Song hành lợi ích kinh tế với trách nhiệm cộng đồng

09:16' - 30/12/2024
BNEWS Theo các chuyên gia kinh tế, việc thực hiện trách nhiệm xã hội ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự rõ ràng về tiêu chí, tiêu chuẩn và cách thức triển khai, áp dụng trong sản xuất kinh doanh.

Với số lượng hơn 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo đang hoạt động trên khắp cả nước; trong đó có khá nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp thành công góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, thúc đẩy phát triển kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng. Doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội không chỉ đóng góp vào kết quả kinh tế mà còn giúp việc đảm bảo hòa nhập xã hội, môi trường bền vững và quản trị tốt thông qua chuỗi cung ứng.

TS. Trần Minh Sơn, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (PACC) cho biết: Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 95% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam, sử dụng 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội cho rằng, lợi nhuận và lợi tức đầu tư của công ty phải được xem xét trong bối cảnh rộng hơn bao hàm những vấn đề về kinh tế - xã hội và trách nhiệm của doanh nghiệp. Họ tự nguyện theo đuổi các mối quan tâm xã hội và môi trường, ngoài những yêu cầu theo quy định pháp luật. Từ những thực hành về lao động và việc làm, về các vấn đề môi trường như đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, phòng chống ô nhiễm, đấu tranh chống nạn hối lộ và tham nhũng...cho đến việc tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển cộng đồng.

Thế giới ngày càng phát triển, người tiêu dùng cũng ngày càng quan tâm đến dấu ấn môi trường và xã hội của các sản phẩm và dịch vụ mà họ tiêu thụ. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng tìm kiếm các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị khi đưa ra quyết định đầu tư. Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm tìm kiếm các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam nhằm mục đích kết hợp lợi nhuận với những đóng góp tích cực cho cộng đồng. Điển hình như Ngân hàng Citibank và Ngân hàng HSBC Việt Nam cam kết góp phần giảm thiểu tác động đến khí hậu và đưa ra các chính sách để giảm thiểu nguồn tín dụng tài trợ cho các nhà máy than...

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc thực hiện trách nhiệm xã hội ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự rõ ràng về tiêu chí, tiêu chuẩn và cách thức triển khai, áp dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh. Một số nguyên nhân được cho là vì doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhận thức hạn chế nên chưa quan tâm đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó, hiểu biết và việc tiếp cận, áp dụng thực hiện trách nhiệm xã hội chưa đúng, thậm chí là sai lệch về ý nghĩa. Nhiều doanh nghiệp chỉ nghĩ đóng góp làm từ thiện là đã thực hiện trách nhiệm xã hội mà chưa quan tâm tới điều kiện làm việc của lao động hay xử lý chất thải công nghiệp để đảm bảo môi trường, đảm bảo chất lượng sản phẩm như cam kết với người tiêu dùng....

Ngoài ra, vẫn còn doanh nghiệp có vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý lao động, bảo vệ môi trường, lợi ích của người tiêu dùng và cộng đồng; chưa tạo được môi trường làm việc an toàn cho lao động và đảm bảo quyền lợi cho các đối tác....Hiện có 46,8% người lao động đang cho rằng điều kiện lao động thực tế như khói bụi, tiếng ồn, sự nóng bức, độ ẩm cao... gây ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người lao động.

Trong khi đó, số đông doanh nghiệp khá thờ ơ trong việc bảo đảm an toàn lao động tại công trình, nhà máy, xí nghiệp. Theo ông Sơn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa xây dựng bộ quy tắc ứng xử nội bộ cho cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội nên bản thân người lao động chưa biết, chưa quan tâm. Thậm chí doanh nghiệp còn chưa áp dụng các bộ tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với sản xuất của doanh nghiệp nên khả năng xuất nhập khẩu hạn chế.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hành sản xuất - kinh doanh có trách nhiệm trong doanh nghiệp thủy sản, ông Ngô Minh Phương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Trường bày tỏ, sản xuất kinh doanh bền vững phải vừa đạt mục tiêu tăng trưởng - phát triển và vừa không gây tổn hại đến phát triển xã hội cũng như môi trường. Nếu thực hiện được sản xuất - kinh doanh có trách nhiệm sẽ góp phần thúc đẩy lợi nhuận, lợi thế so sánh và uy tín của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh. Để thực hành kinh doanh có trách nhiệm, Công ty TNHH Việt Trường luôn thực hiện 3 nhiệm vụ là tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và Luật Lao động, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Theo đó, đảm bảo đủ chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, tuân thủ quy định về IUU, thực hành 5S, Kaizen và truy xuất nguồn gốc 15 phút hay các chứng nhận HACCP, BRC, GMP+ và Halal... Việc bảo vệ môi trường là những yếu tố như làm xanh - sạch - đẹp môi trường nhà máy, có hồ sơ đánh giá tác động môi trường theo tiêu chuẩn quy định, xây dựng hệ thống xử lý nước thải - khí thải - rác thải đạt chuẩn. Đồng thời, thiết lập hệ thống quản lý sản xuất tối ưu, phân loại rác thải, phế thải tại nhà máy. Công ty luôn tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, các chế độ phúc lợi cho cán bộ, công nhân viên như nghỉ thai sản, thưởng, nghỉ lễ - tết....

Từ góc nhìn thực tiễn hoạt động tại Tổng công ty May 10, Luật sư Đinh Việt Thanh cho hay, về nhận thức, kinh doanh có trách nhiệm là xu hướng tất yếu khi Việt Nam đã hội nhập sâu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Kinh doanh có trách nhiệm giúp tạo nên môi trường cạnh tranh bình đẳng vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. May 10 đã xây dựng chiến lược với 10 hành động về kinh doanh có trách nhiệm. Cụ thể là xây dựng thành định hướng chiến lược, tổ chức đánh giá nội bộ, sắp xếp lại hệ thống, đầu tư tiền, nhân lực và đào tạo, phân loại (cũ và mới) để áp dụng cơ chế, thực hành với quyết tâm và sự đồng lòng cao nhất. Cuối cùng là tổng kết, đánh giá kết quả và nhận thức lại.

Theo Luật sư Đinh Việt Thanh, bằng việc triển khai chiến lược kinh doanh có trách nhiệm, May 10 đã đạt được nhiều kết quả tích cực giúp gia tăng hiệu quả hoạt động, tăng trưởng rõ nét về doanh thu và số lượng khách hàng, kiểm soát và chủ động được các phương án xử lý nguy cơ tiềm ẩn, thay đổi và nâng cấp được nhận thức của toàn bộ đội ngũ về môi trường, về trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng....May 10 kỳ vọng cần có những chính sách hỗ trợ tích cực hơn nữa để hậu thuẫn cho doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép đồng thời thiết kế thêm những hành lang pháp chế để đảm bảo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp thực hiện và doanh nghiệp không thực hiện về kinh doanh có trách nhiệm. Đó cũng chính là tạo ra sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp và sự thành công của mục tiêu này, Luật sư Đinh Việt Thanh nhấn mạnh.

Để thúc đẩy hoạt động kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, cần ban hành Chương trình hành động quốc gia về hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam. Qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm qua các cơ chế ưu đãi, tự quản, giám sát, thanh tra công bằng và hiệu quả. Song song với đó, giải quyết vướng mắc và khiếu nại, tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp và công chức về thực hành kinh doanh có trách nhiệm.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm với việc xây dựng cơ chế, kế hoạch. Chẳng hạn như cơ chế tự khắc phục và phòng ngừa, thủ tục và nguyên tắc giải quyết khiếu nại, quy chế và quy tắc về quản trị nội bộ, ứng xử, đạo đức kinh doanh và xây dựng các phương án thực hành tiết kiệm theo quy định pháp luật và xu hướng chung trên thế giới. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục