Sẽ công bố vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long

11:37' - 03/04/2023
BNEWS Việc công bố vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long là cơ sở để các đơn vị có liên quan đầu tư và tổ chức quản lý các sản phẩm du lịch một cách hiệu quả, bền vững, an toàn.

Những khó khăn trong thủ tục cấp phép hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ được tháo gỡ khi tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ công bố vùng hoạt động loại hình này theo Nghị định 48/NĐ-CP ngay trong tháng 4.

 

Ngày 5/6/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2019/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Theo đó, vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước là vùng nước mà phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước được phép hoạt động trong phạm vi ranh giới an toàn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố; phương tiện phục vụ vui chơi giải trí phải thực hiện đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Tuy nhiên, các vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước đang hoạt động trên vịnh Hạ Long đều chưa được công bố theo quy định tại Nghị định số 48/2019/NĐ-CP.

Điều 30 - Điều khoản chuyển tiếp của Nghị định quy định rõ, vùng hoạt động, người lái phương tiện đã phục vụ vui chơi giải trí dưới nước trước ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định này được tiếp tục hoạt động đến ngày 31/12/2021. Từ ngày 1/1/2022, nếu muốn tiếp tục hoạt động phải thực hiện đầy đủ các quy định có liên quan tại Nghị định này. Như vậy, từ ngày 1/1/2022 đến nay, tất cả các hoạt động chèo đò tay, chèo kayak trên vịnh Hạ Long đều trái phép, kể cả doanh nghiệp đã từng được cấp phép, hoặc chưa được cấp phép mới.

Hiện có 9 tổ chức, cá nhân đang hoạt động dịch vụ đò chèo tay, thuyền kayak tại 8 khu vực trên vịnh Hạ Long; trong đó, 4 đơn vị kinh doanh dịch vụ kayak, 5 đơn vị vừa kinh doanh kayak vừa đò chèo tay với tổng số 125 đò, 522 kayak. Nếu tính cả doanh nghiệp, cá nhân đã đăng ký nhưng chưa được cấp phép hoạt động do vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 48/NĐ-CP thì tổng số có 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước ở vịnh Hạ Long với 2.135 chiếc kayak và 240 đò chèo tay.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã xây dựng “Phương án đảm bảo an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường các vùng vui chơi, giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long” nhằm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường cho hoạt động vui chơi giải trí dưới nước; đồng thời là một trong những thủ tục pháp lý đề nghị UBND tỉnh xem xét, công nhận vùng nước theo quy định tại Nghị định số 48/2019/NĐ-CP.

Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long Nguyễn Trung Hậu cho hay, trong tháng 3/2023, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã gửi phương án, đơn đề nghị tới Sở Giao thông Vận tải tỉnh thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 8 vùng hoạt động vui chơi giải trí đã có các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất (gồm: Ba Hang, hang Luồn, hồ Động Tiên - hang Trinh Nữ, vụng Tùng Sâu, Cửa Vạn, Vung Viêng, Cống Đỏ, hang Cỏ) và 5 vùng chưa có hoạt động dịch vụ ( gồm: hòn Bọ Hung, hồ Ba Hầm, hang Thầy, Cống Đầm - Vạn Giò, Lờm Bò). Tại những khu vực nói trên, Ban Quản lý vịnh đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường đối với các vùng dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước. Việc triển khai phương án có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân khai thác dịch vụ.

Ông Nguyễn Trung Hậu cho biết thêm, Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã nhất trí cao với nội dung đề xuất của Ban Quản lý vịnh Hạ Long và đang xem xét, thẩm định để báo cáo UBND tỉnh thông qua. Dự kiến trong tháng 4/2023, UBND tỉnh sẽ xem xét, công bố vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long.

Việc tổ chức công bố vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên vịnh Hạ Long là cơ sở để các đơn vị có liên quan đầu tư và tổ chức quản lý các sản phẩm du lịch một cách hiệu quả, bền vững, an toàn, xứng tầm với vị thế đặc biệt của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; góp phần điều tiết, phân luồng đối tượng du khách, giảm tải mật độ khách du lịch tại một số tuyến, điểm tham quan trên vịnh; đồng thời tạo sinh kế, thu nhập cho cộng đồng cư dân làng chài từ di sản, tăng thu từ hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh cho ngân sách Nhà nước.

Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Vịnh Hạ Long Nguyễn Xuân Tùng cho hay, khi du lịch mở cửa trở lại sau hơn 2 năm dịch COVID-19, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng mua sắm đò và thuyền kayak theo đúng chủ trương được UBND thành phố Hạ Long phê duyệt. Song, do vướng mắc thủ tục không thể đưa vào hoạt động, công ty đã gặp nhiều khó khăn. Việc tỉnh sớm công bố vùng nước hoạt động theo Nghị định 48/NĐ-CP sẽ giúp doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục pháp lý để ổn định kinh doanh lâu dài.

Các dịch vụ kinh doanh vui chơi giải trí dưới nước như chèo đò tay, thuyền kayak, xuồng cao tốc được xem là loại hình dịch vụ đặc thù trên vịnh Hạ Long từ nhiều năm nay. Đây được coi là điểm nhấn hấp dẫn khách du lịch, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long của du khách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục