Sóc Trăng thành lập Đội ứng phó thiên tai thảm họa

17:56' - 10/06/2024
BNEWS Ngày 10/6, UBND tỉnh Sóc Trăng công bố quyết định thành lập và ra mắt Đội ứng phó thiên tai, thảm họa tỉnh Sóc Trăng.

Tham dự có ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; đại diện các sở, ngành trong tỉnh.

 

Tại lễ ra mắt, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Vũ Thanh Lưu thông tin, năm 2023, cả nước đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai với 21/22 loại hình. Một số đợt thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng như: sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng), mưa lớn gây lũ quét tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát (Lào Cai)...

Năm 2024, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục duy trì các chương trình phối hợp trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai với các bộ, ban, ngành. Hiện, cả nước có trên 400.000 tình nguyện viên. Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 1 Đội tình nguyện viên về phòng ngừa và ứng phó thảm họa. Các tình nguyện viên thường xuyên được tập huấn, tuyên truyền về kỹ năng, nghiệp vụ công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng, Đội ứng phó thiên tai, thảm họa tỉnh được thành lập có 22 thành viên, do ông Đỗ Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh làm đội trưởng. Đội có nhiệm vụ hỗ trợ chính quyền và người dân ứng phó khẩn cấp với tình huống thiên tai, thảm họa xảy ra trên địa bàn nhằm giảm bớt thiệt hại cho người dân. Đồng thời, Đội sẽ phối hợp tuyên truyền, vận động di dời người dân khỏi những vùng ảnh hưởng khi có thiên tai xảy ra, tham gia các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với thảm họa dựa vào cộng đồng tại địa phương. Cùng với đó, Đội sẽ đánh giá thiệt hại, nhu cầu tại nơi xảy ra thiên tai và báo cáo cấp trên, tham mưu xây dựng kế hoạch cứu trợ, hỗ trợ các hoạt động cứu trợ, triển khai hoạt động sơ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe người dân.

Theo ông Đỗ Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng, sau lễ ra mắt, các thành viên của Đội sẽ được tập huấn một số kiến thức như: các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra tại địa phương, mức độ và sự nguy hiểm…; hướng dẫn về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và thực hành đánh giá rủi ro thiên tai như: xử lý số liệu, công cụ thu thập số liệu, thực hành viết báo cáo, thiệt hại và nhu cầu vùng bị thiên tai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục