Sôi động thị trường đồ cũ ở cường quốc châu Á

09:36' - 10/07/2024
BNEWS Công ty chứng khoán KB Securities ước tính thị trường đồ cũ Hàn Quốc sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong khoảng từ 15% đến 20% mỗi năm trong vài năm tới.

Thị trường đồ cũ, trong đó có chợ trời trực tuyến ở Hàn Quốc đang phát triển nhanh chóng và ngày càng phổ biến vì tình trạng lạm phát dai dẳng khiến người tiêu dùng có sức mua thấp phải lựa chọn đồ đã qua sử dụng.

 

Số liệu thống kê của Cơ quan An ninh và Internet Hàn Quốc cho biết, thị trường đồ cũ ở nước này có giá trị 24.000 tỷ won (tương đương 17,35 tỷ USD) vào năm 2021, tăng gấp 6 lần so với năm 2008 khi thị trường này chỉ có giá trị 4.000 tỷ won và dự đoán sẽ đạt giá trị 43.000 tỷ won vào năm 2025.

Trong một nghiên cứu riêng biệt, Công ty chứng khoán KB Securities ước tính thị trường đồ cũ Hàn Quốc sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong khoảng từ 15% đến 20% mỗi năm trong vài năm tới.

Sự bùng nổ của hoạt động bán lại diễn ra sau những tiến bộ trong công nghệ thương mại điện tử và sự phát triển của các chợ trời trực tuyến, giúp những người trẻ am hiểu công nghệ, coi trọng trải nghiệm mua và dùng thử nhiều loại sản phẩm, bao gồm cả các thương hiệu xa xỉ, có thể mua sắm với mức giá phải chăng.

Theo tổ chức Voice for Consumers có trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc), tình trạng chợ đồ cũ phát triển nhanh gần đây một phần là do lạm phát cao trong nhiều năm sau đại dịch COVID-19. Điều này không chỉ xảy ra ở Hàn Quốc mà là hiện tượng toàn cầu sau khi giá tăng cao khiến nhiều người tìm cách chi tiêu ít hơn.

Tổ chức này đã trích dẫn một nghiên cứu từ Viện Tài chính Hana - một tổ chức tư vấn tài chính của Hàn Quốc, dự đoán thị trường đồ cũ toàn cầu sẽ đạt giá trị 77 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ mức 27 tỷ USD vào năm 2021. Trong đó, chỉ riêng thị trường quần áo cũ của Mỹ đã có giá trị 43 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình 11% mỗi năm cho đến năm 2028.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài nguyên nhân lạm phát, sự phát triển nhanh chóng của các chợ trời trực tuyến còn là do sự phổ biến của ngành thương mại điện tử. Ở Hàn Quốc, các chợ trời trực tuyến bắt đầu hình thành dưới hình thức các cộng đồng Internet nhỏ vào đầu những năm 2000 và từ đó đã phát triển thành nhiều nền tảng ứng dụng điện thoại thông minh khác nhau.

KB Securities cho biết, lĩnh vực thương mại điện tử Hàn Quốc được định giá 20.000 tỷ won vào năm 2020, với 7.800 tỷ won tương đương 39% tổng số giao dịch đến từ bốn nền tảng chợ trời trực tuyến lớn là Danggeun Market, Bungaejangter, Joonggonara và HelloMarket.

Sự phổ biến của chợ trời trực tuyến sẽ tiếp tục trong kỷ nguyên số và đặc biệt là thế hệ Millennials (những người được sinh ra vào khoảng từ năm 1981 đến 1996) và thế hệ Gen Z đã tạo nên nhóm khách hàng trung thành của mô hình kinh doanh này vì những thế hệ trẻ này khác với thế hệ cũ về cách chi tiêu, coi trọng trải nghiệm hơn là sở hữu hàng hóa.

Chính vì thế, các chợ trời trực tuyến đóng vai trò là sân chơi để họ thử và bán lại sản phẩm. Theo KB Securities, 75% người dùng Bungaejangter là thế hệ Millennials và Gen Z.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục