SIA: Mỹ hạn chế xuất khẩu chip có thể gây phản tác dụng

05:30' - 22/07/2023
BNEWS Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA) cảnh báo việc Mỹ hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến cho Trung Quốc có thể làm suy yếu những khoản đầu tư lớn của chính phủ vào lĩnh vực sản xuất chip trong nước.
Mỹ đang xem xét một loạt biện pháp hạn chế mới đối với việc bán chip cho Trung Quốc, đồng thời cũng đang triển khai chương trình trợ cấp 39 tỷ USD để xây dựng các nhà máy sản xuất chip mới tại Mỹ sau khi thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học vào năm ngoái.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, SIA cho biết: "Việc cho phép ngành công nghiệp bán dẫn tiếp tục được tiếp cận thị trường Trung Quốc, thị trường thương mại lớn nhất thế giới cho các loại chip hàng hóa, có vai trò quan trọng để tránh làm suy yếu tác động tích cực của nỗ lực này".

Các công ty sản xuất chip Mỹ đã liên tục đề xuất chính phủ cân nhắc cẩn thận tác động của những biện pháp hạn chế xuất khẩu, vì doanh số bán hàng tại Trung Quốc có tác dụng hỗ trợ cho các khoản đầu tư tại Mỹ và giúp tài trợ cho những nghiên cứu duy trì sự ưu thế về công nghệ của họ.

Các công ty sản xuất chip, bao gồm cả công ty hàng đầu về chip trí tuệ nhân tạo là Nvidia, đã vận động Chính phủ Mỹ không áp đặt kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt sau sự gia tăng bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc tập trung vào ngành công nghệ chip và ô tô điện. Giám đốc Tài chính của Nvidia đã khuyến cáo về nguy cơ "mất cơ hội vĩnh viễn cho ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ" tại Trung Quốc nếu việc xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo bị cấm.

SIA đã nêu rõ rằng các biện pháp hạn chế mà họ cho là quá rộng, mơ hồ và đôi khi một chiều đã "gây nguy hiểm cho sự cạnh tranh của ngành công nghiệp chip Mỹ, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, gây ra tình trạng thiếu ổn định trên thị trường và thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục phản ứng ở mức độ ngày càng mạnh mẽ". Hiệp hội này cũng kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden tham khảo ý kiến của họ trước khi áp đặt thêm các biện pháp hạn chế mới.

Hồi tháng 10/2022, Mỹ đã áp đặt một số biện pháp hạn chế xuất khẩu nghiêm ngặt nhất cho đến nay về chip và thiết bị sản xuất chip; yêu cầu các công ty sản xuất chip phải xin giấy phép từ Bộ Thương mại để được bán một số sản phẩm tiên tiến nhất của họ cho các khách hàng Trung Quốc.

Một người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà Trắng nói: "Những chính sách của chính quyền Mỹ đã được thiết kế cẩn thận để tập trung vào các công nghệ liên quan đến an ninh quốc gia, và được thiết kế để đảm bảo rằng công nghệ của Mỹ và các nước đồng minh không được sử dụng để làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ". Người phát ngôn này cũng nói thêm rằng, kể từ khi Mỹ thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học vào năm ngoái, các công ty tư nhân đã thông báo đầu tư gần 140 tỷ USD vào Mỹ cho việc sản xuất chip, xây dựng chuỗi cung ứng và nghiên cứu và phát triển trong thập kỷ tới.

Trước những biện pháp của Mỹ, Trung Quốc đã cấm những công ty lớn của nước này mua lại Micron – công ty chuyên hoạt động sản xuất các thiết bị nhớ máy tính, và gần đây đã áp đặt hạn chế xuất khẩu các kim loại được sử dụng để sản xuất chip.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang xem xét các biện pháp hạn chế xuất khẩu tiếp theo mà sẽ bao gồm cả những chip trí tuệ nhân tạo mà Nvidia phát triển cho thị trường Trung Quốc. Dự kiến, Tổng thống Biden sẽ hạn chế việc đầu tư của Mỹ vào công nghệ sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc, cùng với các công nghệ khác, trong một sắc lệnh hành pháp sẽ được công bố thời gian tới.

SIA đưa ra đề nghị này trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đang cố gắng tìm kiếm những cơ hội ngoại giao mới với Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã tới Bắc Kinh trong tháng này trong loạt chuyến thăm của các quan chức Mỹ tới Trung Quốc song kết quả vẫn hạn chế.

Nhiều công ty sản xuất chip đang có kế hoạch đầu tư vào những dự án lớn tại Mỹ sau khi Đạo luật CHIPS và Khoa học được thông qua vào năm ngoái. Các hãng Intel, Micron, Samsung và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), cùng đầu tư hàng chục tỷ USD vào những nhà máy mới mà các nhà hoạch định chính sách hy vọng sẽ giúp đảo ngược sự dịch chuyển của ngành công nghiệp bán dẫn từ Mỹ sang châu Á trong những thập kỷ gần đây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục