Siết chặt công tác quản lý chống buôn lậu cuối năm

21:13' - 14/11/2016
BNEWS Hoạt động buôn lậu thuốc lá vẫn đang diễn ra phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô ngày càng lớn, diễn ra với không gian rộng từ thành thị đến nông thôn ...
Tọa đàm đối thoại trực tuyến về vấn đề chống buôn lậu thuốc lá. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, sự vào cuộc hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có sự chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận hoạt động buôn lậu vẫn đang diễn ra phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô ngày càng lớn, diễn ra với không gian rộng, từ hải đảo đến đất liền, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn... tác động xấu đến kinh tế - xã hội.

Xoay quan vấn đề này, chiều 14/11, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm đối thoại trực tuyến với sự tham gia của ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Trung tướng Đồng Đại Lộc- Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát (Bộ Công an);

ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Cục trưởng - Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm (Bộ đội Biên Phòng); ông Nguyễn Trọng Tín- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và ông Vũ Văn Cường- Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam.

Đánh giá về những điểm mới về công tác chống buôn lậu, ông Đàm Thanh Thế chi sẻ: Buôn lậu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, an ninh chính trị và nhất là với người tiêu dùng. Chính vì vậy, Ban chỉ đạo 389 quốc gia tập trung chỉ đạo quyết liệt và đã thu được những kết quả đấu tranh ban đầu.

Tuy nhiên, năm 2016 tình hình buôn lậu vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp trên các tuyến đường bộ, đường biển và hàng không.

Đáng lưu ý là với biên giới phía Bắc những loại hàng tập trung vào ma túy, một số đồ điện tử, gia dụng… Còn với biên giới phía Tây Nam thì chủ yếu là thuốc lá, đường và mặt hàng gia dụng.

Riêng với tuyến buôn lậu đường hàng không diễn biến phức tạp thì đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh lại chủ yếu buôn lậu các sản phẩm của động vật quý hiếm, ma túy, buôn lậu vũ khí và một số văn hóa phẩm đồi trụy khác.

Đường biển thì buôn lậu xăng dầu, khoáng sản phức tạp. Do đó, tính đến thời điểm này lực lượng chức năng đã phát hiện 172 nghìn vụ việc, tăng 2% so với cùng kỳ. Trong đó, đã truy thu khoảng 13 nghìn tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước.

Về phía Bộ đội biên phòng, Nguyễn Xuân Bắc cho hay: Nhằm đẩy lùi nạn buôn lậu, Bộ đội biên phòng đã triển khai đồng bộ tất cả các biện pháp tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, đặc biệt những khu vực trọng điểm, để tổ chức chốt chặn và kịp thời ngăn chặn.

Cùng với đó, lực lượng cũng tăng cường biện pháp nghiệp vụ để tìm các đầu nậu lớn để triệt phá. Mặt khác, tăng cường phối hợp với các lực lượng khác để tạo ra sức mạnh tổng hợp để đấu tranh.

Đặc biệt, bộ đội biên phòng thường xuyên tham mưu cho hệ thống chính trị, tăng cường tuyên truyền cho bà con nhân dân, không tiếp tay cho buôn lậu.

Tuy nhiên, số lượng bị bắt giữ thời gian qua đã giảm nhưng số lượng thuốc lá bị bắt giữ lại tăng. Điều đó chứng tỏ đã đánh vào các chủ hàng lớn vì có những vụ bắt được hàng chục nghìn bao.

Theo ông Đồng Đại Lộc, tình trạng buôn lậu đang diễn biến hết sức phức tạp và nhất là mặt hàng thuốc lá. Do đây là mặt hàng nóng nên buôn lậu ngày càng nhiều và tinh vi.

Thống kê cho thấy, một năm trung bình bắt khoảng 9 triệu bao thuốc lá, gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 10 ngàn tỷ đồng. Mặc dù lực lượng công an đã quyết liệt vào cuộc nhưng thực tế vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường.

Điều đáng nói là hầu hết các nhóm đối tượng đều rất manh động, sử dụng vũ khí và sẵn sàng tấn công uy hiếp cán bộ. Ngoài ra, buôn lậu thường hình thành đường dây, có khả năng là có móc nối với cơ quan chức năng được giao kiểm soát biên giới.

Phần lớn các đối tượng tập kết hàng ngoại biên, lợi dụng sông ngòi, lối mở vào ban đêm vận chuyển nhỏ lẻ vào Việt Nam giao cho các chủ hàng lớn… đưa về các đô thị.

Còn theo ông Nguyễn Trọng Tín, trong thời gian vừa qua, công tác chống buôn lậu trên phạm vi cả nước gặp nhiều khó khăn bởi lực lượng chức năng mỏng, công cụ, phương tiện hỗ trợ còn chưa được trang bị đầy đủ.

Hơn nữa, các đối tượng ngày càng chống trả quyết liệt nhằm cướp lại tang vật khiến một cán bộ Quản lý thị trường đã hi sinh khi thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu thuốc lá.

Do vậy, trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt các tỉnh, thành phố có địa bàn trọng điểm tạo điều kiện hơn nữa cho lực lượng Quản lý thị trường về việc bổ sung kinh phí hoạt động.

Cùng với đó, củng cố tổ chức, sắp xếp, tăng cường biên chế; bố trí trụ sở làm việc, trang thiết bị phương tiện, công cụ hỗ trợ thiết yếu để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Để đẩy lùi vấn nạn này, theo ông Đàm Thanh Thế, Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ siết chặt công tác quản lý chặt chẽ biên giới.

Trong kế hoạch này, phải giao trách nhiệm đến từng đồn biên phòng nhằm tăng cường tuần tra bảo vệ biên giới, huy động các lực lượng ở dịa phương như dân quân cùng tuần tra để khép chặt biên giới. Mặt khác, tăng cường biện pháp nghiệp vụ cơ bản để nắm đường dây, ổ nhóm, chủ đầu nậu và mở các chuyên án.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ giao cho cục phòng chống ma túy và tội phạm, xử lý nghiêm các vụ đã bị bắt giữ.

Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, có các chương trình, biên bản ghi nhớ với Trung Quốc, Lào bởi qua nắm tình hình từ xa, thì phối hợp với các lực lượng chức năng các nước láng giềng có hiệu quả rất tốt.

Đặc biệt, chống buôn lậu là phải có bàn tay sạch và chỉ đạo của thủ trưởng, gắn trách nhiệm của người đứng đầu.

Đơn vị nào xảy ra điểm nóng trên địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước bộ tư lệnh và pháp luật.

Về phía Bộ Công an, ông Đồng Đại Lộc khẳng định: Trước, trong và sau tết Nguyên Đán, Bộ luôn mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm, trong đó có buôn lậu.

Ngoài ra, Bộ còn lập các chuyên án đấu tranh, hướng đi vào các địa bàn, hướng trọng điểm, mặt hàng trọng điểm.

Hiện tại, Bộ đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các vụ án đang thụ lý điều tra. Cố gắng điều tra làm rõ các đối tượng phạm tội.

Mở rộng để phát hiện thêm đối tượng. Do có nhiều thông tin liên quan đến các tổ chức, đường dây… tiến hành sang lộc, tiến hành làm sớm vì trước 15 tháng chạp là phải giải quyết các đầu mối nếu có.

Theo ông Nguyễn Trọng Tín, chống buôn lậu không phải một sớm một chiều mà giải quyết được. Do vậy, Cục sẽ phối hợp các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương xây dựng kế hoạch để đánh trúng, đánh đúng. Phải xác định ngay từ tuyến đầu, tuyến buôn lậu và mặt hàng buôn lậu.

Tuy nhiên, do địa bàn rất dài, rộng, giáp biên giới Trung quốc rất hiểm trở nên chống buôn lậu được coi như một cuộc đấu tranh trường kỳ, lâu dài.

Vì vậy, thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14/CT-BCT và Chỉ thị số 23/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương để xây dựng lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực.

Tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên môn, kiến thức pháp luật cho công chức thực thi; đặc biệt chú trọng kiểm tra nội bộ để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các nhân, tổ chức có vi phạm.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bởi nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm.

Riêng với mặt hàng thuốc lá điếu, ông Vũ Văn Cường kiến nghị thay vì siết chặt việc xử lý hình sự đối với các hành vi có liên quan đến hoạt động buôn lậu thuốc lá, quy định mức giá trị hàng phạm pháp tối thiểu để xử lý hình sự (100 triệu, 300 triệu và 500 triệu đồng) là chưa phù hợp và sẽ làm cho việc xử lý hình sự đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu rất khó thực hiện được trên thực tế.

Vì vậy, Hiệp hội đề nghị sửa đổi điều 190, 191 của Bộ Luật Hình sự 2015: Không áp dụng giá trị hàng phạm pháp tối thiểu làm căn cứ để định tội và định khung đối với các tội danh liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu mà xử lý hình sự đối với các hành vi kể trên dựa trên cơ sở số lượng từ 500 bao trở lên, thống nhất với quy định tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP và Chỉ thị số 30/CT-TTg.

Đồng thời tiếp tục tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu bị bắt giữ, tịch thu, với các lý do: Việt Nam là thành viên của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá FCTC (hiệu lực 17/3/2005): trong đó Khoản 4c Điều 15 của FCTC quy định rõ các quốc gia thành viên phải “tiến hành các bước thích hợp để đảm bảo rằng tất cả các thiết bị sản xuất, thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác, thuốc lá nhập lậu và các sản phẩm thuốc lá khác bị tịch thu được tiêu hủy”.

Tái xuất thuốc lá điếu nhập lậu là đi ngược với quy định trên bởi nếu thực hiện tái xuất, do không có thị trường tiêu thụ nên nhiều khả năng các loại thuốc lá nhập lậu này sẽ tái thẩm lậu vào thị trường nội địa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục