy giảm nguồn cung lao động, với tỷ lệ tham gia của dân số trong độ tuổi lao động vào thị trường lao động giảm 2 điểm phần trăm. Tất cả các nước OECD cũng đang có xu hướng nhân viên rời bỏ các công việc có thời gian làm việc không liên tục. Điều này dẫn đến những khó khăn lớn trong tuyển dụng đối với các lĩnh vực như khách sạn và nhà hàng, xây dựng, vận tải...

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 60% người Pháp có kế hoạch thay đổi công việc. Điều này làm tăng khả năng thương lượng của nhân viên, dẫn đến tăng lương nhanh hơn, môi trường lạm phát hơn và đòi hỏi một cách tiếp cận mới đối với vai trò của người nhập cư để giảm bớt những căng thẳng này.

Hiệu ứng thứ năm là sự tăng tốc của quá trình chuyển đổi năng lượng do đa số quan điểm và các chính phủ đều tin rằng hủy hoại môi trường là nguyên nhân gây ra các cuộc khủng hoảng về khí hậu và y tế. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ có những tác động to lớn đến nền kinh tế.

Nhu cầu đầu tư vào sản xuất năng lượng tái tạo, khử carbon trong công nghiệp, cải tạo nhiệt các tòa nhà và nhà ở... sẽ tăng mạnh, đòi hỏi sự nỗ lực tiết kiệm và giảm tiêu dùng. Giá năng lượng tăng mạnh do sự gián đoạn (không liên tục trong ngày, hoặc theo mùa, hoặc theo điều kiện thời tiết) của quá trình sản xuất năng lượng tái tạo, sẽ dẫn đến gia tăng bất bình đẳng về thu nhập.

Cuối cùng, tác động lâu dài thứ sáu của cuộc khủng hoảng COVID-19 đối với nền kinh tế là xu hướng tăng năng suất trong các công ty. Tuy nhiên, nỗ lực số hóa của các công ty, sự gia tăng nguồn tài trợ cho đổi mới và tổ chức lại hoạt động của họ theo hướng ưu tiên ứng dụng công nghệ đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí nhân công.

Bất chấp mức độ nghiêm trọng của sự suy thoái trong năm 2020, vốn có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng như đã từng xảy ra tại các cuộc suy thoái trước đây, việc tăng năng suất có thể tạo ra sự tăng trưởng dài hạn mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tác động cuối cùng này được coi là một mảng sáng, trong bức tranh toàn cảnh "màu xám" của nền kinh tế hậu COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục